Khí phách của ông quan tri huyện đầu tiên ở Cà Mau
- Trần Hưng
- •
Cà Mau là vùng đất cực nam của nước ta nên người Việt đến đây khai phá muộn nhất. Năm 1757, Cà Mau được đặt là đạo Long Xuyên. Năm 1832, vua Minh Mạng cho đổi vùng này thành huyện Long Xuyên thuộc tỉnh Hà Tiên, đồng thời lựa chọn quan tri huyện đến cai quản vùng này.
Năm 1833, ông Nguyễn Thiện Năng (còn gọi là Nguyễn Văn Năng) người miền trung được triều đình bổ nhiệm làm tri phủ huyện Long Xuyên. Ông trở thành vị quan huyện đầu tiên trấn thủ vùng đất cực nam của đất nước. Huyện đường được đặt ở vị trí phường 1 thành phố Cà Mau ngày nay.
Nguyễn Thiện Năng là người đức độ, cương trực, thanh liêm, hết mực chăm lo đời sống dân chúng. Lúc này ở Long Xuyên đất hoang còn nhiều, dân cư thưa thớt. Nguyễn Thiện Năng cho dân khai phá đất đai, dựng nhà, trồng trọt, đào kênh dẫn nước.
Ông cũng dạy dân làm nông nghiệp, khai thác rừng, hướng dẫn cho dân biết những sản vật quý từ rừng. Ông cũng mở điểm dạy chữ cho dân.
Dân chúng dần dần đều có nhà cửa, ruộng vườn, đời sống ổn định, dân cư cũng đến đông hơn, văn hóa tinh thần cũng được nâng cao, vì thế mà quan tri huyện cũng được dân yêu quý.
Khi Long Xuyên trở nên sung túc, dân buôn đến đây tìm cơ hội trao đổi hàng hóa. Một số gian thương người Hoa tìm cách mua chuộc ông Nguyễn Thiện Năng để hưởng lợi. Vốn tính thẳng thắn và cương trực, ông đã cương quyết từ chối.
Long Xuyên ở nơi miền biển, lại giáp với nhiều nước khác, rất nhiều thổ phỉ và cướp biển vẫn hay qua lại. Do Long Xuyên ở quá xa, việc bố trí quân binh phòng giữ còn sơ sài, những gian thương người Hoa đã cấu kết với thổ phỉ lập mưu chiếm cứ vùng đất này, thuận tiện buôn bán kiếm lợi.
Nhậm chức được hai năm thì Nguyễn Thiện Năng lâm bệnh nặng. Lợi dụng tình huống này, đám thổ phỉ đến bao vây huyện đường, yêu cầu tri huyện đầu hàng, làm theo yêu cầu của chúng. Nếu thuận theo thì tri huyện vẫn được giữ nguyên chức vị, gia đình yên ấm giàu có.
Tri huyện Nguyễn Thiện Năng quyết không hàng. Dù vướng bận con nhỏ, thân mang trọng bệnh, nhưng ông vẫn cùng vợ quyết chiến đến cùng với đám thổ phỉ. Cuối cùng hai vợ chồng ở thế cô, ông cùng vợ và con trai đều tuẫn tiết để bảo tồn khí phách. Dân chúng thương tiếc chôn cất vị quan tri huyện và gia đình ở bên sông Cà Mau (khu vực thuộc phường 5, TP Cà Mau ngày nay).
Tin tức thổ phỉ bao vây huyện đường lan đến huyện Kiên An (thuộc Kiên Giang ngày nay), các quan ở đây cầu cứu quân từ các nơi đến ứng cứu, dẹp được đám thổ phỉ gây loạn, trật tự được lập lại.
Sự kiện này được ghi chép trong “Đại Nam thực lục” như sau: “Người Thanh ở phố Lạc Dục, huyện Long Xuyên, tỉnh Hà Tiên là Lâm Đại Mạnh, Lâm Nhĩ, Trịnh Nô tự xưng là Nhất ca, Nhị ca, Tam ca tụ họp đến vài trăm quân giết viên Tri huyện là Nguyễn Văn Năng cùng với vợ con và môn thuộc của viên ấy đến 12 người…”
Tương truyền ông Nguyễn Thiện Năng rất linh thiêng. Dân gian còn lưu lại câu chuyện làm chấn động dân chúng trong vùng. Người cầm đầu người Hoa thời đó mang họ Quách. Sau việc của ông Nguyễn Thiện Năng, nhiều người trong gia đình và dòng họ Quách đột nhiên bị chết bất thường.
Quá lo lắng và sợ hãi, dòng họ Quách liền lập đàn nhận tội xin ông Nguyễn Thiện Năng tha thứ cho. Ông đã nhập hồn vào ông hương Trương Văn Đựng nói rằng đừng làm chuyện phản tắc nữa thì ông sẽ phù hộ cho làm ăn ổn định.
Từ đó họ Quách không còn làm việc ác nữa, dòng họ được bình yên trở lại. Câu chuyện này lan ra rất nhanh đến những người Hoa đã tham gia hại ông. Vì thế năm 1886, những người Hoa từng tham gia làm hại gia đình ông bỏ tiền của công súc, cùng dân trong vùng lập miếu thờ ông ở ngay nơi phần mộ để tỏ lòng sám hối, gọi là “miếu Thần Minh”.
Thời thuộc Pháp vào năm 1938, chính quyền làm cầu Quay bắc qua sông Cà Mau, dân chúng đã di dời mộ phần và miếu thờ đến vị trí như ngày nay ở phường 4, thành phố Cà Mau.
Hiện nay trước ngôi mộ của ông có tấm bia khắc tiểu sử cùng nhiều câu đối ca ngợi khí phách và công lao của ông đối với người dân Cà Mau.
Trần Hưng
Xem thêm:
- Vị quan thanh liêm thời Nguyễn khiến đạo tặc vì nể phục mà tránh xa
- Đạo làm quan thời xưa: Xử chặt chân người, người vẫn cảm ân
Mời xem video:
Từ khóa Danh nhân lịch sử nhà Nguyễn khí phách