Mạn đàm về chuyện cầu mưa thời cổ đại
- An Hòa
- •
Người xưa thường nói: “Kháo thiên cật phạn”, Trời ban thức ăn, con người phải dựa vào tự nhiên để tồn tại, đạo lý mộc mạc ẩn sau lời ấy chính là sự thiện lương và khiêm tốn trong việc kính Trời tín Thần. Cho nên một khi xảy ra thiên tai nhân họa thì trong tư tưởng của người có tu dưỡng sẽ nghĩ: “Rốt cuộc mình đã làm sai điều gì? Vì sao lại chịu sự trừng phạt này?” Hơn nữa mỗi khi phát sinh nạn hạn hán, mọi người đều sẽ cầu Trời, khẩn cầu cho mưa rơi xuống.
Lễ cầu mưa
Vu hay Đại vu, cũng được gọi là Vu lễ (gọi tắt là Vu) là lễ tế cầu mưa thời xưa. Từ thời nhà Chu đến thời nhà Thanh, Đại vu luôn là nghi thức cầu mưa chủ yếu của triều đình, nó cũng là một phần quan trọng của lễ chế thời cổ đại. Chính sử của các triều đại đều có ghi chép về Đại vu.
Trong “Lễ ký” viết: “Vào lễ Đại vu, Hoàng đế sử dụng âm nhạc long trọng, mệnh lệnh cho trăm quận huyện làm lễ cúng tế vong linh vua khanh sĩ, những người giúp ích cho dân chúng để cầu mùa màng bội thu”.
Vào thời nhà Tống, nghi lễ cúng tế trời được chia làm bốn loại, trong đó Đại vu là nghi lễ quan trọng. Trong “Tống sử” viết: “Tháng đầu mùa Xuân làm lễ cầu ngũ cốc, tháng đầu mùa hạ làm lễ cầu mưa, đều làm ở gò đất hình tròn hoặc lập đàn cầu”.
Đại vu luôn được các Hoàng đế coi trọng, vì thế mà quy mô hiến tế cũng rất linh đình. Trong buổi tế lễ, ngoài cúng tế vật phẩm ra, còn có múa và hát các bài hát sáng tác riêng cho lễ cầu mưa. Trong “Minh sử” ghi lại Vu lễ được tổ chức vô cùng trang nghiêm, linh thiêng, có các vũ công chuyên nghiệp cùng với hàng trăm trẻ em cùng nhau biểu diễn những bản nhạc tế Thần cầu mưa.
Vào thời nhà Minh, Hoàng đế niên hiệu Gia Tĩnh đích thân hành lễ Đại vu. “Minh sử” viết: “Xây dựng một đàn cầu mưa ở phía đông Thái Nguyên môn của Viên Khâu Đàn. Nếu trong năm có hạn hán thì sẽ cúng tế Thái tổ ở đây để cầu mưa”.
Vu lễ không chỉ cử hành nghi thức mà thôi. Trong “Tùy sử” viết rằng nếu qua tháng Tư mà không có mưa thì phải làm lễ cầu mưa và làm các việc: Hoàng đế cần phải xem xét lại thiếu sót của chính bản thân mình, kịp thời xử lý tù oan và quan viên thất trách, tiết kiệm chi tiêu và giảm bớt thuế má, chiêu hiền nạp sĩ, giúp đỡ góa phụ và trẻ mồ côi… Cổ nhân cho rằng thiên tai nhân họa là Trời cảnh tỉnh quân vương, cho nên Hoàng đế phải kiểm điểm lại mình và kịp thời sửa đổi.
Thời nhà Thanh, Hoàng đế Khang Hy khi còn tại vị, hàng năm đều tự mình cầu mưa. Trong “Thanh thánh tổ thật lục” ghi chép lại, một lần cả nước xảy ra hạn hán, Hoàng đế Khang Hy đã ở trong cung thiết lập đàn cầu nguyện, quỳ gối ba ngày ba đêm, chỉ ăn một chút đồ ăn nhẹ, ngay cả một chút dầu và tương cũng không dám dùng. Ngày thứ tư Hoàng đế đi bộ đến Thiên đàn để tiếp tục cầu nguyện thì đột nhiên có mây mưa xuất hiện, khi Hoàng đế đi bộ trở về thì nước mưa đã ngập cả giày. Về sau, khi các quan đến kinh thành báo cáo mới biết rằng ngày hôm đó ở các tỉnh cũng đều có mưa.
Tổn dương ích âm
Thuyết “Thiên nhân cảm ứng” của Đổng Trọng Thư thời nhà Hán có địa vị rất cao trong Nho học. Theo “Hán Thư. Đổng Trọng Thư” ghi lại, Đổng Trọng Thư nghiên cứu về những thiên tai, tai họa trong kinh Xuân Thu và cho rằng hạn hán hay lũ lụt là do sự mất cân bằng giữa âm và dương tạo thành. Theo ông, mưa là âm, hạn là dương, hạn hán là do dương khí quá nhiều và thiếu âm khí nên muốn cầu mưa thì phải đóng dương lại và mở âm ra.
Có rất nhiều cách để “tổn dương ích âm” như: Bởi vì cửa Nam là dương cho nên phải đóng lại, cửa Bắc là âm cho nên phải mở ra. Hỏa là dương nên phải cấm đốt lửa, thủy là âm nên phải đào kênh mương và khai thông suối… Ông dùng phương thức điều chỉnh âm dương để cầu mưa và lần nào cũng thành công.
Trong cuốn “Xuân Thu phồn lộ” có ghi lại một phương pháp của Đổng Trọng Thư: Cầu mưa mùa xuân, vào ngày thủy nhật, huyện lệnh phải cầu nguyện thần xã tắc sơn xuyên, người dân phải cúng tế hộ thần, không được chặt cây cối, ngồi phơi nắng, tập hợp những người què lại. Tám ngày sau, lập một bàn thờ dài tám thước, rộng tám thước ở ngoài cổng phía đông, cắm tám lá cờ lụa màu xanh lên, cùng nhau tế lễ, phải chọn một vị pháp sư đức độ và trai giới tắm rửa trong ba ngày để đọc văn hiến tế. Sau đó vào ngày Giáp Ất, làm ra tám con rồng đất đặt ở phía đông. Tám đứa trẻ và những người nông dân phải trai giới tắm rửa trong ba ngày, sau đó mặc bộ quần áo màu xanh nhảy múa. Phương pháp cầu mưa này rất phức tạp, huyện phải lựa chọn ngày thủy nhật để tiến hành, hơn nữa hình dáng đàn tế, lời văn khẩn cầu, đồ cúng, nghi thức… đều có quy định kỹ càng tỉ mỉ.
Các phương pháp cầu mưa được Đổng Trọng Thư ghi lại thay đổi tùy theo mùa. Ví như đối với nghi thức cầu mưa vào mùa Đông, cần phải “múa rồng sáu ngày và cầu nguyện trên núi nổi tiếng để được giúp đỡ”.
Hòa thượng cầu mưa
Kể từ khi Phật giáo truyền bá sang phương Đông, nhiều cao tăng đại đức đã thực hiện những phép thần kỳ cầu mưa nhằm quảng bá Phật Pháp và cứu giúp thế nhân. Họ lập đàn tế và niệm chú, hoặc tụng kinh hoặc cầu nguyện. Có rất nhiều phương pháp cầu mưa khác nhau và có trường hợp rất linh nghiệm.
Vào thời Đông Tấn, ở Tầm Dương có xảy ra một đợt hạn hán nghiêm trọng, pháp sư Tuệ Viễn từng tụng kinh và cầu mưa. Trong “Cao tăng truyện” viết rằng: “Pháp sư Tuệ Viễn đã đến bên hồ tụng ‘hải long vương kinh’, lát sau có một con rắn lớn từ dưới ao bay lên không, giây lát sau thì trời đổ mưa.”
Trong “Tục cao tăng truyện” viết: Vào năm Trinh Quán thứ ba (năm 629), ở kinh thành hơn nửa năm không có mưa, Hoàng đế Đường Thái Tông đã ban chiếu chỉ cầu mưa, nhưng việc cầu nguyện không thành. Sau đó, Hoàng đế đã mệnh lệnh cho cao tăng Minh Tịnh nhập kinh cầu mưa. Cao tăng Minh Tịnh đã cầu mưa thành công hai lần, do đó Hoàng đế đã ra lệnh cứu tổng cộng 3.000 nhà sư để khen thưởng công lao của sư Minh Tịnh.
Hòa thượng Thiện Vô Úy đời Đường cũng biết cầu mưa. Cuốn sách “Tôn Thắng Phật đính chân ngôn tu Du Già nghi quỹ” do ông dịch đã ghi lại chi tiết các quy định và yêu cầu đối với việc chế tạo đàn thờ cầu mưa. Một lần, Thiện Vô Úy chấp nhận lời thỉnh mời cầu mưa của Hoàng đế Đường Huyền Tông. Trong “Tống cao tăng truyện” viết rằng ông lấy một bát nước sau đó dùng một con dao nhỏ khuấy bát nước, đồng thời niệm chú hàng trăm lần bằng tiếng Phạn, trong chốc lát xuất hiện một vật gì đó giống như một con rồng, to bằng ngón tay cái, đầu đỏ, nổi lên mặt nước rồi lại lẩn xuống dưới đáy bát. Thiền Vô Úy tiếp tục vừa khuấy vừa niệm chú, một lúc sau, một luồng khí trắng bay ra từ trong bát, bay lên cao mấy thước và sau đó trời đổ mưa.
Đạo nhân cầu mưa
Ngoài hòa thượng ra thì những người tu luyện Đạo gia trong lịch sử cũng để lại rất nhiều những thần tích về cầu mưa. Trong suốt các triều đại lịch sử, triều đại nào cũng có những vị đạo sĩ thực hiện các phương pháp như: lập đàn đăng đàn làm phép, dâng hương dựng phướn, vẽ bùa đốt bùa… để cầu mưa. Trong cuốn kinh sách “Đạo tạng”, chúng ta cũng có thể thấy có rất nhiều ký hiệu và chú ngữ về việc cầu mưa, cũng như các nghi thức và quy trình chi tiết.
Vào thời Tam Quốc, có một vị cao nhân bên Đạo gia tên là Cát Huyền, ông là đệ tử của Tả Từ và là tổ tiên của Cát Hồng, một người chuyên luyện đan thời nhà Tấn. Trong cuốn “Sưu thần ký” viết có lần Cát Huyền vẽ một lá bùa cho Ngô Đế để cầu mưa, trong phút chốc trời đất trở nên tối tăm, mưa lớn liền ập đến.
Các tăng nhân có thể điều khiển rồng để cầu mưa, và những người tu đạo cũng có thể làm như vậy. Trong “Thần Tiên truyện” ghi lại, có một vị đạo nhân tên là Cát Khởi có thể triệu hồi một con rồng từ dưới nước sâu lên để làm mưa.
*
Từ lịch sử mà xét, khi con người rời xa tín ngưỡng hoặc làm biến dị tín ngưỡng, thì động đất, sóng thần, lũ lụt, hạn hán và bệnh dịch sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Lúc này, người ta cố gắng giải thích nguyên nhân của tai họa và gọi đó là hiện tượng tự nhiên. Kỳ thực không có gì là “tự nhiên” cả, mọi việc đều có nguyên nhân. “Cầu mưa” có thể bị cho là ngu muội và mê tín, nhưng cũng từng được ghi chép lại trong chính sử. Người tín Trời kính Thần, biết suy ngẫm về lỗi lầm của bản thân thì sẽ có điều kỳ diệu xuất hiện, bởi khi đó người phù hợp với đạo Trời. Có lẽ đây cũng chính là hàm ý của việc người xưa thành kính cầu mưa.
Theo Epoch Times tiếng Trung
Tác giả: Tân Trúc
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa thiên nhân cảm ứng tín Thần cầu mưa