Chúng ta đang lắng nghe bằng một cái miệng và một cái búa
- Quang Minh
- •
Thế kỷ 21, với sự lên ngôi của mạng xã hội, người ta có thể tham gia chia sẻ ý kiến của mình một cách cởi mở và thuận tiện hơn. Tuy nhiên nó cũng đưa tới một vấn đề lớn trong cách chúng lắng nghe, cách chúng ta chia sẻ. Lắng nghe quả là một việc rất đỗi quen thuộc đối với con người, nhưng cũng bởi vậy mà khi nó trượt dốc, người ta khó có thể nhận ra.
Từ lắng nghe…
Tại sao lại nói là “nghe bằng một cái miệng và một cái búa”? Nó bắt nguồn từ một sự trùng hợp khiến người ta không khỏi cảm thấy kỳ lạ: sự phát triển (hay xuống dốc) của chữ Hán từ phồn thể thành giản thể lại ẩn chứa rất rõ sự thay đổi trong văn hóa lắng nghe của con người hiện đại.
Trong chữ giản thể, chữ “thính” (听 – nghe) cấu tạo gồm một chữ “khẩu” (口 – cái miệng) và một chữ “cân” (斤 – cái rìu), mà bản thân chữ “cân” lại được rút gọn từ chữ “phủ” (斧 – cái búa). Lắng nghe mà lại phải đao to búa lớn át cả người ta, lắng nghe mà lại dùng miệng… Làm sao có thể lắng nghe bằng một cái miệng và một cái búa được?
Trong chữ phồn thể thời xưa, chữ “thính” (聼 – nghe) là tổ hợp của 5 chữ: bộ “nhĩ” (耳 – tai); “thập” (十 – mười); “mục” (目 – mắt); “nhất” (一 – một); và “tâm” (心 – trái tim). Phần bên phải của chữ “thính” chính là phần bên phải của chữ “đức” (德 – đức trong đạo đức, đức hạnh).
Biết lắng nghe chính là một mỹ đức. Bởi vì:
Thập (十 – mười) ngụ ý là nhiều, là đầy đủ, là thập toàn thập mỹ, mười phân vẹn mười. Điều đó có nghĩa rằng, người ta cần phải biết lắng nghe cho đầy đủ.
Mục (目 – mắt) nằm ngang, nhấn mạnh rằng, lắng nghe thì phải biết quan sát, từ đó phân biệt rõ thị phi, thật giả, có thể phân biệt được tốt xấu, đúng sai.
Nhất (一 – một) mang ý nghĩa là chỉnh thể, tổng thể, là toàn bộ, ý nói người nghe cần phải biết nhìn vào cái toàn thể để mà đánh giá vấn đề; cũng lại có ý rằng không mang định kiến, không mang tạp niệm, biết chú tâm vào việc lắng nghe.
Tâm (心 – trái tim) là chỉ nội tâm, là thật lòng, là chân tình, là dùng tâm mà cảm nhận lời người khác.
Văn hóa lắng nghe này quả là khác xa so với văn hóa lắng nghe mà chữ giản thể mô tả. Vậy thì bạn muốn nghe bằng trái tim hay muốn lắng nghe bằng miệng và búa?
… đến văn hóa đại chúng…
Đã không ít lần người ta sẵn sàng kết tội một bài báo chỉ dựa vào cái tiêu đề của nó trên facebook hay vài dòng bình luận khác, mà chẳng biết bài báo đó nói cái gì, để rồi một người khác phải nhảy vào rên rỉ: “Buồn quá, không biết đọc à”. Điều này khá phổ biến và có thể bắt gặp ở khắp nơi, nhưng vậy là còn đỡ.
Những người tham gia bình luận đôi khi rất “hăng máu”. Họ không cần lắng nghe và tìm hiểu, họ đơn giản là chỉ đang hả cơn bức xúc của mình, hả cơn ghiền chỉ trích của mình, hả cái tôi bị chạm đến của mình, hay thỏa mãn cái tâm lý muốn làm người hùng của mình. Thậm chí người ta đã bắt đầu cãi vã và “bảo vệ quan điểm” khi chỉ vừa mới nghe được thông tin không đầy đủ từ nguồn thứ ba, chứ không hề thử kiểm chứng.
Ở phương Tây còn có hẳn một khái niệm là “Trial by media”, có nghĩa là một vụ án dù được xử trước tòa, nhưng mạng xã hội và giới truyền thông đã định tội cho bị cáo từ nhiều ngày trước khi xử án. Sự vô tâm của cư dân mạng, cùng việc chạy theo khán giả của giới truyền thông đã tạo ra một cơn bão kết tội thay cho pháp luật, ảnh hưởng lớn đến sự phán đoán của quan tòa. Điều đó cũng giống như việc ở Việt Nam, nếu bắt được thằng trộm chó, thì dân làng có thể đánh đến chết, bất chấp đạo đức và luật pháp.
Văn hóa đại chúng đôi khi có quyền lực còn lớn hơn cả tòa án. Nhưng người ta cần phải hiểu rằng, văn hóa đại chúng không logic, và văn hóa đại chúng rất dễ bị lợi dụng. Khi bị nó cuốn đi rồi, người ta khó mà có thể đưa ra nhận định khách quan và lý trí.
… và cái búa trên mạng xã hội
Thời cải cách ruộng đất trước đây, vì tư lợi và chính trị, rất nhiều kẻ đã giả mạo hàng loạt tội danh và đổ chúng cho những người chủ sở hữu đất đai hoặc những người nông dân giàu có. Những nạn nhân ấy bị trói gô lại, và bị dẫn vào một “phiên xử” trước cả cộng đồng. Cộng đồng sau đó sẽ được hỏi xem là họ nên bị trừng phạt như thế nào. Một số kẻ đã được gài sẵn trong đám đông sẽ hô lên: “Chúng ta nên giết họ!”. Trong không khí sục sôi nghẹt thở ấy, những người chủ sở hữu đất đai và những nông dân giàu có đã bị xử tử ngay tại chỗ giữa đám đông cuồng nộ. Họ bất chấp việc bình tĩnh suy xét xem nạn nhân là kẻ xấu hay người tốt… Và người ta gọi đó là “đấu tố”.
Ngày nay, người ta không chỉ đấu tố nhau ngoài đời. Tình trạng đấu tố đã lan truyền trên mạng xã hội một cách phổ biến, khiến nó trở thành môi trường để lăng nhục lẫn nhau. Đấu tố đã trở thành một trào lưu đại chúng mà người ta có thể tổng hợp để viết thành sách được!
Thậm chí có người còn sống trong ảo tưởng rằng họ đang làm điều đúng đắn nhất khi phán xét người khác, quy chụp người khác, và định tội người khác một cách “cao cả” và không thương tiếc. Chỉ có điều việc làm cao cả ấy… không phải bằng trái tim, mà là bằng “một cái miệng và một cái búa”.
“Họ nghĩ họ theo cái thiện nhưng thực ra họ cuồng tín. Đó là cái ác mang tính lý tưởng…”
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang,
Tác giả cuốn “Thiện, Ác và smartphone”.
Nếu lắng nghe bằng trái tim mình, chúng ta đã biết thông cảm cho cô gái bị người yêu tung clip sex, để không dẫn đến việc cô bị đấu tố đến nỗi phải uống thuốc diệt cỏ tự tử. Nếu lắng nghe bằng trái tim mình, chúng ta đã biết ngại ngùng khi chen vào việc riêng của gia đình người khác, để khỏi phải chia phe bảo vệ người cha, bảo vệ người mẹ, hay bảo vệ đứa con. Nếu lắng nghe bằng trái tim mình, chúng ta đã biết làm lơ trước những vụ chửi bới và châm chọc nhau của giới show biz…
Nếu lắng nghe bằng trái tim mình, chúng ta đã có thể thời cuộc hơn, chúng ta đã có thể hiểu về những thảm họa môi trường hơn là bức xúc trước việc gây hot; hiểu về sự xuống dốc của văn hóa truyền thống hơn là sôi nổi vì những bức ảnh lộ liễu; hiểu về những vấn đề thời sự của thế giới hơn là chạy theo sự mục ruỗng của giới truyền thông; hiểu về những thảm kịch nhân quyền hơn là xôn xao vì những màn thi hoa hậu…
Đã đến lúc chúng ta cần tỉnh táo lại, và thực sự suy xét rằng mình đang dùng trái tim hay đang dùng “một cái miệng và một cái búa”.
Quang Minh
Xem thêm:
- Người Trung Quốc: Từ xếp hàng đấu tố địa chủ đến xếp hàng thoái Đảng
- Sự khác biệt giữa đóng góp ý kiến và chỉ trích
Mời xem video:
Từ khóa bảo tồn văn hóa cách lắng nghe Ác niệm Đấu tố