Kẻ bất hiếu với mẹ được cảm hoá
- Bùi Quý Chiến
- •
Đời Xuân thu bên Tàu, Võ công nước Trịnh và vợ là Khương thị sinh được 2 con trai là Trang công và Cung Thúc Đoạn. Vì Trang công nham hiểm nên mẹ là Khương thị chỉ yêu Cung Thúc Đoạn.
Nhiều lần Khương thị xin với chồng là Võ công phong cho Đoạn làm thế tử nhưng Võ công nhất quyết chỉ phong cho Trang công.
Khi Trang công lên kế vị, Khương thị xin cấp ấp Chế cho Đoạn, Trang công từ chối viện lẽ: “Nơi đó hiểm trở, quốc thúc đã chết ở đó, xin nơi khác thì xin vâng”.
Mẹ liền xin cho Đoạn ấp Kinh thành.
Quan đại phu là Thái Trọng can rằng: “Kinh thành lớn bằng 1/3 kinh đô, phong đất ấy sẽ có hại về sau”.
Trang công đáp: “Đó là ý muốn của mẹ ta, làm sao ta từ chối để tránh nguy cơ”.
Từ đó Cung Thúc Đoạn được phong chức Kinh thành Thái thúc.
Thái Trọng thưa: “Với Lệnh bà bao nhiêu cũng không vừa lòng, liệu sớm thì hơn, để lâu ăn lan dần và dài ra sẽ khó trừ. Cỏ dài còn khó trừ huống chi là em”.
Trang công đáp: “Làm nhiều điều bất nghĩa là tự mua cái chết. Hãy chờ xem”.
Trang công biết em sẽ tạo phản nhưng chờ cho em lấn sâu vào âm mưu phản bội để có bằng cớ diệt trừ.
Quả nhiên Cung Thúc Đoạn ép buộc các quan cai trị ấp Tây bỉ và Bắc bỉ chỉ đưa về kinh đô một nửa thuế, còn một nửa phải nạp cho mình. Kế đến ấp Lẫm diên cũng bị Đoạn ép buộc phải chia một nửa thuế.
Chuẩn bị nổi loạn, Đoạn lo tu bổ thành lũy, trau dồi vũ khí, rèn luyện quân sĩ và xa giáp.
Khương thị xúi giục Đoạn công khai chống lại anh.
Trang công biết ngày giờ khởi sự của em liền sai Công tử Lữ đem 200 chiến xa đánh vào đất Kinh. Dân chúng ấp Kinh phản lại Đoạn khiến Đoạn phải chạy ra xứ Yển. Trang công vây xứ Yển, Đoạn chạy ra xứ Cung thì bị anh chém chết.
Sau khi giết Đoạn, Trang công an trí mẹ tại ấp Dĩnh rồi thề: “Chỉ khi xuống Suối vàng mới gặp nhau”. Có nghĩa rằng: còn sống trên thế gian, con không nhìn mặt mẹ.
Quan cai trị ấp Dĩnh là Dĩnh Khảo Thúc biết người bị an trí ở ấp mình là Khương thị liền đem lễ vật về kinh đô dâng lên Trang công và được Trang công thết đãi. Khi dự tiệc, Khảo Thúc lựa thịt bỏ vào tay áo. Được hỏi tại sao làm vậy, Khảo Thúc thưa: “Mẹ của tiểu nhân chỉ được ăn những gì do tiểu nhân dâng lên, chưa từng được ăn những món sơn hào hải vị, tiểu nhân xin giữ món này về dâng mẹ”.
Trang công than rằng: “Nhà ngươi còn mẹ để phụng dưỡng, tiếc thay ta lại không”.
Khảo Thúc làm như không biết nên hỏi: “Dám thưa Chúa công nói thế là nghĩa gì ?”.
Trang công thuật lại chuyện mẹ mình và tỏ vẻ hối hận về lời thề bất hiếu của mình.
Khảo Thúc thưa: “Khó gì việc đó. Đào hầm tới Suối vàng, hai mẹ con gặp nhau là giải được lời thề”.
Người xưa, kể cả người mình và người Tàu, tin rằng Suối vàng, cũng gọi là cõi âm, là một thế giới ở dưới lòng đất, coi như nơi cuộc sống của người chết được nối tiếp và vĩnh viễn.
Theo gợi ý của Khảo Thúc, một đường hầm được đào thông hai đầu, Khương thị từ một đầu đi vào, Trang công từ đầu kia, hai mẹ con vui vẻ gặp nhau và Trang công giải được lời thề.
Bùi Quý Chiến
Trích đăng từ Đặc San Lâm Viên (www.dslamvien.com)
Tham khảo:
- Đông Lai bác nghị của Lữ Đông Lai do Dương Tấn Tươi dịch .
- Trịnh Trang Công: Wikipedia
Xem thêm cùng tác giả:
Từ khóa Đặc san Lâm Viên
