Khi tiêu chuẩn cá nhân không khớp với tiêu chuẩn cộng đồng
- Nguyễn Quốc Vương
- •
Nhìn ở một góc độ nào đó vụ hiệu trưởng bêu tên học sinh trước trường rồi phụ huynh vác dao rượt hiệu trưởng, dọa chém là một ca điển hình của việc “giá trị tiêu chuẩn” chung đã thay đổi nhưng giá trị quan của cá nhân không chịu thay đổi.
Trước kia, như thông lệ, việc giáo viên, hiệu trưởng nêu tên học sinh rồi yêu cầu đứng dưới cờ khi quở trách, phê bình là chuyện thường ngày ở huyện. Cuộc đời học sinh, ai chẳng đôi lần bị như vậy. Ngay bản thân tôi là con ông giáo, suốt thời học sinh được tiếng là “con ngoan trò giỏi” nhưng cũng hai lần ăn phạt.
Một lần cô giáo chủ nhiệm lớp 1 là cô Tập phạt quỳ trước lớp vì tôi là lớp trưởng, khi cô đi chợ giao cho tôi quản lớp (giáo viên ngày xưa rất khổ, cô đã nhiều tuổi, độc thân, tóc bạc nhiều mà chợ quê tôi chỉ có phiên nên phải tranh thủ) nhưng cô vừa đi khỏi tôi cho bọn con trai ra sân đá bóng cuộn lá chuối. Lúc cô về bọn tôi còn đang vừa đá vừa xé áo nhau, hò hét như phát rồ. Thời đó bọn tôi học ở trong nhà kho làng Bến (chuyện này tôi kể trong cuốn “Mùi của cố hương”). Cô yêu cầu quỳ một tiết nhưng quỳ được 15 phút thì cô tha. Hôm đó tan học cô đèo tôi về tận nhà (Không rõ cô có thực sự học bố tôi hay không nhưng cô gọi bố tôi bằng thầy).
Một lần nữa tôi bị phạt chép câu “Từ nay em không đái bậy” 100 lần. Người phạt tôi là cô Nhung chủ nhiệm lớp 3. Thời đó tôi học ở trường học trong Chùa Không Bụt (các bạn google là ra, tôi cũng có kể chuyện này trong “Mùi của cố hương”). Thời đó lớp học cửa sổ không có chấn song, bọn con trai vẫn trèo qua đó vào lớp. Trường cũng không có nhà vệ sinh cho học sinh. Đại khái ra chơi thì học sinh chạy ra ngoài bãi bạch đàn tè bậy. Trai một góc, gái một góc. Giáo viên thì có cái nhà vệ sinh quây gạch lại, lộ thiên phía trên. Hôm đó trời mưa bọn con trai chúng tôi lười ra bãi bạch đàn nên một số thằng trong đó có tôi trèo lên bệ cửa sổ tè bậy ra ngoài. Có thằng chỉ điểm nên cả lũ bị cô Nhung bắt viết 100 lần câu trên.
Thời đó phạt học sinh quỳ là thường. Chẳng ai có ý kiến gì. Lũ trẻ cũng cười hihi. Cá nhân tôi thấy cô Tập rất hiền, hiền hơn cô Khuyên dạy lớp ở trong điếm làng Bến nhiều. Học cô Khuyên tôi sợ chết khiếp không bao giờ dám phát biểu, không bao giờ dám lên bảng nhưng sang lớp cô Tập tôi thậm chí còn làm lớp trưởng (tôi làm lớp trưởng suốt 9 năm THCS).
Tuy nhiên, bây giờ mà có cô nào dạy lớp một phạt học sinh như trên tôi nghĩ sẽ thành một sự kiện chấn động xã hội và ngành giáo dục. Cô sẽ bị chỉ trích và kỉ luật. Đơn giản vì “tiêu chuẩn phổ quát” đã thay đổi. Nó không còn phù hợp với luật và tiêu chuẩn ứng xử trong nghề.
Tương tự, ở làng quê xưa hơi tí người ta dùng bạo lực để dọa dẫm nhau, làm nhục nhau bằng bắt quỳ, bắt xin lỗi, bắt đền thậm chí thụi nhau, nện nhau thật cũng rất là… thường! Ai ở quê chẳng chứng kiến cảnh ông nào mạnh thì ông ấy… đúng! Trẻ con đi chơi, đi học cũng chơi theo luật này. Bọn nhãi ranh chúng tôi đi chăn trâu toàn bị bọn lớn hơn bày trò kích cho đấu võ, vật nhau thậm chí đánh nhau. Rồi bọn lớn bắt nạt đủ kiểu. Thằng nào lì, thằng nào ranh ma thằng ấy thắng. Tôi ít bị bắt nạt một phần vì hiền lành vô hại, phần vì người ta nể ông bố. Hồi tôi học có rất nhiều vụ phụ huynh mang gậy vào trường lùng đánh tơi bời con nhà khác vì nó can tội đánh con các bác ấy. Anh Chinh – con bác họ tôi đánh con một ông ở làng Sấu, kết quả ông ở làng Sấu đánh anh Chinh gãy mười mấy cái roi bằng cây sắn ngay tại trường và cổng trường (tôi chứng kiến).
Ồn ào, bung bét hết cả. Nhưng rồi thôi. Chẳng có ai kiện ai.
Nhưng giờ mà phụ huynh nào làm thế thì có thể lãnh án hình sự như chơi. Tiêu chuẩn, luật chơi đã thay đổi. Khi nó đã thay đổi, buộc lòng người tham gia phải tự điều chỉnh mình để phù hợp.
Tuy nhiên trên thực tế, rất nhiều người vẫn hành xử theo bản năng và thói quen kiểu cũ.
Đấy là điều nguy hiểm.
Nguyễn Quốc Vương
Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây
Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:
Mời xem video:
Từ khóa Giáo dục Việt Nam Nguyễn Quốc Vương