Hoàng tử nhà Mạc trở thành người thầy nổi tiếng của đất học Yên Thành
- Trần Hưng
- •
Huyện Yên Thành, Nghệ An trở thành đất học nổi tiếng vào thời Lê Trung Hưng, nhờ công lao của thầy giáo có tên gọi Ngũ Phương tiên sinh. Thời bấy giờ không ai biết rằng ông chính là Hoàng tử con trai của vua Mạc Mậu Hợp.
Chạy loạn
Nhà Mạc là một triều đại ngắn ngủi trong lịch sử Việt Nam, bắt đầu khi Mạc Đăng Dung ép vua Lê Cung Hoàng nhà Hậu Lê nhường ngôi tháng 6 năm 1527. Năm 1592, quân đội Nam triều của nhà Lê tiến vào Kinh thành Thăng Long. Trong lúc nguy cấp, Mạc Mậu Hợp lập con là Mạc Toàn lên ngôi, tự mình thống suất quân đội. Tuy nhiên quân Mạc thua, Mạc Mậu Hợp và sau đó là Mạc Toàn bị bắt và hành hình.
Bấy giờ giữa lúc hỗn loạn, một tướng tâm phúc của vua Mạc Mậu Hợp là Nguyễn Anh đem hai em gái của mình là Hoàng hậu Nguyễn Thị và Nguyễn Thị Niên (đang được Vua sủng ái) chạy trốn. Nguyễn Thị Niên bấy giờ đang mang thai.
Nguyễn Anh đưa Nguyễn Thị Niên đến ở nhà ông Trịnh Hoan là một hào kiệt ở Thanh Hóa. Sau đó bà Niên sinh được người con trai đặt tên là Mạc Phúc Thanh.
Năm Mạc Phúc Thanh 5 tuổi thì Nguyễn Anh đưa cả hai mẹ con đến ở động Phương Lũng, sách Cổ Long (nay là xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa). Lúc này nhà Lê Trịnh truy bắt tôn thất nhà Mạc, nên Nguyễn Thị Niên đổi tên con là Nguyễn Ngũ Phương. Từ đó cậu bé Ngũ Phương được cả mẹ và cậu dạy chữ rồi cho đi học.
Lớn lên Ngũ Phương thông minh lại nhân hậu, được nhiều người quý mến, không chỉ giỏi chữ nghĩa mà biết cả về thiên văn và địa lý.
Lúc này nhà Lê Trịnh vẫn truy tìm con cháu họ Mạc để diệt nên vào năm 1620, Nguyễn Ngũ Phương vào Nghệ An. Sau thời gian đi lại nhiều nơi cuối cùng ông chọn định cư ở xã Tăng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
Từ quan để dạy học
Năm 1633, Ngũ Phương thi đỗ Hoàng giáp, làm quan đến Thượng thư bộ Binh cho nhà Lê Trung Hưng.
Khi thấy nhà Lê không ngừng truy tìm diệt con cháu họ Mạc, Ngũ Phương không muốn phục vụ cho nhà Lê nữa. Năm 1636, ông từ quan về lại Nghệ An.
Ở làng quê ông xem thiên văn địa lý giúp dân làm nhà, đào giếng, đào mương tiêu úng. Ông chiêu mộ dân khai khẩn đất hoang lập làng, nhờ đó mà có thêm nhiều làng mới được lập, dân chúng an cư lạc nghiệp.
Ngũ Phương cũng mở trường dạy học, học trò theo rất đông đến không đủ chỗ. Ông có một cách dạy rất độc đáo vào lúc đó là đặt câu hỏi cho học trò suy nghĩ rồi trả lời, như thế học trò sẽ hiểu và nhớ lâu. Trường của ông có nhiều người đỗ đạt làm quan cao nên rất nổi tiếng. Học trò đỗ đạt khiến huyện Đông Thành trở thành đất học.
Sau này con cháu của Ngũ Phương tiên sinh Mạc Phúc Thanh cải sang họ Nguyễn Trọng. Ngày nay nhà thờ Nguyễn Trọng và mộ Mạc Phúc Thanh nằm tại xóm Phương Sơn, xã Phúc Thành, Yên Thành, Nghệ An. Đây là nơi thờ dòng họ, đặc biệt là cụ tổ dòng họ Mạc Phúc Thanh.
Một số trò giỏi của Ngũ Phương tiên sinh có thể kể đến sau đây:
Tể tướng hai đời Vua
Lê Hiệu sinh năm 1617 trong gia đình khoa bảng ở xã Quan Trung, huyện Đông Thành (nay là xã Sơn Thành, Yên Thành, Nghệ An). Cha ông là Lê Kính đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1628 làm quan đến Công bộ Thượng thư, ông nội là Lê Giản được tặng Thái bảo Tả thị lang Cẩn Tiết bá.
Thuở nhỏ Lê Hiệu đi học ở trường làng và may mắn gặp được Ngũ Phương tiên sinh.
Theo gia phả họ Lê, Lê Hiệu rất siêng năng học tập, xem kỹ các kinh điển, nhớ cả chú thích. Khoa thi năm 1643, Lê Hiệu nằm trong 2 người đỗ cao nhất, khoa thi này không lấy Tam khôi.
Sau khi thi đỗ ông được bổ nhiệm làm Hiệu lý ở viện Hàn Lâm , sau được thăng lên Khoa cấp sự trung Công bộ, rồi làm Hữu thị lang bộ Lễ. Sau đó triều đình cử ông làm Chánh sứ sang nhà Thanh bang giao, báo tin vua Lê Thần Tông mất, xin lập vua Lê Huyền Tông.
Khi đi sứ trở về đến Cao Bằng, ông có công cùng các quan địa phương đánh dẹp đám thổ phi. Nhờ lập công nên ông được thăng lên làm Thượng thư bộ Công, gia thăng từ tước Bá lên tước Hầu.
Lê Hiệu làm bộ Công, dâng sớ đề nghị xử lý những quan lại sai phạm. Nhờ làm tốt nên ông được thăng lên làm Tham tụng (tương đương Tể tướng).
Lúc này vua Huyền Tông mất sớm mà không có con nối dõi, em là Gia Tông lên kế vị và tìm cách thay thế các vị quan thời vua Huyền Tông. Cuối năm 1673, Triều đình tìm tội để có lý do đình chỉ chức vụ của Lê Hiệu, rồi cử ông làm Tả thị lang Binh bộ, rồi sau đó giáng xuống làm Tham chính Hưng Hóa cho đến cuối đời.
Lê Hiệu làm Tham Tụng (tương đương Tể tướng) qua 2 triều vua, đời vua Huyền Tông từ năm 1669 đến 1671, đời vua Gia Tông từ năm 1671 đến 1673.
Nhà Nguyễn đánh giá Lê Hiệu rất cao. Năm 1894, vua Thành Thái gia phong cho ông làm Chi thần thành Trung đẳng thần. Năm 1912, vua Duy Tân chỉ định phối thờ ông cùng với các vị thần khác của làng tại đình làng Tràng Sơn. Năm 1924, vua Khải Định gia phong từ Trung đẳng thần lên Thượng đẳng thần.
Liêm Quận công Trần Đăng Dinh
Trần Đăng Dinh người xã Phúc Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An, là cháu 6 đời của Trần Nguyên Hãn, con trai của Thượng trụ quốc chỉ huy quân cấm vệ Triều đình là Trần Tuấn Kiệt. Ông là người say mê văn chương và cả thư pháp, theo học với thầy Ngũ Phương tiên sinh vốn đang rất nổi tiếng lúc đó.
Năm 1664, ông vào Kinh thành đàm đạo văn chương, binh pháp thì gặp Thế tử Trịnh Căn. Thấy ông tài năng, Trịnh Căn mời về Phủ của mình làm gia thần. Ông dần có được niềm tin của Thế tử Trịnh Căn và chúa Trịnh Tạc, giúp nhà Chúa rất nhiều như hộ giá Chúa đánh quân phản loạn, đi sứ sang phương bắc, ông đều hoàn thành tốt.
Năm 1682, Thế tử Trịnh Căn lên ngôi. Đến năm 1687 thì Trần Đăng Dinh được phong làm Liêm Quận công, nhiều lần lập công to. Năm 1691 khi đã 72 tuổi, ông vẫn được trọng dụng phong chức Thượng thư bộ Công.
Trần Đăng Dinh mất khi đang tại vị khiến vua Lê rất thương tiếc, ban 1.500 quan tiền đưa linh cữu ông về quê nhà, ban tên thụy Trung Túc và lệnh cho dân sở tại lập đền thờ làm Phúc thần.
Trần Hưng
Xem thêm:
- Mạc Thái Tông: Một vị minh quân và 10 năm thịnh trị
- Mạc Kính Điển: Cây cổ thụ chèo chống nhà Mạc (P1)
Mời xem video:
