Lã Thị Xuân Thu: 4 điều để sống khỏe mạnh đến hết thọ mệnh
- An Hòa
- •
“Lã Thị Xuân Thu” là tác phẩm do thừa tướng nhà Tần là Lã Bất Vi tập hợp các môn khách của mình biên soạn và được hoàn thành vào cuối thời Chiến quốc trước khi nhà Tần thống nhất Trung Nguyên. “Lã Thị Xuân Thu” đã dung hợp bách gia chư tử, bảo lưu không ít những tài liệu trước đời Tần, trong đó có các thiên như: Bản sinh, Trọng kỷ, Quý sinh, Tình dục, Tận số, đề cập đến tư tưởng và phương pháp dưỡng sinh một cách hệ thống, có thể xem là sự tổng kết về tri thức dưỡng sinh thời tiên Tần.
Nội dung dưỡng sinh trong “Lã Thị Xuân Thu” vô cùng phong phú và cũng rất phức tạp. Nó không chỉ kế thừa nội dung của Nho gia, Đạo gia mà còn có cả Mặc gia và Pháp gia. Toàn bộ tác phẩm là 160 thiên, trong đó có hơn 50 thiên đề cập đến nội dung dưỡng sinh.
Trong thiên “Tận số” viết rằng: Trời sinh âm dương, nóng lạnh, khô ẩm, bốn mùa biến hóa, muôn vật thay đổi, không phải vì cái lợi, cũng không phải vì cái hại. Bậc thánh nhân xem xét sự thích nghi với âm dương, phân biệt cái lợi của muôn vật để được sinh tồn, cho nên tinh thần an ổn thể hiện ra là hình dáng, tuổi thọ được kéo dài. Trường thọ không phải là sự kéo dài ra của đoản mệnh mà là hưởng được hết cái số của mình.
Qua đây chúng ta có thể hiểu đúng về ý nghĩa của “trường thọ” trong tư tưởng của cổ nhân. Trường thọ không phải là do tuổi thọ ngắn được kéo dài ra mà là do ở chỗ dưỡng sinh, làm cho cơ năng sinh lý của con người có quá trình hoạt động đến hết. Vậy làm thế nào để dưỡng sinh trường thọ, trong “Lã Thị Xuân Thu” đã chỉ ra những phương pháp dưỡng sinh như “thuận sinh”, “tiết dục”, “khứ hại”, “vận động”.
Thuận sinh
Trong thiên “Trọng kỷ” viết rằng: Phàm sự sống được kéo dài là do thuận với nó. Hay nói cách khác, dưỡng sinh là phải thuận theo phép tắc tự nhiên của sinh lý cơ thể con người.
Trong thiên “Tận số” cũng có viết rằng: Ăn uống có giờ thì thân thể không bị tai ương. Xét về đạo ăn uống thì không được để cơ thể quá đói, cũng không được ăn quá no, đó được coi là điều quý của ngũ tạng. Tựu chung lại ở đây nhấn mạnh phương pháp ăn uống là phải định thời định lượng, không ăn uống vô độ, tùy tiện.
Tiết dục
Thiên “Trọng kỷ” nói rằng: Vì lòng dục mà người ta bắt sinh mệnh của bản thân không thuận theo thiên tính. Cho nên điều mà bậc thánh nhân làm trước tiên chính là tiết dục, tiết chế dục vọng. Nhà lớn quá thì nhiều âm, đài cao quá thì nhiều dương, âm nhiều thì chân cẳng sẽ bị mỏi, dương nhiều thì cơ bắp sẽ bị teo liệt, đó đều là bệnh tật do âm dương không điều hoà.
Cho nên các Tiên vương thời cổ không chọn ở nơi nhà lớn, cũng không làm những đài cao, thức ăn không nhiều món ngon vật lạ, mặc không quá ấm. Mặc quá ấm thì mạch bị bế tắc, mạch bế tắc thì khí huyết không thông. Thức ăn nhiều món ngon vật lạ sẽ khiến dạ dày đầy, dạ dày đầy sẽ làm bụng căng ra, bụng căng thì khí huyết không thông, như vậy mà thì sao có thể trường thọ được?
Khứ hại
Trong “Lã Thị Xuân Thu” cho rằng đạo dưỡng sinh còn cần phải “khứ hại”, tức là phải loại bỏ những nhân tố sinh hoạt có hại cho sức khoẻ.
Trong thiên “Tận số” viết rằng: Điều cốt yết để được hưởng hết tuổi thọ là phải loại bỏ đi những điều có hại cho sự sống. Vậy như thế nào là loại bỏ những điều có hại? Ngọt quá, chua quá, đắng quá, cay quá, mặn quá – năm vị ấy có đầy trong thân thể thì sẽ sinh hại. Mừng quá, giận quá, lo quá, sợ quá, buồn quá – trong tinh thần mà xuất hiện năm thứ ấy thì sẽ sinh hại. Lạnh quá, nóng quá, khô quá, ướt quá, gió nhiều, mưa nhiều, mù nhiều – bảy loại ấy khi ảnh hưởng đến tinh khí thì sẽ sinh hại. Cho nên, trong việc dưỡng sinh không gì bằng biết rõ cái gốc, biết rõ cái gốc thì bệnh tật không thể xuất hiện được.
Những phân tích này đã chỉ ra rằng thức ăn có chất kích thích quá mạnh, hay những rung động mạnh của tình cảm và sự biến đổi của khí hậu tự nhiên đều có thể gây hại cho việc dưỡng sinh, nên cần phải tránh.
Vận động
Trong tư tưởng dưỡng sinh ở Lã Thị Xuân Thu còn chỉ ra khái niệm vận động dưỡng sinh. “Động” đối với dưỡng sinh có ý nghĩa tích cực và rất quan trọng.
Trong thiên “Tận số” có đoạn luận thuật nói rằng: Nước chảy không hôi thối, chốt cửa không bị mối mọt, đều là vì nó luôn động. Hình và khí cũng giống như vậy. Hình nếu không động thì tinh không lưu thông, tinh không lưu thông thì khí sẽ uất tắc. Nếu khí ở đầu mà bị uất thì sẽ sinh ra phù thũng, nếu khí uất ở tai thì tai bị ù bị điếc, nếu khí uất ở mắt thì mắt bị ghèn bị mờ, nếu khí ở mũi bị uất thì mũi bị ngạt bị tắc, nếu khí ở bụng bị uất thì bụng bị chướng bị đầy hơi, nếu khí ở chân bị uất thì chân bị tê bị liệt.
Những luận thuật này đã chỉ rõ ra rằng, bệnh tật do không vận động mà mắc phải là rất nhiều. Điều này cũng cho thấy rõ tính nguy hại của việc không vận động. Bởi vậy, “Lã Thị Xuân Thu” nhấn mạnh việc vận động để tăng thêm sức khoẻ cho thân thể.
Ngày nay con người mắc phải rất nhiều loại bệnh, trong đó những loại bệnh do ăn uống vô độ, phóng túng dục vọng, ỷ lại vào công cụ hiện đại, lười vận động là rất nhiều. Khi bị bệnh, người ta mới biết được tầm quan trọng của sức khỏe, và khi đó người ta thường sẽ uống đủ các loại thuốc, thuốc bổ để chữa trị, tăng cường sức khỏe.
Nhưng cổ nhân coi việc uống thuốc trị bệnh không phải là cách tốt nhất để trường thọ, thiên Tận số bàn rằng đó chỉ là “bỏ gốc lấy ngọn” mà thôi. Điều này là giống với quan niệm “trị lúc chưa bệnh” trong tác phẩm Hoàng Đế nội kinh, tích cực dưỡng sinh phòng bệnh tăng cường sức khoẻ .
Theo The Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Thuận theo tự nhiên Lã Thị Xuân Thu dưỡng sinh Dục vọng