Lê Đình Kiên: Vị “phúc thần” giúp Phố Hiến phát triển sầm uất
- Trần Hưng
- •
Vào thế kỷ 17, Phố Hiến trở thành một thương cảng sầm uất bậc nhất, giao thương khắp châu Á và châu Âu. Mà người có công lao lớn giúp Phố Hiến phát triển đến đỉnh điểm là công thần Lê Đình Kiên.
Xuất thân
Thời Lê Trung Hưng đầu thế kỷ 17, ở làng Thiết Đinh (còn gọi là Thiết Đanh, nay thuộc xã Định Tường, huyện Yên Định) có hai vợ chồng rất nghèo khó đến ruộng nương cũng không có, phải hàng ngày mò cua bắt ốc kiếm sống.
Năm 1621, hai vợ chồng sinh được một bé trai, đặt tên là Lê Đình Kiên. Chẳng bao lâu người chồng mất sớm, khiến gia cảnh đã khó lại càng khó hơn, người vợ dù cố gắng tần tảo nhưng khó có thể nuôi được con nhỏ.
Lúc này ở triều đình có Tả đô đốc Lê Hàn Tiến được chúa Trịnh Tùng gả con gái là Phù Dung cho, nhưng hai vợ chồng không có con. Ông Lê Hàn Tiến vì thế mà thích tìm những đưa trẻ khôi ngô nhận làm con nuôi. Cả đời ông có 10 con nuôi, trong đó có 6 trai và 4 gái.
Năm Lê Đình Kiến lên 6 tuổi, một lần hai mẹ con bắt gặp Tả đô đốc. Thấy cậu bé khôi ngô kháu khỉnh, ông xin nhận làm con nuôi với lời hứa sẽ nuôi dạy thành tài.
Nhờ cha nuôi là Tả Đô đốc và là phò mã của nhà Chúa, Lê Đình Kiên được ở trong Phủ Chúa. Ông lớn lên và học hành tại đây.
Giúp Phố Hiến phát triển sầm uất
Lê Đình Kiên lớn lên trong cảnh Đàng Ngoài loạn lạc, chiến tranh liên miên. Từ trấn Sơn Nam đến vùng đông bắc rất nhiều phỉ và trộm cướp, dù triều đình cử nhiều người đi dẹp nhưng không sao ổn định được.
Năm 1664, Lê Đình Kiên 43 tuổi, vâng mệnh triều đình làm trấn thủ trấn Sơn Nam. Ông ra sức ổn định xã hội, đánh dẹp bọn Tàu ô (hải tặc Trung Quốc).
Thời điểm này nhà Thanh đánh bại và lên thay nhà Minh, tàn quân con cháu nhà Minh chạy trốn Mãn Thanh nên đến đây quấy nhiễu. Lê Đình Kiên đã đánh dẹp và chiêu dụ đám quân người Hoa này, rồi lập những làng ở Phố Hiến cho họ đến sống. Thời bấy giờ Phố Hiến được gọi là Vạn Lai Triều.
Trước khi Lê Đình Kiên đến làm trấn thủ trấn Sơn Nam, việc giao thương ở Vạn Lai Triều đã rất phát triển, giao thương với cả Trung Quốc, Nhật Bản, Đông Nam Á và châu Âu. Triều đình không ứng phó kịp với mánh lới độc quyền của thương nhân nước ngoài, các quan ở đây cũng tìm cách bưng bít kiếm lời. Hoạt động dù có nhộn nhịp nhưng sắp xếp không hợp lý, vô tổ chức.
Khi Lê Đình Kiên đến đây đã sắp xếp lại có quy củ trật tự, khiến việc giao thương trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Người dân thời đó có câu rằng: “Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”.
Ông cũng giúp người nước ngoài được thuận tiện giao thương ở Vạn Lai Triều. Trước đây các lái buôn nước ngoài đến đều phải dừng ở bến Vân Đồn, nhưng từ Vân Đồn vào đất liền khó khăn, các thương nhân nước ngoài muốn xin được đi vào phía trong. Ông đã xin triều đình cho các thương nhân nước ngoài được đi vào đến tận Vạn Lai Triều để thuận tiện buôn bán. Từ đó các thương nhân Hà Lan, Anh, Pháp cũng đặt thêm các thương điếm ở đây.
Lê Đình Kiên còn chiêu mộ dân chúng từ các trấn đến nơi đây mở mang sinh sống, khiến Vạn Lai Triều ngày càng phát triển. Ông cũng mang cấu trúc làng Thiết Đinh quê ông đến Hưng Yên. Ông cho xây dựng thêm các làng xã, chợ theo kiến trúc này.
Sách “An Nam ký du” của Phạm Bỉnh Khuê có ghi chép rằng: “Ở đây dừng lại tất cả thuyền bè nước ngoài từ bốn phương đến buôn bán với đằng ngoài. Các quan chức được đặt ở dây và có cả một đồn lính, ở đây có những phố buôn bán, chừng mười phố, gọi là phố Thiên Triều.”
Vạn Lai Triều phát triển văn minh chẳng khác nào Kinh đô. Khu phố Bắc Hòa mở rộng thành 3 phố thượng, trung, hạ. Người dân nơi đây truyền tụng rằng:
Bến nễ độ gió nâng thuyền gấm
Phố Bắc Hoà nguyệt ngắm rèm the
Thú đô hội trong ngoài chẳng thiếu
Vạn Lai Triều là tiểu kinh đô.
Lê Đình Kiên giúp cuộc sống người dân Hưng Yên được yên ổn sung túc, giữ yên vùng Sơn Nam. Ông thay mặt Chúa giao tiếp với các thương nhân nước ngoài, giúp họ yên tâm buôn bán. Ông được triều đình phong làm đặc tiền phụ quốc Thượng tướng quân, Hữu đô đốc Thiếu Bảo, tước Quận công.
Tưởng nhớ
Lê Đình Kiên mất năm 1704, thọ 83 tuổi, được truy trăng Thái bảo, truy phong là phúc thần, gia phong là “Dực bảo trung hưng đại vương”. Cuốn Đại Việt Sử ký Toàn thư có ghi chép rằng:
“Mùa xuân, tháng hai, Trấn thủ Sơn Nam Thiếu bảo Quận công Lê Đình Kiên mất. Đình Kiên làm Nội thị trong cung cấm, nhiều lần theo (chúa Trịnh) đi chinh phạt, có công lao, ở trấn (Sơn Nam) trước sau đến 40 năm. Ông làm việc chính sự chuộng nghiêm khắc, cứng rắn, (vì vậy) trộm cướp nằm im không dám hoạt động. Kiên nổi tiếng về cai trị. Đến đây chết, 82 tuổi, truy tặng Thái bảo, truy phong là phúc thần”.
Lê Đình Kiên mất, triều đình cử người thay ông làm trấn thủ trấn Sơn Nam, nhưng hết người này đến người khác không ai làm tốt được. Cuối cùng Triều đình phải đưa Đặng Đình Tướng là Thiếu phó, trụ cột của triều đình ra thay mới ổn.
Người Việt và người nước ngoài ở Phố Hiến đều dựng bia tưởng nhớ Lê Đình Kiên. Tấm bia của người Việt ghi rằng:
“Ông còn có những cái đáng yêu mến, với người nghĩa phụ thì một lòng kính mộ, từ trước tới sau dạy được thói dân, đức thêm dày dặn, hòa với khách phương xa nên Vạn Lai Triều làng ở yên vui, thuế tô khoan nhẹ, tỏ được ơn trên, chung một lòng dân”.
Văn bia do thuyền trưởng tàu Hải Nam Trần Đế Đào người Phúc Kiến có ghi rằng:
“Tàu thuyền qua lại thường lấy Vạn Lai Triều làm bến nên từ ngày buôn bán tới nay đã vài mươi năm, vui vẻ nghề nghiệp, kẻ gần thì mừng, người xa thì tới, thảy đều nhớ ơn của Anh linh Vương tức Đức Thái Bảo họ Lê, không biết bao giờ là hết”.
Hiện nay tại quê của Lê Đình Kiên ở làng Thiết Đinh vẫn còn những câu đối về ông như sau:
Đại đức tứ dân, danh tại sử
Sinh vi lương tướng, tử vi thần.
Nghĩa:
Đức ở trong dân, danh lưu sử sách
Sống làm tướng tốt, chết thành thần.
Câu đối thứ hai:
Trị sự liêm bình, kim cổ đan thanh tuế tích
Tại nhân đức trạch, Bắc Nam kim thạch minh danh.
Nghĩa:
Việc cai trị công bằng và liêm chính mãi mãi tiếng ghi sử sách
Đức lớn cho dân cậy, khắp nơi đều khắc danh vào đá vàng.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa lịch sử Việt Nam Danh nhân lịch sử Thương cảng Phố Hiến