Muốn học sinh có nhân cách tốt, cần bỏ đánh giá hạnh kiểm
- Nguyễn Quốc Vương
- •
Ở Việt Nam có một nghịch lý thú vị. Suốt 12 năm học và 4 năm đại học nhà trường, giáo viên luôn chú ý, chăm sóc tận tình chuyện giáo dục đạo đức và đánh giá hạnh kiểm (đạo đức) của học sinh, sinh viên. Một tỉ lệ khổng lồ sinh viên, học sinh được nhận xét là “hạnh kiểm tốt”.
Tuy nhiên, trong thực tế chưa bao giờ người ta bất an với đạo đức cá nhân và xã hội như bây giờ khi các cá nhân có thể giết người với động cơ vô cùng… lãng xẹt (nhìn đểu, vay nợ, bị chê hát karaoke không hay, thiếu 200k tiêu…) và con người e sợ con người ở mọi chỗ, mọi nơi. Có những người rất thông minh ngày đêm nghiên cứu chỉ để làm sao phá tan một cây cầu để lấy một cái bu lông đem bán.
Có nhiều lý do nhưng lý do quan trọng là chính bản thân giáo dục đạo đức kiểu giáo huấn bằng sức mạnh quyền lực của người thầy và nhà trường (giáo dục kiểu gia trưởng áp đặt) và sự can thiệp mạnh vào đánh giá nhân cách cá nhân bằng hạnh kiểm, điểm rèn luyện đã không phát huy được cá tính, lòng tự tôn và sự tự ý thức về bản thân mình của cá nhân.
Khi cá nhân không tự ý thức về mình, giáo dục đạo đức là điều bất khả. Đơn giản vì không ai có thể giáo dục được đạo đức cho người khác trừ thánh nhân như Đức Phật, Chúa Giê-su, Thượng Đế…
Người ta không thể lấy “hạt đậu đạo đức” ở túi áo người này thả vào “đầu” người khác.
Người ta chỉ có thể nỗ lực tạo ra môi trường bao gồm cả các hình mẫu về con người và hành vi để cá nhân soi chiếu vào đó mà suy nghĩ và lựa chọn.
Vì thế, cần phải bỏ đánh giá hạnh kiểm ở trường học và đánh giá điểm rèn luyện ở đại học để có hi vọng có những cá nhân có đạo đức.
Thật ra, nói công bằng, thì đánh giá hạnh kiểm và đánh giá điểm rèn luyện cũng tạo ra con người đạo đức nhưng đó là thứ đạo đức bề ngoài giống như một thứ đồ trang sức hay một cái áo. Khi cần người ta mặc, khi không cần hay khi thấy nó không có lợi ích gì người ta ném vào thùng rác rất nhẹ nhàng.
Đạo đức là nhu cầu của nội tâm cá nhân chứ không phải là chuyện áp đặt từ người khác. Rời khỏi nền tảng đó, càng giáo dục đạo đức càng tạo ra những con người giả dối hoặc đa nhân cách.
Trong cuốn sách mới nhất của mình tôi đã viết về chuyện này:
Nền tảng tồn tại của cá nhân là nhân cách, mọi sự can thiệp sâu sắc tác động vào nhân cách học sinh theo lối quy đồng về các loại hạnh kiểm đều có tác dụng xấu. Nó giống như một đòn trừng phạt về tinh thần đối với học sinh hơn là một biện pháp giáo dục. Tư duy trừng phạt này chi phối mạnh mẽ trong phương thức nhận xét và đánh giá hạnh kiểm. Vì vậy mà mỗi buổi kiểm điểm lớp hay họp đánh giá hạnh kiểm, người giáo viên vốn nắm trong tay cả quyền lực và quyền uy đã trở thành người giống như quan tòa độc quyền phán xử.
Khi người thầy còn nhầm lẫn “quyền lực” với “quyền uy” sẽ tạo ra nhiều hệ lụy.
Trước đó, trong nhiều bài báo tôi cũng từng nói về việc cần phải từ bỏ đánh giá hạnh kiểm.
Hi vọng sẽ có ngày một nhiều các thầy cô, phụ huynh, cán bộ quản lý giáo dục ủng hộ ý tưởng này.
Nguyễn Quốc Vương
Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Giáo dục Việt Nam Nguyễn Quốc Vương đánh giá hạnh kiểm