“Huynh hữu đệ cung”: Quan hệ giữa anh em trong xã hội xưa
- An Hòa
- •
Người xưa rất coi trọng hiếu đễ, “hiếu” là chỉ mối quan hệ giữa con cái và cha mẹ, còn “đễ” là chỉ mối quan hệ giữa anh chị em trong nhà. Trạng thái tốt nhất của các mối quan hệ chính là “phụ từ tử hiếu, huynh hữu đệ cung”, nghĩa là cha nhân từ con hiếu thảo, anh hữu ái em cung kính. Thời cổ đại có rất nhiều những câu chuyện “huynh hữu đệ cung”, dưới đây là ba câu chuyện như vậy.
Vào thời nhà Minh, có hai anh em tên là Triệu Ngạn Vân và Triệu Ngạn Tiêu đều đã có gia đình và cha mẹ đều đã mất. Hai gia đình sống chung cùng nhau dưới một mái nhà suốt 20 năm. Vì tổ tiên đã tích lũy được một số tài sản lớn nên cuộc sống của hai gia đình không gặp khó khăn gì lớn. Thế rồi người anh trai Triệu Ngạn Vân bắt đầu thích du đãng chơi bời, bỏ nghề nghiệp, tiêu xài phung phí, cuối cùng khiến tài sản của gia đình nhanh chóng bị suy yếu. Người em Triệu Ngạn Tiêu nhiều lần khuyên nhủ anh trai nhưng tiếc là người anh không hề để tâm. Thế là Triệu Ngạn Tiêu buộc phải xin ra ở riêng.
Sau khi nhà Triệu Ngạn Tiêu ra ở riêng thì chỉ trong thời gian ngắn Triệu Ngạn Vân đã làm tiêu tan hết tài sản mà vẫn còn nợ nần rất nhiều khoản. Nhiều người đến đòi nợ nhưng người anh không còn khả năng để trả. Anh ta cũng không còn mặt mũi nào gặp lại em trai mình nên dự định sẽ trốn đến một nơi thật xa để sinh sống. Lúc này đã là ngày cuối năm rồi.
Sau khi Triệu Ngạn Tiêu biết chuyện thì trong đêm giao thừa đã lập tức đến đưa anh trai, chị dâu và các cháu đến nhà mình, còn nói với anh trai rằng: “Em vốn là không có ý định tách ra ở riêng, chỉ là lo gia đạo sa sút, sợ bị rơi vào cảnh cơ hàn đói khổ nên bất đắc dĩ mới phải ra ở riêng. Hiện giờ còn may mắn giữ được chút tài sản còn có thể cung cấp cho hai nhà chúng ta sinh sống bình thường, hy vọng sau này anh cố gắng chăm lo việc nhà”. Nói dứt lời, Triệu Ngạn Tiêu hủy giấy phân chia nhà, đồng thời giao cho anh trai cai quản nhà chính và giữ chìa khóa nhà kho.
Triệu Ngạn Vân chứng kiến cách hành xử của em trai mình thì vô cùng cảm động, đồng thời cũng vô cùng xấu hổ. Về sau, ông đã thay đổi cách sống và trở nên siêng năng, tiết kiệm hơn trong việc cai quản gia đình của mình. Còn Triệu Ngạn Tiêu, người có tấm lòng vô tư thản đãng, cùng với con trai sau này đều có được công danh, trở thành những người hiển đạt lúc bấy giờ.
Vào thời Vạn Lịch nhà Minh, có một người đàn ông tên là Trần Thế Ân, quê ở Hà Nam, đỗ tiến sĩ năm 1589. Ông được bổ nhiệm làm quan ở phủ Bảo Định, sau đó được thăng chức Cấp sự trung, Hữu cấp sự trung.
Trần Thế Ân có anh và em trai. Anh trai của ông cũng là người chăm chỉ học tập, đỗ cử nhân và ra làm quan. Nhưng người em trai của họ thì rất ham chơi, suốt ngày lêu lổng bên ngoài, đi sớm về muộn. Anh trai của Trần Thế Ân rất lo lắng, thường xuyên khuyên can em trai không nên ra ngoài chơi bời, nên dành thời gian vào việc học tập. Nhưng người em trai này luôn không nghe lời, vẫn trước sau như một ra ngoài chơi bời suốt cả ngày.
Trần Thế Ân nhìn thấy cảnh đó, nói với em trai: “Không nghe theo lời anh, tiếp diễn sẽ làm tổn hại đến quan hệ anh em, có hại hơn là có lợi”. Nhưng người em trai vẫn không để tâm. Thế là Trần Thế Ân nghĩ ra một biện pháp, mỗi đêm đều đứng canh cổng đợi cho đến khi em trai trở về thì mới khóa cửa. Hơn nữa, ông còn ân cần hỏi han em trai, hỏi em có lạnh không, có đói bụng không, đồng thời không nói lời phê bình chỉ trích em.
Cứ như vậy liên tiếp trong nhiều ngày, Trần Thế Ân đều làm như thế. Em trai ông đã bắt đầu thấy cảm động và dần tỉnh ngộ hoàn toàn. Người em đã hứa rằng sẽ không bao giờ để cho các anh trai phải lo lắng, và sẽ không đi chơi về nhà muộn như vậy.
Cũng vào triều nhà Minh còn có một câu chuyện về tình anh em cảm động như thế. Thời ấy, ở vùng Dư Diêu có một người đàn ông tên là Hoàng Tỉ có người anh trai tên là Hoàng Bá Chấn. Hoàng Bá Chấn đi đến nơi khác làm ăn đã hơn mười năm vẫn chưa về nhà, cũng không có tin tức gì. Hoàng Tỉ rất lo lắng nên đã đi nhiều nơi để tìm kiếm anh trai mình. Một hôm, Hoàng Tỉ đi đến chùa Nam Nhạc cầu xin. Sau đó, trở về nhà, trong giấc ngủ anh ta nằm mơ thấy một người đọc cho hai câu thơ: “Triền miên đạo tặc tế, lang bái giang hán hành.”
Hoàng Tỉ sau khi tỉnh dậy vẫn nhớ như in hai câu thơ này nhưng không hiểu ý nghĩa là gì. Sau đó, một thư sinh đã giải thích cho anh ta rằng đây là câu thơ trong bài “Xuân Lăng hành” của Đỗ Phủ. Thư sinh nói với Hoàng Tỉ rằng hãy thử đến Xuân Lăng tìm kiếm xem sao.
Thế là Hoàng Tỉ liền theo lời của thư sinh đi đến nơi xa xôi ấy. Một hôm, trong lúc đi vào nhà vệ sinh, Hoàng Tỉ tiện tay để cái ô ở bên ngoài cửa. Vừa hay lúc ấy Hoàng Bá Chấn đi qua, nhìn thấy chiếc ô thì thầm nghĩ: “Đây là chiếc ô của quê hương ta, thật kỳ lạ!” Sau đó anh ta bước tới, nhìn kỹ dòng chữ khắc trên cán ô, nhìn thấy bốn chữ “Dư Diêu Hoàng Tỉ”. Đúng lúc đó thì Hoàng Tỉ bước ra, nhìn thấy người này, Hoàng Tỉ tiến lên hỏi, hóa ra chính là anh trai đã xa cách hơn chục năm, thay đổi rất nhiều, gần như không thể nhận ra nữa.
Những câu chuyện về tình cảm anh em như vậy dù là ở vào thời đại nào cũng được mọi người ca ngợi, ngưỡng mộ, đồng thời cũng là bài học để mọi người suy ngẫm về mối quan hệ nhân luân trong xã hội ngày nay.
Theo Sound Of Hope
Tác giả: Triệu Tử Hinh
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Hiếu thảo Tình anh em Hiếu đễ