“Khám sức khỏe” cho trường học
- Nguyễn Quốc Vương
- •
“Thư viện là trái tim của trường học”. Nếu thừa nhận câu này đúng thì việc khám sức khỏe các trường học từ mầm non tới đại học, sau đại học rất dễ.
Cứ khám các mục sau là biết trường đang khỏe mạnh hay đang ốm yếu, chết lâm sàng:
1. Thư viện được đặt ở đâu? Nằm ở vị trí như thế nào trong tổng thể kiến trúc trường?
2. Trong thư viện có sách gì? Có phù hợp với đối tượng mà nó phục vụ không? Số lượng sách là bao nhiêu? Có được mua mới thường xuyên không? Kinh phí đó là bao nhiêu/năm?
3. Thủ thư thư viện có nền tảng, bằng cấp, kinh nghiệm thế nào? Thủ thư nhận thức thế nào về vị trí, nhiệm vụ, sứ mệnh của mình? Quan sát xem thủ thư lúc không có bạn đọc đến mượn sách làm gì (đọc sách hay nghịch điện thoại, ngồi chơi, lau chùi thư viện…)
4. Thư viện tiến hành các hoạt động khuyến đọc thường xuyên và định kì như thế nào?
5. Số lượng giáo viên và học sinh đến thư viện đọc sách mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng, mỗi năm là bao nhiêu?
6. Số lượng sách trung bình mỗi học sinh, giáo viên mượn và đọc tại thư viện là bao nhiêu cuốn/năm/tháng/tuần/ngày?
7. Trong các bài giảng, hoạt động giáo dục, ban giám hiệu và giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm đặt thư viện và sách ở thư viện vào vị trí như thế nào? Khi soạn bài, tiến hành thực tiễn giáo dục, giáo viên có cân nhắc đến mối quan hệ giữa nội dung giáo dục, nội dung SGK và việc học sinh sử dụng thư viện hay không?
8. Ban giám hiệu – hiệu trưởng nhận thức như thế nào về vai trò, chức năng, sứ mệnh của thư viện? Hiệu trưởng và BGH có bao giờ xuống thư viện quan sát, chỉ đạo trực tiếp và có mượn sách từ thư viện không?
9. Thư viện nhà trường có mối quan hệ như thế nào với người dân địa phương? Có phục vụ người dân địa phương không? Có nhân được sự hỗ trợ về sách, hoạt động tình nguyện từ người dân không? Thư viện nhà trường có quan hệ về chuyên môn, hoạt động, nghiệp vụ với các thư viện ở địa phương như thư viện xã, huyện, tỉnh không?
10. Học sinh, giáo viên cảm nhận như thế nào về thư viện? Trải nghiệm của họ ở thư viện như thế nào?
Cứ dựa vào 10 mục trên mà khám thì kết quả thu được đủ để kết luận về sức khỏe của trường học, bất chấp trường đó có bao nhiêu giải học sinh giỏi, giáo viên giỏi, số lượng thạc sĩ, tiến sĩ…
Nếu “trái tim” đập sôi nổi tức là trường học khỏe mạnh. Nếu “trái tim” hoạt động cầm chừng, đơn điệu thì “trường học” đang thoi thóp. Nếu “trái tim” chỉ có cái biển hiệu hoặc cái phòng phủ bụi chứa vào cuốn sách cũ hay cúng cụ không ai đọc thì thực sự “trường học” đã… chết!
Nguyễn Quốc Vương
Theo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Xem thêm:
Mời xem video “Tuổi trẻ và sự lựa chọn nghề nghiệp”:
Từ khóa Nguyễn Quốc Vương thư viện trường học