Mối liên hệ giữa cơ thể con người và 12 thời thần
- An Hòa
- •
Vũ trụ vận hành theo các quy luật nhất định, cơ thể con người cũng như vậy, luôn vận hành theo các quy luật nhất định. Vậy nên hiểu và thuận theo các quy luật này chính là phương cách giúp một người sống khỏe, sống thọ, bình an vô sự.
Cơ thể con người có một quy luật thời gian, được gọi là “đồng hồ sinh học nhân thể”. Đến một thời điểm nhất định, cơ thể con người nên làm gì thì tự nhiên biết rõ. Cho nên, thông thường việc ăn cơm, đi ngủ, vệ sinh… đều là có quy luật. Chiếc đồng hồ này không chỉ cho con người biết lúc nào nên làm gì, mà dựa vào nó người ta còn có thể điều chỉnh được trạng thái sức khỏe của bản thân.
Nếu một người luôn làm trái với chỉ lệnh của chiếc đồng hồ này thì nó sẽ ngừng vận hành. Những người tu đạo thời xưa cho rằng, chìa khóa của chiếc đồng hồ này cũng không phải do con người nắm giữ mà ở sâu thẳm bên trong nó đã được đấng tối cao khống chế hết thảy.
Vậy thì chiếc đồng hồ sinh học nhân thể này có mối liên hệ như thế nào với đồng hồ thời gian trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta? Nhân thể học thời cổ đại cho rằng, giữa chúng là có mối quan hệ rất chặt chẽ, khăng khít và thời thời khắc khắc tương thông với nhau.
Khí huyết của con người là tinh hoa và vô cùng huyền diệu, có tính lưu động nhất định. Nó cũng không phải là lưu chuyển của máu huyết hay các mạch máu như y học hiện đại nói đến, mà là một loại “dòng năng lượng”. Trung y cổ đại cho rằng khí huyết thông qua các kinh lạc truyền đến các bộ phận của cơ thể, nó vận chuyển năng lượng, làm cho các tạng phủ và toàn thân nhận được đầy đủ năng lượng. Loại vận hành này tuần hoàn theo nhịp điệu thời gian giống như sự lên xuống của thủy triều.
Ở vào một “thời thần” (canh giờ) nhất định, khi khí huyết chảy đến kinh lạc của một tạng phủ thì bộ phận ấy sẽ hoạt động mạnh, nếu không sẽ khiến hoạt động của bộ phận đó bị suy giảm. Ở vào một thời thần nhất định khác, khí huyết chảy đến tạng phủ là ít nhất thì sẽ khiến cho tạng phủ đó trở nên yếu nhất. Đây là nhịp điệu của 12 thời thần.
Người xưa chia một ngày đêm làm “12 thời thần” (canh giờ), tức là 12 khoảng thời gian khác nhau. Mỗi khoảng thời gian tương ứng với 2 giờ đồng hồ và được đặt tên theo 12 địa chi. 12 thời thần của cổ nhân có mối quan hệ đối ứng với 24 giờ của người hiện đại ngày nay. Trong đó cụ thể bao gồm, giờ tý (23 giờ – 1 giờ), giờ sửu (1 giờ – 3 giờ), giờ dần (3 giờ – 5 giờ), giờ mão (5 giờ – 7 giờ), giờ thìn (7 giờ – 9 giờ), giờ tỵ (9 giờ – 11 giờ), giờ ngọ (11 giờ -13 giờ), giờ mùi (13 giờ – 15 giờ), giờ thân (15 giờ – 17 giờ), giờ dậu (17 giờ – 19 giờ), giờ tuất (19 giờ – 21 giờ), giờ hợi (21 giờ – 23 giờ).
Tuyến đường vận hành chính của kinh lạc bắt đầu từ phế kinh (3 giờ – 5 giờ), đến đại tràng (5 giờ – 7 giờ), dạ dày (7 giờ – 9 giờ), tỳ (9 giờ – 11 giờ), tim (11 giờ – 13 giờ), ruột non (13 giờ – 15 giờ), bàng quang (15 giờ – 17 giờ), thận (17 giờ – 19 giờ), màng ngoài tim (19 giờ – 21 giờ), tam tiêu (21 giờ – 23 giờ), đảm (23 giờ – 1 giờ), gan (1 giờ – 3 giờ). Mỗi một kinh lạc là một thời thần. 12 kinh lạc này vận hành tuân theo quy luật tương ứng với 12 thời thần, mỗi kinh lạc sẽ hoạt động mạnh trong một thời thần nhất định như trên.
Những người tu Đạo trong quá khứ hiểu rõ về kinh lạc và quy luật tuần hoàn của khí huyết. Cho nên trong dân gian có tồn tại phương pháp điểm huyệt chữa bệnh, châm cứu chữa bệnh. Đó là căn cứ vào hướng đi của kinh lạc trong cơ thể người mà làm.
Trong Đông y giảng: “Thông tắc bất thống, thống tắc bất thông”, mạch thông thì không đau, đau tức là mạch không thông. Kinh lạc phản ánh bệnh tình. Một người bị đau ở chỗ nào đó thì chính là chỗ đó khí huyết không thông, mạch bị ứ tắc. Bất kỳ sự bất thường nào cũng đều được thể hiện ra bên ngoài thông qua những hội chứng tương ứng. Để đả thông kinh lạc thì y học cổ truyền phương Đông có các hình thức như châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, khí công trị bệnh…
Những môn tu luyện cổ xưa, đặc biệt là trường phái Đạo gia, rất chú trọng đến việc đánh thông các kinh lạc, xem đây như là “thông đạo” để thăng hoa.
Ngoài ra, theo y học cổ đại thì những biến đổi về tâm lý cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự vận hành của kinh lạc, từ đó mà sinh ra bệnh. Đó cũng là lý do vì sao suốt mấy ngàn năm qua, các hòa thượng, đạo sĩ luôn chú trọng đến việc tu dưỡng tinh thần, nâng cao tâm tính để đạt được một cơ thể khỏe mạnh và trường thọ.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
- Cảnh giới cao nhất của dưỡng sinh là dưỡng tâm
- Thập trường sinh đồ: Khát vọng trường thọ của người phương Đông
Mời xem video:
Từ khóa cơ thể người Trung y