Huỳnh Thúc Kháng – Bậc “Uy vũ bất năng khuất” (Phần 2)
- Nam Trân
- •
Những tưởng chọn việc từ bỏ chốn quan trường sẽ được tập trung lo việc “khai dân trí”, nào ngờ cụ Huỳnh Thúc Kháng bị nhà cầm quyền bắt đày đi Côn Đảo. Sau 13 năm chịu cảnh giam cầm, nhận thấy cần phải làm nhiều hơn việc về quê dạy học và diễn thuyết, cụ Huỳnh thay đổi phương án, chọn ra tranh cử để trở thành một chính khách, có cơ hội nói hộ lòng dân.
- Xem phần 1
Người tù trở thành Viện trưởng Viện Dân biểu
Cái tài hoa thiên phú cộng với khí chất của con người xứ Quảng đã hun đúc nên cụ Huỳnh Thúc Kháng thật rất đỗi đặc biệt. Lúc từ bỏ công danh cụ chỉ mỉm cười nhẹ nhàng. Đến lúc bị bắt giam và đày ra Côn Đảo với hạn tù không biết ngày về, cụ cũng chỉ cười, cho dù chính quyền đã huy động lực lượng đông đảo đến bắt. Tài liệu ghi chép rằng: “Người vào nhà lao đầu tiên do biến cố ấy ở Quảng Nam là Huỳnh Thúc Kháng, thực dân đã huy động một lực lượng quân sự gồm có đề đốc tỉnh, quan đồn phòng thủ miền Tây Nam – Quảng Nam để dẫn độ ông”(1).
Lúc ra đến Côn Đảo, được gặp cụ Phan Châu Trinh, hai bậc sĩ phu vẫn cứ ngạo nghễ. Cụ Phan Châu Trinh gửi thư thăm hỏi cụ Huỳnh Thúc Kháng, bức thư có đoạn: “Thoạt nghe tin anh em ra đây, dậm chưn vang trời một tiếng! Đoạn, tự nghĩ anh em vì quốc dân mà hy sanh đến phải ra đây, chắc là có trăm điều vui mà không có chút gì buồn, đây là trường học thiên nhiên, mùi cay đắng trong ấy, làm trai giữa thế kỷ 20 này, không thể không nếm cho biết”(2).
Ở tù không có nghĩa là ngừng học
Càng lớn trí nhớ của cụ Huỳnh Thúc Kháng càng tuyệt vời. Trong hồi ký “Nhớ nghĩ chiều hôm”, Đào Duy Anh nhận xét rằng: “Trí nhớ của cụ (tức Huỳnh Thúc Kháng) thì đặc biệt, bài văn đọc qua một lần là nhớ, hỏi đến sách xưa thì cụ biết ngay rằng câu ấy, đoạn ấy là ở chỗ nào mà giở ngay ra cho người ta xem.”
Nhận xét trên là có căn cứ. Bởi vì mọi người đều biết rằng khi bị bắt đi đày, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã thủ sẵn một cuốn Lecture-Langage, một cuốn từ điển Pháp-Việt của Trương Vĩnh Ký và một quyển ngữ pháp Grammaire. Lúc ngồi tù ở Côn Đảo, cụ còn mua thêm cả cuốn l’Histoire Nationale Francaise để đem ra đọc vào những giờ nghỉ trưa, khiến cho số tù hình sự phải phàn nàn: “Tụi quan to(3) ở nhà cha mẹ cho đi học không lo học, nay ra tù học cái gì phá giấc ngủ người ta.”
Thế mà chỉ sau một thời gian, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã học thuộc lòng cả cuốn từ điển Pháp – Việt và được ra làm việc ở nhà giấy nhờ biết Pháp văn. Số tù nhân thường phạm lấy làm lạ, lại bảo nhau: “Té ra học trong tù mà cũng làm việc nhà giấy được.” Từ đó, họ không mắng chửi nữa, lại có người sắm giấy bút để học.
Viện trưởng Viện dân biểu Trung kỳ
13 năm sau ngày bị đày ra Côn Đảo, cụ Huỳnh Thúc Kháng được trả tự do và trở về quê hương. Thời gian ở tù ngoài việc được rèn luyện dưới nắng gió và sự hà khắc của lao tù, cụ cũng kịp học thêm tiếng Pháp. Người ta hay nói đùa là cụ đã tốt nghiệp trường tù.
Yêu nước thương dân cụ có thể từ quan, nhưng yêu nước thương dân cụ cũng có thể trở lại làm Dân biểu rồi làm Viện trưởng Viện dân biểu Trung Kỳ. Ra ứng cử và trúng cử dân biểu, rồi được Hội đồng dân biểu bầu làm Viện trưởng, cụ đã tạo ra sự ngạc nhiên và kính trọng từ mọi tầng lớp xã hội.
Viện Dân biểu Trung kỳ hay Trung kỳ Nhân dân Đại biểu viện (tiếng Pháp: Chambre des Représentants du Peuple de l’Annam) là cơ quan tư vấn cho chính quyền Pháp ở Trung Kỳ về các vấn đề kinh tế, tài chính, xã hội. Viện được thành lập theo nghị định ngày 24 tháng 2 năm 1926 của Toàn quyền Đông Dương Alexandre Varenne.
Năm 1926, cụ Huỳnh Thúc Kháng ra ứng cử nghị viên Viện Dân biểu Trung Kỳ, đại diện ba huyện Tam Kỳ, Thăng Bình, Tiên Phước. Cuộc bầu cử diễn ra tại Tam Kỳ. Cụ Huỳnh Thúc Kháng được hơn 620 phiếu trong tổng số 640 phiếu của cử tri. Trong phiên họp khai mạc năm 1926, cụ được bầu làm Viện trưởng. Nhiệm kỳ của các ủy viên là bốn năm. Mỗi năm Viện họp một khóa tại Huế.
Dẫu biết rằng Viện Dân biểu dưới con mắt của nhà cầm quyền cũng chỉ là bình phong. Nhưng cứu người, giúp dân nên cụ tận dụng hết thảy các cơ hội có thể. Thí dụ sự kiện D’Elloy- Khâm sứ Trung Kỳ có thái độ thiếu tôn trọng Viện Dân biểu, cụ Huỳnh Thúc Kháng triệu tập toàn bộ thành viên của Viện và gây sức ép đối với D’Elloy và Toàn quyền Đông Dương. Không bao lâu sau đó, D’Elloy phải về Pháp. Toàn quyền Đông Dương – Pasquier phải tìm cách xoa dịu sự bất bình của Viện dân biểu.
Viện trưởng Huỳnh Thúc Kháng và các nghị viên đã đặt ra nhiều vấn đề như là người Việt cần có hiến pháp riêng, cần thêm hoạt động độc lập và rộng quyền tự trị hơn, các diễn văn của cụ Huỳnh chỉ trích gay gắt những chính sách hà khắc với người dân của chính quyền thuộc địa về thuế khóa, nạn cường hào, tham nhũng và bày tỏ rằng “Viện dân biểu cần được trao thực quyền, chứ không chỉ mang cái tên trống mà chúng tôi khỏi phụ cái tấm lòng tin cậy của nhân dân”.
Điều này dĩ nhiên làm chính quyền không hài lòng và tìm cách công kích lại cụ Huỳnh. Ngày 2 tháng 10 năm 1928, cụ Huỳnh Thúc Kháng đưa đơn từ chức Viện trưởng khi nhận thấy rằng con đường này không còn hiệu quả nữa (hoặc là cụ nhận thấy đã nói được hết những gì mình có thể nói trên cương vị này).
Cụ Huỳnh Thúc Kháng từ quan vì dân, đi tù vì dân rồi đến đi làm quan cũng vì dân. Tiền bạc, địa vị, tù đày hay danh vọng làm sao có thể níu chân quân tử. Thế mới thấy cái lòng dạ của bậc trượng phu lớn lắm, đâu phải đơn giản chỉ là luồn trôn chui gối mà cần cả sự trí tuệ, bao dung.
(Còn nữa)
Nam Trân
Tác giả gửi Trí Thức VN
Chú thích:
- Trang 85, Huỳnh Thúc Kháng con người và thơ văn, Nguyễn Q. Thắng, (1972), NXB Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa.
- Bài “Người quốc sự phạm đầu tiên ở Côn Đảo”, Vân Trình, Báo Đà Nẵng cuối tuần, đăng ngày 29/6/2021.
- Tên tù nhân hay gọi đối với tù chính trị thời đó.
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Danh nhân lịch sử Huỳnh Thúc Kháng