Lễ Tiến Xuân – Nghênh Xuân dưới triều Nguyễn
- Phan Khoan
- •
Vì chính sách trọng nông, các triều đại ta xưa kia, mỗi năm ngoài lễ Tịch Điền ra, còn làm lễ Tiến Xuân và Nghênh Xuân nữa. Lễ này đã có từ lâu, thời Lý đã có tục cúng thờ vị thần coi sóc mùa xuân, thời Hậu Lê thì đã có tục lấy roi đánh trâu, ngụ ý coi trọng nông nghiệp.
Năm Kỷ Sửu, Minh Mạng thứ 10 (1829), Triều Nguyễn mới bắt đầu làm lễ Tiến Xuân, Nghênh Xuân.
Trước đó, bộ Lễ tâu rằng:
Xét Thanh điển, ngày lập Xuân cung tiến Mang thần (*) và trâu đất đặt trên núi xuân, đều bày trên một cái án. Nghinh xuân là để dẫn hòa khí đến, và cũng là một cách gây dựng, giúp đỡ, còn lấy roi đánh trâu là có ý khuyên việc cày cấy, ngụ ý trọng nông vậy.
Nay Hoàng thượng ta chăm lo nguồn sống của dân, để tâm đến việc canh nông, vậy có gì có quan hệ đến sự khuyến khích đến ngành nông thì có lẽ nên phỏng theo thời xưa, châm chước mà làm. Lễ Tiến Xuân, ngoài Mang thần và trâu đất ra, còn có Xuân sơn, ấy là điểm lới của thời thăng bình, xin hàng năm sai quan hữu ty chế ba Mang thần, ba trâu đất, hai Xuân sơn, trước ngày Lập xuân một ngày, phủ Thừa thiên lập đàn làm lễ trước ở đông giao, gọi là lễ Nghênh Xuân.
Lễ xong, rước một Mang thần, một trâu đất và một Núi Xuân để ở bộ lễ. Đến ngày Lập xuân, quan các Bộ, quan Phủ Doãn và Khâm thiên giám, đều mặc triều phục, đem đến cửa Tiên thọ và cửa Hưng khánh, viên Thái giám tiếp nhận, dâng lên, ấy là Tiến Xuân. Còn một Mang thần và một trâu đất thì bày ở Phủ thự, quan Phủ Doãn đánh vào con trâu ba roi để tỏ ý khuyến khích việc cày cấy.
(*) Mang thần: thần Câu Mang (còn gọi là Mang thần) dưới hình dáng một chú bé mục đồng
Vua y theo lời xin. Và từ đó, hàng năm, cứ đến ngày Thìn sau tiết Đông chí thì Khâm thiên giám Hội đồng với Võ khố lấy đất nước ở phương Tuế đức mà chế ba Mang thần, ba trâu đất, dùng gỗ dâu làm cốt.
Tuế đức là thần tốt đức thần, trái với hung thần trong năm ấy, ví dụ như năm Giáp, năm Kỷ thì đức thần ở phương giáp, tức là phương đông, năm Ất, năm Canh thì đức thần ở phương Canh, tức là phương tây; năm Bính, năm Tân thì đức thần ở phương Bính, tức là phương nam; năm Đinh, năm Nhâm thì đức thần ở phương Nhâm, tức là phương bắc; năm Mậu, năm Quí thì đức thần ở phương Mậu, tức là Trung ương.
Rồi xem thánh kiến năm ấy và ngày Lập xuân thuộc Can gì, Chi gì mà tính theo ngũ hành và âm luật để biện rõ hình sắc. Thân trâu cao 4 thước để tượng trưng 4 mùa; cái cốt từ đầu đến đuôi dài 8 thước để tượng trưng 8 tiết, đuôi dài 1 thước 2 tấc để tượng trưng 12 tháng. Mang thần cao 3 thước, 6 tấc, 4 phân để tượng trưng 365 ngày; cái roi làm bằng cành liễu, dài 2 thước 4 tấc để tượng trưng 24 khí.
Năm Nhâm Thìn, Minh Mạng thứ 13 (1832), tháng 9, vua dụ bộ Lễ rằng các địa phương, về việc cày tịch điền và nuôi tằm, đã chuẩn cho theo lời bàn của Bộ mà thi hành. Nhưng còn việc làm trâu đất và Mang thần, bản ý là muốn chăm sóc việc gốc, khuyến khích nghề nông, ở Kinh đã làm trước thì các địa phương cũng nên thi hành một thể cho phù hợp với cổ lễ. Vậy bộ Lễ nên bàn để tâu lên.
Các quan bộ Lễ bèn tham khảo điển lễ nhà Thanh, tâu xin lấy ngày lập xuân năm nay bắt đầu cử hành ở các tỉnh. Vua y theo.
Từ đó, hàng năm, đến ngày thìn sau tiết đông chí thì Tổng đốc, Tuần vũ, Trấn quan sở tại, sai ty Chiêm hậu Hội đồng với cục Công tượng lấy đất, nước ở phương Tuế đức, chế tạo một con trâu đất và một Mang thần, cốt ở trong và hình thức ở ngoài thì làm theo như thể thức ở Kinh. Trước kỳ lập xuân chọn nơi lập đàn, trông hướng đông, ở ngoài quách phía đông tỉnh thành hoặc trấn thành trước tiết lập xuân một ngày, để trâu đất, Mang thần ở đàn ấy, và đặt án ở sảnh thự.
Đến ngày lập xuân thì Tổng đốc, Tuần phủ, Trấn quan dẫn các quan văn, võ dưới quyền mình, đều mặc áo đội mũ thường triều, đem trâu đất và Mang thần tới đàn làm lễ đón xuân. Rồi lại mang về dinh thự; Tổng đốc, Tuần-phủ, Trấn quan đứng trước sân cầm roi đánh con trâu đất ấy 3 roi, để tỏ ý khuyến khích việc cày ruộng, đoạn để yên ở trong cung đường. Từ đó, hàng năm, khi lễ đón Xuân đã xong thì đem trâu đất và Mang thần năm trước chôn ở chỗ đất sạch sẽ.
Phan Khoang
Trích dịch Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ
Đăng lại từ facebook Thú Chơi Sách
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa nông nghiệp nghỉ lễ Tết Nguyên Đán nhà Nguyễn Xuân