Vào thời nhà Hồ ở làng Hải Lịch, huyện Lôi Dương (nay là xã Thọ Hải, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) có ông Lê Văn Linh, tiếng là người hay chữ trong huyện, lại rất tín Phật.

Theo “Đại Nam nhất thống chí”, làng Hải Lịch khi ấy thường bị cọp hoành hoành khiến dân chúng khổ sở. Lê Văn Linh muốn giúp dân nhưng chẳng biết võ nghệ, ông liền làm một bức thư trách cọp. Kỳ lạ thay từ đó cọp bỗng bỏ đi mất, dân làng truyền tụng câu chuyện, ví ông với Hàn Thuyên đuổi cá sấu.

Dù Lê Văn Linh có tiếng hay chữ, nhưng sử sách không ghi chép gì về việc thi cử của ông. Rất có thể ông cũng như nhiều chí sĩ khác, không muốn làm quan cho nhà Hồ, vì nhà Hồ cướp ngôi nhà Trần.

Tham gia nghĩa quân Lam Sơn từ hội thề Lũng Nhai

Nhà Hồ cướp ngôi nhà Trần nhưng không giữ được Giang Sơn khi quân Minh sang xâm lược. Các cuộc khởi nghĩa chống quân Minh nổ ra khắp nơi. Năm 1416, Lê Văn Linh có mặt trong hội thề Lũng Nhai lịch sử, tiền đề cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

Chủ tướng Lê Lợi xem Lê Văn Linh như một văn thần. Cuộc khởi nghĩa ban đầu rất gian nan vất vả, thường phải nếm mật nằm gai, nhưng Lê Văn Linh vẫn bền bỉ bên cạnh bày mưu tính kế cùng Lê Lợi.

Sau 10 năm cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đi đến thắng lợi cuối cùng, quân Minh ra hàng, nghĩa quân tha chết cho toàn bộ 10 vạn quân về nước. Tấm lòng đại nghĩa ấy chấn động đến cả triều Minh.

Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi Vua, Lê Văn Linh là một trong những khai quốc công thần. Tháng 5/1429, Lê Lợi mở hội phong thưởng cho những người có công lao to lớn đánh đuổi quân Minh. Theo “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú thì những người được phong thưởng chia làm 9 bậc. Lê Văn Linh được phong tước “Hương Thượng hầu”, đây là tước cao thứ 3 trong 9 bậc được ban thưởng, ông cũng được phong làm Nhập nội Thiếu phó, sau đó làm Nhập nội Hữu bật.

Khai quốc công thần phụng sự 3 đời vua Lê

Đến thời vua Lê Thái Tông, Vua làm Thái miếu và sai Lê Văn Linh làm lễ tế cáo. Lúc này ở châu Ngọc Ma phía tây Nghệ An bị chiếm giữ bởi Tù trưởng Cầm Quý. Khi Lê Lợi mới khởi nghĩa, tình thế rất khó khăn, Cầm Quý đưa quân tới giúp và được phong làm Thái úy chỉ huy toàn bộ nghĩa quân Lam Sơn.

Tuy nhiên sau một thời gian, nhận thấy nghĩa quân liên tục thua trận phải rút lui, Cầm Quý nghi ngờ cho rằng khởi nghĩa sẽ không thành, ân hận nên rút quân của mình về.

Sau đó nghĩa quân Lam Sơn có thêm người tài giúp đỡ, dần dần lớn mạnh và đánh bại quân Minh. Cầm Quý hổ thẹn, nhưng cậy mình ở nơi địa thế hiểm trở nên không chịu quy phục và theo về với nhà Lê. Cầm Quý vốn là kẻ tham lam, cai trị dân chúng hà khắc, bắt dân phải đóng góp nặng nề.

Năm 1435, Lê Văn Linh được lệnh thống lĩnh 2 vạn quân tiến đánh Cầm Quý. Ông đánh bại và bắt được Cầm Quý giải về Kinh.

Lê Văn Linh: Vị quan khai quốc công thần phụng sự 3 đời vua Lê
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Năm 1437, vua xử cách chức quan Tư Đồ của Lê Sát vì tội chuyên quyền. Lê Văn Linh và Lê Ngân cùng xin cho Lê Sát nhưng không được. Lê Sát hận Lê Ngân vì thay chức của mình nên bí mật nuôi võ sỹ nhằm mưu sát Lê Ngân. Việc bị bại lộ, vua Lê Thái Tông lệnh xử trảm Lê Sát. Lê Văn Linh xin Vua tha cho Lê Sát tội chết, nhưng không được, cũng vì chuyện này mà ông bị giáng xuống làm Tả Bộc Xạ, sau lại được thăng làm Tri từ tụng sự.

Đến đời vua Lê Nhân Tông thì Lê Văn Linh là một trong số những vị khai quốc công thần hiếm hoi còn sót lại từ cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, ông được phong làm Thái phó.

Năm 1448 Lê Văn Linh mất, thọ 72 tuổi. Ông một đời tín ngưỡng Phật, trước khi mất ông dặn con cháu đừng làm đám linh đình.

Sau này đến đời vua Gia Long nhà Nguyễn, Triều đình miễn lao dịch cho một người cháu của Lê Văn Linh để lo việc thờ tự. Ngày nay có nhiều con đường và trường học được đặt tên ông.

“Đại Việt sử ký Toàn thư” có đánh giá về ông như sau:

“Văn Linh là công thần khai quốc, là vị nguyên lão của ba triều, tính thâm trầm, có trí lược, rất am hiểu các mặt chính sự, lúc bàn bạc ở triều đình, có nhiều điều rất sáng suốt. Khi Lê Sát bị giết, ông nói thẳng không a dua, đành chịu khiển trách, được công luận cho là phải. Song ham mê tiền của, cho người làm quan để nhận hối lộ riêng. Rốt cục, không một lời nào bàn tới chính sự của đất nước. Ông ta chỉ tin thờ đạo Phật, đinh ninh dặn lại con mình kính mời các bậc cao tăng tụng kinh ba tuần chay, tuần giới, đừng làm đám linh đình mà thôi”.

“Lịch triều Hiến chương Loại chí” thì cho rằng:

“Ông trải thờ ba triều, công cao trọng vọng, tính thâm trầm, nhiều trí lược, biết đại cương việc chính, bàn bạc ở triều đình có nhiều sáng kiến. Việc Lê Sát bị giết, ông can thẳng, không a dua, cam chịu khiển trách. Công luận theo về ông. Ông là người rất cứng cỏi, thằng thắn, có khí tiết”.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: