Tương truyền Luy Tổ là vợ của Hoàng Đế thời viễn cổ Trung Hoa. Bà siêng năng chăm chỉ, hiền hậu, không chỉ quản việc nhà mà còn giúp Hoàng Đế xử lý việc quốc gia đại sự. Công lao to lớn của bà chính là đã dạy bách tính nuôi tằm ươm tơ, bà được xưng là vị nhân văn sơ tổ đã mang văn hóa trang phục đến cho người Trung Hoa, đồng thời lụa tơ tằm mà Luy Tổ tìm ra cũng trở thành mặt hàng được ưa chuộng nhất khắp châu Âu trong một khoảng thời gian rất dài của lịch sử nhân loại.

Luy Tổ: Người phụ nữ tìm ra lụa tơ tằm
(Tranh minh họa: Public Domain)

Truyền thuyết về Luy Tổ có rất nhiều phiên bản được lưu truyền trong dân gian. Trong sách cổ triều Minh có ghi lại như sau:

Một hôm Luy Tổ đi đến sườn núi hái quả dại, bà đột nhiên phát hiện ra trên thân cây dâu có nhiều vật to bằng quả trứng chim cút. Luy Tổ tưởng rằng đó là loại quả chưa từng nhìn thấy nên đã hái mang về nhà. Thật bất ngờ, chẳng bao lâu sau tất cả những thứ quả ấy đều vỡ kén và tạo thành những con bướm, những con bướm đẻ ra rất nhiều trứng, bà gọi chúng là tằm. Nhưng phải cho chúng ăn cái gì mới được? Luy Tổ nghĩ đến cây dâu nơi bà tìm thấy chúng, vì thế bà liền đến đó hái một ít lá non và về cho chúng ăn.

Sau khi ăn xong, những con tằm non bắt đầu nhả tơ, bao quanh mình thành những vòng tròn, và trở thành kén tằm, giống như khi Luy Tổ phát hiện ra chúng. Luy Tổ cảm thấy tò mò về những cái kén này. Bà vừa nghĩ vừa ném một ít kén tằm vào trong nước nóng và phát hiện có thể rút ra được rất nhiều tơ, tơ càng rút càng dài. Hơn nữa, những sợi tơ này đặt trên da thì thấy rất mềm mại và trơn bóng, khi kéo thì khá dai.

Luy Tổ mừng rỡ và bắt đầu tự mình nuôi nhiều tằm con. Hàng ngày bà hái lá dâu, cẩn thận cho tằm ăn. Tằm con dần dần lớn lên, nhả ra rất nhiều tơ tạo kén. Luy Tổ theo cách cũ, thu tơ về, dùng những sợi tơ đó dệt thành lụa, rồi làm ra những bộ quần áo rất đẹp.

Nhưng lúc ấy tơ lụa đều là màu trắng. Luy Tổ đã hái nhiều loại hoa cỏ với đủ màu sắc rồi làm thành các loại màu nhuộm khác nhau. Sau đó bà đem tơ lụa trắng nhuộm màu và mặc những bộ quần áo tơ lụa này.

Thời ấy mọi người đều mặc trang phục bằng da thú hoặc lá cây, chưa bao giờ thấy một loại chất liệu vừa nhẹ nhàng lại giữ được ấm như vậy. Vì thế họ đều đến hỏi Luy Tổ. Luy Tổ chia sẻ lại quá trình phát hiện ra cây dâu và làm thành tơ lụa như thế nào, đồng thời bà cũng nhẫn nại dạy họ kỹ thuật làm tơ lụa. Thế là, nhiều người nhanh chóng trở về nhà nuôi tằm, lấy tơ dệt lụa để may quần áo.

Sự việc này đã gây chấn động trong toàn bộ thị tộc địa phương. Ngay cả Tây Lăng Vương cũng biết đến Luy Tổ vừa thông minh vừa xinh đẹp, nên đã nhận bà làm con. Các thị tộc khác thấy Tây Lăng Thị có một cô gái thông minh xinh đẹp lại tìm ra lụa tơ tằm thì đều đến học theo, còn có người đến cầu hôn, nhưng Luy Tổ đều không ưng ý.

Lúc ấy, thủ lĩnh một bộ tộc ở phương Bắc là Hoàng Đế đang chinh chiến, đi vào Tây Lăng. Sớm biết Tây Lăng Thị có cô con gái xinh đẹp thông minh nên đã ưng ý. Không lâu sau, hai người thành vợ thành chồng. Luy Tổ đi theo Hoàng Đế chinh chiến nam bắc, về sau Hoàng Đế đánh bại Xi Vưu, đánh bại Viêm Đế , thống nhất Trung Nguyên.

Thiên hạ yên ổn, Hoàng Đế bắt đầu dạy dân chúng trồng trọt làm ruộng, gieo trồng ngũ cốc. Còn Luy Tổ dạy mọi người cách hái dâu nuôi tằm ươm tơ làm quần áo. Từ đó về sau dân chúng bắt đầu cuộc sống đàn ông cày ruộng đàn bà dệt vải. Trải qua hàng ngàn năm, công việc hái dâu, ươm tơ, dệt vải may quần áo luôn gắn liền với đời sống của người phụ nữ, là một phần quan trọng của nền văn hóa truyền thống.

Bắt đầu từ triều đại nhà Hán, trên con đường tơ lụa, cùng với tiếng chuông lạc đà du dương, văn hóa phục sức và trang phục được làm từ tơ lụa đã được truyền bá sang phương Tây xa xôi. Mà hết thảy điều này đều bắt nguồn từ Luy Tổ. Vì thế, Luy Tổ đã được người đời sau tôn làm Tiên Tằm, điều này được ghi chép trong “Tùy Thư”.

Tơ lụa dần dần trở thành một mặt hàng quan trọng trên thế giới mà Trung Hoa là nơi duy nhất sản xuất ra được. Sự xuất hiện của tơ lụa khiến Trung Hoa còn được xưng là “đất nước của quần áo”. Hoàng bào, phục sức và các hình thêu trên trang phục của Trung Hoa đã khiến người dân nhiều nước ngưỡng mộ.

Trong “Xuân Thu tả truyện” viết: “Trung Quốc hữu lễ nghi chi đại, cố xưng Hạ; hữu phục chương chi mĩ, vị chi Hoa”, Trung Quốc có lễ nghi to lớn nên gọi là Hạ, có quần áo đẹp nên gọi là Hoa. Đây cũng là nguồn gốc của cách gọi Hoa Hạ hay Trung Hoa.

Tương truyền rằng sau này, Hoàng đế Đông La Mã đã sai người tới châu Á và bí mật lấy được kén tằm mang về. Từ đó, châu Âu mới có thể tự sản xuất được lụa tơ tằm. Điều này được sử gia Procopius ghi lại. Nó cho thấy những trang phục đẹp nhất và được yêu thích nhất của nhân loại thời bấy giờ chính là lụa tơ tằm có xuất xứ Trung Hoa.

Từ triều nhà Chu đến triều nhà Thanh, Hoàng hậu các triều đại đều làm lễ tế bái Tiên Tằm Luy Tổ. Trong “Chu Lễ” viết: “Vào mùa xuân hàng năm, Hoàng hậu sẽ đích thân dẫn các phi tần trong cung đến ngoại ô phía bắc để cử hành lễ Thân Tằm.”

Hoàng hậu không chỉ làm lễ tế Tiên Tằm mà còn tự mình hái dâu nuôi tằm. Lấy việc này để khuyến khích nữ giới trong thiên hạ siêng năng dệt vải. Ở nhiều nơi người dân còn lập bàn thờ Tiên Tằm, xây đền Tiên Tằm và tổ chức lễ hội văn hóa Luy Tổ để trân trọng và tưởng nhớ về vị nhân văn sơ tổ đã mang văn hóa trang phục đến cho con người.

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: