Người ta thường nói trên đời không có thuốc hối hận, vì rất nhiều sự tình một khi đã làm sai rồi thì không thể sửa sai được nữa, tạo thành tổn thất không thể bù đắp được. Quả thực có những sự tình đúng là như vậy. Nhưng con người sống trên đời, có ai là không từng phạm lỗi lầm? Điều mấu chốt là cách chúng ta đối đãi với sai lầm của mình như thế nào. Mạnh Tử ca ngợi Tử Lộ là người “Vui mừng được nghe lời góp ý”. Lục Cửu Uyên thời Nam Tống cũng viết: “Vui mừng được nghe lời góp ý, biết lỗi mà không giấu giếm, không ngại sửa sai”. 

Các hiền nhân thời xưa đều coi việc biết lỗi và sửa lỗi là vô cùng quan trọng, là đạo đức tốt đẹp của con người. Thực sự ăn năn hối lỗi đôi khi sẽ có thể vãn hồi được hậu quả mà mình đã gây ra. Trong văn hóa truyền thống, Nho gia giảng về “thiên nhân hợp nhất”, “thiên nhân cảm ứng”, người biết ăn năn cải sửa thì sẽ được trợ giúp. Đạo gia giảng về học thuyết âm dương, chính khí đủ thì tà khí sẽ không thể xâm phạm. Phật gia giảng về nghiệp lực luân báo, cho rằng con người vì làm ác mà tạo tội nghiệp, nhưng cũng giảng một người có thể thiện giải oán duyên. Bởi vậy trong cuộc sống có rất nhiều việc không phải là làm sai thì sẽ đoạn tuyệt đường cải sửa của người ta. Trời đất luôn cấp cho con người rất nhiều cơ hội. Dưới đây là một vài câu chuyện được ghi chép lại trong sách cổ về tầm quan trọng của việc biết hối hận và sửa sai kịp thời.

Hối hận là "liều thuốc tốt", nhưng cần phải sửa sai kịp thời
(Tranh minh họa qua Aboluowang.com)

Nhạc Hoằng vội vàng sửa sai

Trong cuốn “Kiến văn lục” có ghi lại câu chuyện về một hòa thượng tên Nhạc Hoằng. Vị hòa thượng này sống vào cuối thời nhà Thanh, đầu thời nhà Minh, ở chùa Cao Minh, phụ trách quản lý nhà kho. Tuy nhiên ông lại thường xuyên xâm phạm, cắt xén mọi thứ.

Nhạc Hoằng mỗi ngày đều nấu nướng đồ ăn ở trong kho và một mình hưởng thụ, trộm một ít đậu, gạo và những thực phẩm khác để dùng riêng cho bản thân mình. Ông làm việc này liên tục trong suốt một năm. 

Vào đêm giao thừa năm ấy, Nhạc Hoằng đã nằm mơ thấy Thần linh tới cắt lưỡi mình. Đến đúng ngày mùng 4 Tết thì ông thật sự lâm bệnh nặng sắp chết. Nhạc Hoằng đã vô cùng sợ hãi. Ông vội vàng lấy hết thảy những tài sản mình có mà trả lại cho nhà chùa rồi trước mặt mọi người nói ra tội của mình và sám hối, thật tâm mong muốn tu sửa, xin không làm quản kho nữa. Thế là dần dần bệnh tình của Nhạc Hoằng cũng tự khỏi. 

Hối hận làm tiêu tan cừu thù

“Kiến văn lục” chép một chuyện khác được Vương Nguyên Kiến, một cư sĩ ở Hàng Châu vào cuối triều đại nhà Minh và đầu nhà Thanh, tận mắt chứng kiến. Theo đó, ở Hàng Châu có một người dân làng, gia đình sở hữu một số đất nhà nông màu mỡ, nhưng vị trí đó lại nằm sát với đất của một viên quan họ Chu trong làng. Viên quan này đã dựa vào quyền thế để chiếm phần đất nọ.

Người dân không quyền không thế, trong lúc uất ức đã thề kiếp sau sẽ biến thành con rắn đến cắn viên quan họ Chu để trả thù. Sau đó, khi người nông dân kia bị bệnh nặng, ông ta đã nhờ thợ đóng cho một chiếc quan tài, đặc biệt yêu cầu để lại một cái lỗ thủng. Người thợ bối rối hỏi tại sao thì được nghe kể lại toàn bộ câu chuyện. 

Người thợ này đã nói sự việc cho viên quan họ Chu. Viên quan họ Chu nghe xong rất hối hận, liền đến nhà người nông dân và trả lại giấy tờ đất đai, đồng thời trả chi phí chữa bệnh. Người nông dân trong lòng chợt tỉnh ngộ, cũng cảm thấy hối hận. Một thời gian sau, bệnh của ông ta khỏi hẳn.

Hối hận giày vò tâm linh

Tô Đông Pha đã kể một chuyện trong cuốn “Đông Pha chí lâm” như sau. Có một người tên là Thạch Phổ, tính cách hung bạo. Một lần, sau khi say rượu, ông ta đã trói một người hầu lại và ra lệnh cho những người tùy tùng ném người hầu đó xuống sông. Nhưng những người kia đã bí mật thả anh ta đi. 

Sau khi Thạch Phổ tỉnh rượu, nhớ lại việc làm của mình thì đã rất hối hận, nhưng những người tùy tùng cũng không dám nói sự thật về việc thả người hầu đi.

Sau đó ít lâu, Thạch Phổ bị mắc bệnh. Trong lúc mê man, ông dường như luôn nhìn thấy hồn ma của người hầu xuất hiện. Vì thế ông lại càng sợ hãi và hối hận hơn. Những người tùy tùng thấy chủ nhân như vậy thì liền kể lại sự thật. Những ngày sau, Thạch Phổ không còn nhìn thấy hồn ma của người hầu kia nữa và bệnh tình của ông cũng khỏi hẳn.

Sám hối cần phải làm trước khi chết

Thượng thiên có đức hiếu sinh, không bao giờ tuyệt đường của con người. Cho dù là phạm tội lỗi trầm trọng như giết người cướp của, chỉ cần người ta vẫn có tâm kính Phật, hướng đến Phật mà thành tâm ăn năn thì vẫn sẽ có lối thoát cho sinh mệnh. Nhưng cũng có một giới tuyến là không thể vượt qua.

Trong cuốn “Duyệt vi thảo đường bút ký”, Kỷ Hiểu Lam có kể một câu chuyện. Trước kia có một thư sinh rất dũng cảm. Một đêm nọ, khi trời vừa tạnh mưa, trăng sáng sao thưa, anh ta mang một bình rượu tới nghĩa địa ở ngoại ô. Tới nơi, anh ta nhìn tứ phía rồi lớn tiếng nói rằng: “Một mình uống rượu trong đêm thanh vắng như thế này thật khiến người ta cảm thấy cô đơn quá, các bằng hữu dưới Cửu Tuyền, có ai muốn đến uống cùng ta chăng?”

Một lúc sau, những ngọn lửa ma trơi lập lòe ẩn hiện tới, nhưng không chịu đến gần. Chàng thư sinh dùng một bát lớn đổ đầy rượu rồi hất về phía bọn họ, đám quỷ cúi xuống ngửi mùi rượu trên mặt đất. Một con quỷ khen rượu ngon rồi thỉnh cầu chàng thư sinh thưởng thêm cho chúng một ít nữa.

Chàng thư sinh vừa uống rượu vừa hỏi: “Các vị vì cớ làm sao mà không chịu đi luân hồi chuyển kiếp?”

Quỷ nói: “Người mà thiện căn chưa mất thì có thể chuyển sinh, kẻ tội ác tày trời thì phải đọa xuống địa ngục. Trong 13 người chúng tôi đây, có 4 người vì tội ác chưa đến nỗi chất chồng nên vẫn đang đợi luân hồi, 9 người còn lại vì sa vào báo ứng của nghiệp quả nên không được luân hồi”.

Chàng thư sinh hỏi: “Vậy tại sao không sám hối để cầu được giải thoát?”

Quỷ đáp: “Sám hối bắt buộc phải trước khi chết, còn chết rồi thì không còn nơi nào để cố gắng nữa.”

Sau khi hất cạn rượu, chàng thư sinh bèn nhấc vò rượu lên cho đám quỷ nhìn thấy, chúng quỷ rời đi. Một con quỷ trong đám quay đầu lại dặn dò chàng thư sinh rằng: “Đám ngạ quỷ chúng tôi được uống rượu của ngài, thật không biết lấy gì báo đáp, kính tặng ngài một câu: Sám hối bắt buộc phải ngay trong lúc còn sống”.

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: