Họ Ngô Lý Trai: Dòng họ 5 đời đỗ đại khoa và ngôi mộ thiên táng
- Trần Hưng
- •
Họ Ngô ở làng Lý Trai (Diễn Châu, Nghệ An) nổi tiếng là dòng họ khoa bảng đứng đầu cả nước. Dòng họ có 5 đời đỗ đại khoa, nhiều người là trọng thần, trở thành dòng họ công thần của Triều đình.
Dòng họ Ngô ở đây bắt đầu từ thời ông Ngô Định, vốn là người ở làng Vọng Nguyệt thuộc xứ Kinh Bắc, vì mẹ mất nên không nơi nương tựa, được một người ở làng Lý Trai nhận nuôi. Chuyện về người mẹ đã mất của ông là một câu chuyện cảm động, cũng được coi là nguyên nhân chính khiến họ Ngô Lý Trai thành dòng họ khoa bảng nổi tiếng với nhiều đời liên tiếp đều có người đỗ đạt.
Tấm lòng nhân hậu
Theo gia phả dòng họ Ngô, thì khi vụ án Lệ Chi Viên xảy ra vào năm 1442 khiến Nguyễn Trãi bị tru di tram tộc, bà Ngô Thị Ngọc Dao là vợ vua Lê Thái Tông mất đi sự che chở và giúp đỡ của Nguyễn Trãi, bị phát khứ đi xa. Cụ Ngô Nguyên vốn có bà con với Ngô Thị Ngọc Dao phải lánh nạn về làng Vọng Nguyệt, được quan cả tên Chu Đình Cần che giấu, giúp đỡ, sau lại gả con gái là Chu Thị Bột cho làm vợ. Hai vợ chồng sinh được 2 người con trai là Ngô Ngọc và Ngô Định.
Sau khi cụ Ngô Nguyên mất, bà Chu Thị Bột nuôi dạy hai con. Do gia đình cũng giàu có nên bà có ít vốn, lại hay lam hay làm nên của cải trong nhà ngày một nhiều, thành người giàu có trong vùng.
Năm ấy vùng Kinh Bắc mất mùa, người dân đói khát. Bà Chu Thị Bột đã cho phát chẩn lương thực cứu đói. Người dân vùng Kinh Bắc kháo nhau tìm bà cụ thí thóc để nhận thóc, bà đều phân phát hết thóc cho dân chúng. Nhờ đó người dân Kinh Bắc thoát được nạn đói lớn, cũng từ đó người dân gọi bà Chu Thị Bột là “Cụ Thí Thóc”.
Nhưng sau khi bà Chu Thị Bột bố thí hết của cải để cứu dân thì mất mùa vẫn liên tiếp xảy ra, cộng thêm dịch bệnh hoành hoành. Bà Chu Thị Bột lâm vào cảnh khó khăn vất vả nên lâm bệnh nặng. Biết mình không qua khỏi, bà dặn con cháu rằng khi mình mất thì hãy chôn ở cánh đồng Hàn Phấn.
“Cụ Thí Thóc” mất vào ngày 17 tháng giêng mà không còn một chút của cải nào để lại, điều duy nhất bà để lại là “phúc đức” cho con cháu.
Con cháu nghe lời bà dặn đến tối thì đưa bà đi an táng. Đến cánh đồng Hàn Phấn thì đột nhiên mưa to gió lớn, sớm chớp nổi lên đùng đoàng, dây thừng bị đứt khiến không thể chôn cất được. Thấy thế con cháu bảo nhau nên về đến sáng hôm sau quay lại chôn cất cho bà.
Sáng hôm sau con cháu trở lại thì thấy chỗ đặt thi hài bà Chu Thị Bột hôm trước mối đã đùn cao thành đống. Tất cả đều cho rằng đây là đất thiêng nên mới được “thiên táng”, nên mọi người cứ đắp tiếp thành mộ.
Trở thành dòng họ công thần của Triều đình
Vì mẹ đã dùng hết của cải cứu dân, gia đình bỗng chốc chẳng còn gì, hai anh em Ngô Ngọc và Ngô Định bơ vơ không chốn nương thân. Người cậu liền nhận nuôi Ngô Ngọc để giữ dòng trưởng.
Một người quê ở làng Lý Trai (Nghệ An) đang trong quân ngũ ở Kinh Bắc nhận nuôi người em là Ngô Định, hình thành nên họ Ngô Lý Trai, đây là dòng họ khoa bảng nổi danh với 18 người đỗ đạt, trong có 5 tiến sĩ.
Đến đời thứ tư thì dòng họ Ngô ở Lý Trai sinh được Ngô Trí Trạch vào năm 1509. Học giỏi nhưng chưa có duyên với thi cử, ông chỉ vượt qua được tứ trường thi Hương (tức cử nhân). Tuy vậy ông lại có duyên với nghề giáo khi học trò của ông rất nhiều người đỗ đại khoa trong đó có cả con và cháu của ông là Ngô Trí Tri và Ngô Trí Hòa.
Nhờ công lao đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước mà Ngô Trái Trạch được phong làm Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu.
Khoa thi năm 1592 nhà Lê Trung Hưng chỉ lấy đỗ 3 người, thì cả 3 người đều là con cháu và học trọ của họ Ngô Lý Trai. Trong đó cả hai cha con là Ngô Trí Tri và Ngô Trí Hoà cùng đỗ một khoa, tức phụ tử đồng khoa, đây là lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử. Vua Lê Thế Tông tặng bảng vàng “Phụ tử đồng khoa” và ban 10 chữ vào cờ vinh quy: “Khoa danh thiên hạ hữu. Phụ tử thế gian vô” (khoa danh trong thiên hạ thì ai cũng có thể có, nhưng hai cha con cùng đỗ một khoa thì chưa thấy bao giờ).
Người đỗ còn lại là Trịnh Cảnh Thụy cũng là học trò của Ngô Trí Tri.
Ngô Trí Hoà có con trai là Ngô Sĩ Vinh, do gia đình nhiều người có công lao lớn nên dù chưa thi đỗ cũng được tập ấm làm quan. Sĩ Vinh dù không đỗ sớm nhưng rất kiền trì nhẫn nại, khoa thi năm 1646 dù đã 56 tuổi nhưng Sĩ Vinh vẫn dự thi và đỗ Đệ tam giáp tiến sĩ.
Gia đình 3 đời ông, cha và con đều đỗ đại khoa, từ đấy trong dân gian có lưu truyền câu đối nôm:
Sáng khoai, trưa khoai, khoai ba bữa
Ông đỗ, cha đỗ, con đỗ, đỗ cả nhà.
Dù 3 đời liếp tiếp đỗ đại khoa, nhưng phúc của họ Ngô vẫn chưa dừng lại, lớp con cháu vẫn nhiều người đỗ đạt khiến họ Ngô vang danh lịch sử.
Thi đỗ, Ngô Sĩ Vinh được cử làm Đốc đồng đạo quân do Trịnh Lãm (con Trịnh Tùng) thống lĩnh, đưa 300 chiến thuyền vượt biển sang Quảng Đông nhằm tranh thủ lúc nhà Minh suy yếu (do sắp bị nhà Thanh diệt) để lấy lại các vùng đất cũ bị mất.
Năm 1655, Ngô Sĩ Vinh làm Đốc đồng cho đạo quân của Trịnh Toàn nam tiến lấy lại các vùng đất đã mất vào tay chúa Nguyễn trước đó.
Ngô Sĩ Vinh có cháu nội nội là Ngô Công Trạc đỗ song nguyên là Hội nguyên và Đình nguyên, tức đỗ đầu cả 2 kỳ thi Hội và thi Đình khoa thi năm 1694. Em của Sĩ Vinh là Ngô Hưng Giáo đỗ Đệ tam giáp năm 1710.
Dòng họ Ngô Lý Trai có 5 đời đỗ tiến sĩ và làm quan lớn, trở thành dòng họ công thần, như Ngô Trí Tri làm đến Giám sát Ngự sử chuyên can gián Vua và giám sát các quan lại.
Ngô Trí Hoà làm đến chức Thượng thư bộ Hộ kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám, phong Thiếu bảo, tước Phú Xuân hầu.
Làm quan lớn, tận mắt chứng kiến sự xa hoa của tầng lớp quan lại, nỗi thống khổ của dân chúng, nên năm 1618 Ngô Trí Hòa đã viết “Khải điều trần” gồm 6 điều dâng lên chúa Trịnh Tùng như sau:
- Xin sửa đức chính để cầu mệnh trời giúp
- Xin đè nén kẻ quyền hào để nuôi sức dân
- Xin cấm phú dịch phiền hà để đời sống nhân dân được đầy đủ
- Xin bớt xa xỉ để của cải nhân dân được thừa thãi
- Xin dẹp trộm cướp để dân được yên
- Xin sửa sang quân chính để bảo vệ tính mạng cho dân
Tưởng nhớ
Đến nay họ Ngô Lý Trai có nhiều người học hành thành tài với nhiều giáo sư, tiến sĩ. Hàng năm cứ đến ngày 21 tháng 11 âm lịch con cháu khắp nơi lại trở về đến nhà thờ dòng họ, tưởng nhờ và ôn lại truyền thống dòng họ.
Về việc nổi danh của dòng họ công thần này, nhiều người cho rằng chính vì được thiên táng nên cụ tổ Chu Thị Bột đã phù hộ cho con cháu họ Ngô được hiển vinh lâu dài trên đường học vấn.
Dân chúng không ai quên được “Cụ Thí Thóc” nên cứ đến ngày giỗ cụ là 17 tháng giêng hàng năm, người dân khắp vùng lại đến thăm ngôi mộ cụ. Họ đến đây thắp hương, hát ca trù, cùng kể lại và nghe những câu chuyện cụ Chu Thị Bột năm xưa đã phân phát thóc và toàn bộ gia tài của mình để cứu đói cho dân, đến nỗi khi mất không còn gì để lại cho con cháu.
Từ đó dân chúng cũng lưu truyền bài ca như sau:
Một gốc trăm cành nẩy họ Ngô
Chuyện bà thí thóc để muôn thu
Mất mùa thương kẻ ăn rau cháo
Làm phúc đến lúc dốc bịch bồ
Hai chữ vinh hoa bia miệng dệt
Năm đời liên trúng phấn son tô
Còn trời còn đất còn non nước
Thóc tổ còn nhiều chẳng phải lo
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa khoa bảng họ Ngô dòng họ Việt Nam dòng họ khoa bảng