Một số tập tục vào đêm giao thừa của người xưa
- An Hòa
- •
Đêm giao thừa là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, là khoảng thời gian thiêng liêng nhất của năm. Dân gian rất coi trọng ngày này, bởi vì đây là ngày trọng đại nhất vào lúc cuối năm, con cái làm ăn xa về nhà tụ họp cùng gia đình, từ biệt năm cũ trong tiếng pháo và đón mừng năm mới.
Đêm giao thừa được gọi là “Trừ tịch”, “Trừ” tức trừ bỏ, “tịch” chỉ ban đêm. “Trừ tịch” là đêm “tuế trừ”, cũng gọi là “đại niên dạ” (đêm giao thừa), “trừ tịch dạ” (đêm trừ tịch)… là đêm cuối cùng của năm. Ngày cuối cùng của năm được gọi là “tuế trừ”, ý nghĩa là năm cũ đến đây là trừ bỏ, đổi sang năm mới.
Ngày cuối cùng của năm cùng với Thanh minh tiết, Thất nguyệt tiết, Trùng dương tiết là các đại tiết tế tổ truyền thống trong dân gian. Thời cổ, lễ tục này rất thịnh hành. Bởi vì lễ tục các nơi khác nhau, nên hình thức tế tổ cũng có sự khác nhau. Có nơi đến mộ tổ ngoài đồng tế bái, có nơi đến từ đường tế bái, nhưng đa phần là tại nhà. Người xưa đưa bài vị tổ tiên lần lượt đặt nơi chính sảnh, bày tế phẩm, sau đó lần lượt theo thứ tự lớn nhỏ dâng hương quỳ bái.
Người xưa tế tổ, đa số dâng cá, thịt, rau, đựng trong những chiếc bát có chân cao, mang ý nghĩa “chung minh đỉnh thực” (ăn uống đủ đầy). Có nhiều địa phương tế tổ rất long trọng, thường có 8 bát, ở giữa đặt nồi thức ăn, theo linh vị mà bày chén đũa, lúc trừ tịch đều mở nắp nồi ra và tuỳ thời mà thay đổi món ăn. Ngoài ra vào ngày này họ còn sớm tối thắp hương khấu bái, dâng trà mới.
Mặc dù hình thức tế tổ có sự khác nhau, nhưng nhìn chung đêm giao thừa đều treo ảnh ở nhà chính và ngày hôm sau khi bạn bè thân hữu đến chúc tết cũng phải khấu bái tổ tiên, hết sức thành kính. Đây là phong tục thời xưa thể hiện mĩ đức tôn kính tổ tiên.
Một số nơi, người dân có tập tục trừ tịch tại phần mộ. Thời gian ra mộ nhìn chung là lúc trưa ngày cuối cùng của năm. Mọi người làm cơm tất niên đem đến phần mộ, để thân nhân đã mất được hưởng dụng món ngon như lúc còn sống. Cũng qua đó, con cháu gửi gắm nỗi nhớ thương của người sống đối với người đã mất.
Cùng với hoạt động tế tổ, vào ngày cuối năm người dân đều dọn dẹp nhà cửa để bỏ cái cũ đón cái mới, thắp đèn giăng hoa, dán giấy đỏ, treo đèn lồng và ăn bữa cơm đoàn viên với nhau thể hiện lòng hiếu thảo với người bề trên và hòa thuận anh em trong gia đình.
Ngoài ra ở nhiều nơi thời xưa, mọi người cứ vào buổi tối 30 thì đều không ngủ, gõ ra âm thanh, cho là để trừ tà, cứ như vậy truyền từ đời này qua đời khác, hình thành đêm trừ tịch đón giao thừa với phong tục đốt pháo hoa.
Vào đêm giao thừa, dân gian xưa còn có tục thức đêm. Một truyền thuyết kể rằng, thời cổ có con quái thú, hằng năm cứ đến đêm 30 cuối năm, vào lúc giao thời âm dương lẫn lộn thì nó lại xuất hiện tác quái. Do sợ quái thú đến gây hoạ nên không ai dám ngủ. Để tiêu trừ nỗi sợ hãi, mọi người bèn chuẩn bị một bữa cơm tối thật phong phú trong một năm. Cả nhà ngồi quây quần bên bàn ăn cười nói vui đùa, nghĩ đến một cuộc sống tốt đẹp ở tương lai, mượn đó để thức đến sáng sớm hôm sau. Đêm 30 tết, nhà nhà đốt pháo, trừ tà, để các con vật không tốt đó sợ, cũng là đón mừng năm mới. Về sau, dân gian dần hình thành tập tục thức suốt đêm vào đêm trừ tịch.
Bởi vì đêm giao thừa là thời khắc thiêng liêng nên dân gian xưa cũng có những kiêng kỵ nhất định. Kiêng kỵ đập vỡ đồ vật, bởi vì điều này đại biểu cho việc phá vận, rủi ro. Tránh quét nhà đổ rác, bởi vì cho rằng sẽ đổ đi may mắn. Thời xưa, vào đêm giao thừa, người ta thường ngồi quanh bếp lửa ăn cá. Khi ăn cá, để lại phần đầu và đuôi với ngụ ý là năm mới có đầy đủ, dư thừa…
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa phong tục ngày tết đêm giao thừa