Mỹ ném bom nguyên tử Nhật Bản: Một nửa sự thật
- Quang Minh
- •
Ở trường học, chúng ta được dạy ngắn gọn trong Sách giáo khoa Lịch sử, phần Lịch sử thế giới cận đại, rằng: “Tháng 8 năm 1945, Mỹ ném 2 quả bom nguyên tử xuống 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki – Nhật Bản, buộc Nhật Hoàng phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trước quân Mỹ”. Sách giáo khoa đã nói đúng một phần sự thật, nhưng không đề cập đến những sự thật khác trước, trong và sau khi Mỹ ném bom xuống Nhật Bản.
Nguyên nhân phát triển bom nguyên tử
Sự phát triển bom nguyên tử của nước Mỹ, mà trong đó có cả tác động của nhà bác học Einstein thông qua lá thư kêu gọi tổng thống Mỹ chế tạo bom nguyên tử, làm nhiều người có cảm giác thật khó lý giải, nhất là đối với những ai yêu mến Einstein. Thực ra, chuỗi sự kiện này nằm trong một cuộc chạy đua vũ khí hủy diệt giữa Mỹ và Đức, bởi vì thứ vũ khí này – nếu được tạo ra – sẽ trở thành phương tiện để xoay chuyển kết quả của toàn bộ cuộc Thế chiến thứ hai. Nếu Đức có bom nguyên tử trước Mỹ, đó sẽ là một thảm họa.
Sau khi có thông tin về việc các nhà khoa học Đức chạm tới ngưỡng cửa của lý thuyết tạo ra vũ khí hạt nhân, Einstein phải lật lại một số lý thuyết mình từng phủ định trước đó. Ông nhận ra sai lầm trong tính toán của mình và ngay lập tức hiểu ra sự nguy hiểm của vũ khí hạt nhân. Bức thư Einstein-Szilárd được viết bởi Leó Szilárd và ký bởi Albert Einstein sau đó đã được gửi cho Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt vào ngày 2 tháng 8 năm 1939. Nó cảnh báo về nguy cơ người Đức có thể phát triển bom nguyên tử và đề xuất rằng Hoa Kỳ nên khởi động chương trình hạt nhân của chính mình. Nó dẫn tới việc thành lập Dự án Manhattan phát triển quả bom nguyên tử đầu tiên.
Nội tình trong việc thả bom nguyên tử
Sau này, khi đã có bom nguyên tử trong tay, để đánh gục hẳn sức chiến đấu của phe phát xít, chấm dứt hoàn toàn trận chiến dai dẳng hao người tốn của giữa phát xít và phe đồng minh, Mỹ đã quyết định dùng đến phương án cuối cùng: đó là thả bom nguyên tử xuống 2 cơ sở tàng trữ vũ khí hàng đầu của Nhật Bản là Nagasaki và Hiroshima.
Tuy nhiên trong vài tháng trước khi ném hai quả bom nguyên tử kia, Mỹ đã rải hơn 63 triệu truyền đơn xuống 33 thành phố trên khắp nước Nhật, trong đó đưa ra cảnh báo về việc đánh bom dữ dội các thành phố chính của Nhật Bản:
Hãy đọc thật kỹ vì nó có thể cứu lấy mạng sống của chính bạn, người thân hay bạn bè của bạn.
Trong vài ngày tới, một số hoặc tất cả những thành phố được liệt kê trong danh sách ở mặt sau truyền đơn này sẽ bị phá hủy bởi những quả bom của người Mỹ. Những thành phố này đang sở hữu các hãng xưởng, nhà máy lắp ráp chế tạo thiết bị quân sự.
Chúng tôi quyết tâm tiêu diệt tất cả những trang thiết bị mà các phe phái quân sự đang sử dụng để kết thúc cuộc chiến vô nghĩa này. Nhưng, không may, những quả bom không có mắt.
Vì vậy, theo các chính sách nhân đạo của Mỹ, Không quân Mỹ, chúng tôi không muốn làm tổn thương người vô tội, do đó chúng tôi cảnh báo và yêu cầu bạn hãy di tản khỏi những thành phố được liệt kê để cứu lấy mạng sống của chính bạn.
Người Mỹ không chiến đấu chống lại nhân dân Nhật Bản, mà chiến đấu chống lại các thế lực quân sự đang sử dụng nhân dân Nhật Bản. Nền hòa bình mà Mỹ mang lại sẽ giải thoát cho người dân như các bạn đang phải sống trong sự áp bức của quân đội Nhật và đồng thời cũng có ý nghĩa mang đến một Nhật Bản mới tốt đẹp hơn.
Các bạn có thể mang hòa bình trở lại bằng cách chọn ra những người lãnh đạo mới và giỏi, những người thật sự muốn kết thúc chiến tranh.
Chúng tôi không thể hứa rằng những thành phố này sẽ được an toàn, một số hoặc tất cả sẽ bị phá hủy. Do vậy, hãy chú ý đến cảnh báo này và sơ tán khỏi các thành phố này ngay lập tức!
Với cảnh báo này, quân Nhật vẫn không đầu hàng. Tuy nhiên, người Nhật đã coi trọng những gì được viết trong truyền đơn, khá nhiều người Nhật đã rời khỏi các thành phố chính. Chính phủ Nhật lúc bấy giờ đã bắt giữ bất cứ ai lưu trữ các tờ truyền đơn này vì không muốn đầu hàng.
Khi chuẩn bị thả quả bom nguyên tử xuống Hiroshima, phía Mỹ đã quyết định không rải truyền đơn đặc biệt về quả bom này, và không uy hiếp bằng cách cho nổ một quả bom ở nơi hoang vắng. Họ đưa ra quyết định đó vì không biết liệu quả bom có thực sự nổ hay không, đồng thời muốn gây sốc cho phát xít Nhật, buộc Nhật phải đầu hàng.
Như vậy điều người Nhật biết trước khi bom nguyên tử rơi xuống Hiroshima là họ phải tránh xa thành phố, và Mỹ sẽ ném bom dữ dội trừ khi quân Nhật đầu hàng. Điều người Nhật không biết là họ có thể sẽ phải đối diện với một loại vũ khí có thể hủy diệt cả một thành phố.
Sau khi hội kiến với một số nước đồng minh, Mỹ đạt được đồng thuận để ném bom nguyên tử. Tổng thống Mỹ bấy giờ là Truman viết:
Vũ khí này được sử dụng chống lại Nhật Bản từ bây giờ cho tới ngày 10/8. Tôi đã nói với Bộ trưởng Chiến tranh Stimson rằng cần phải dùng nó sao cho các mục đích quân sự, lính bộ và thủy trở thành mục tiêu chứ không phải phụ nữ hay trẻ em. Thậm chí nếu người Nhật có dã man, tàn nhẫn, cuồng tín, thì chúng ta, đất nước lãnh đạo thế giới cho sự thịnh vượng chung, không thể ném bom vào thủ đô cũ [Kyoto] hay thủ đô mới [Tokyo] của Nhật được. Ông ta và tôi đã đồng ý như vậy. Mục tiêu của quả bom là thuần túy vì mục đích quân sự.
Sau quả bom đầu tiên, Mỹ tiếp tục gửi truyền đơn và đồng thời phát radio từ Saipan (Mỹ đang nắm giữ) cứ mỗi 15 phút với nội dung tương tự như sau:
Nước Mỹ yêu cầu các bạn ngay lập tức tuân thủ những gì chúng tôi nói trong truyền đơn này.
Chúng tôi đang sở hữu những quả bom kinh khủng nhất lịch sử loài người. Một trong số những quả bom mà chúng tôi đang nghiên cứu có sức công phá đến hơn 2.000 lần những gì mà một cái máy bay khổng lồ B-29 có thể mang lại.
Thực tế khủng khiếp này là một lý do để bạn suy nghĩ và chúng tôi bảo đảm rằng điều đó là tuyệt đối chính xác.
Chúng tôi chỉ mới bắt đầu sử dụng loại vũ khí này để chống lại quê hương các bạn. Nếu các bạn vẫn nghi ngờ, hãy xem lại những gì đã xảy ra ở Hiroshima khi chỉ có một quả bom nguyên tử rơi xuống thành phố đó.
Trước khi sử dụng bom này để tiêu diệt mọi nguồn lực của quân đội mà họ có được để kéo dài cuộc chiến tranh vô ích này, chúng tôi kêu gọi các bạn hãy yêu cầu Nhật Hoàng kết thúc chiến tranh. Tổng thống của chúng tôi đã soạn ra cho các bạn 13 quyền lợi bảo đảm cho một lần đầu hàng danh dự. Chúng tôi khuyến khích bạn chấp nhận những quyền lợi này và bắt đầu công việc xây dựng một nước Nhật mới, một Nhật Bản tốt hơn và yêu hòa bình.
Các bạn nên bắt đầu thực hiện những bước cần thiết để đình chiến. Nếu không, chúng tôi sẽ kiên quyết sử dụng bom này và tất cả các loại vũ khí vượt trội khác để phản ứng kịp thời và kết thúc chiến tranh.
Song song với việc này, Mỹ tiếp tục rải truyền đơn xuống các thành phố khác của Nhật Bản, cảnh báo họ về việc thả quả bom tiếp theo.
Sau khi quả bom nguyên tử được thả xuống Hiroshima và tạo ra thảm họa hạt nhân, các nhà vật lý Nhật Bản đã tới đó xem xét hiện trường. Khi quay về Tokyo, họ báo cáo rằng đây chính là một quả bom hạt nhân. Bấy giờ tướng Nhật Soemu Toyoda cho rằng với loại vũ khí mới này, phía Mỹ chỉ có thể nắm giữ thêm một hoặc hai quả nữa. Vì thế chính phủ Nhật quyết định tiếp tục ngoan cố, và cho rằng “sẽ có những vụ nổ [bom nguyên tử] khác nhưng chiến tranh vẫn tiếp diễn”. Thông tin này đến với quân Đồng minh, và hậu quả của nó là quả bom nguyên tử thứ hai xuống Nagasaki…
Tuy vậy, kể cả sau hai quả bom nguyên tử, phát xít Nhật cũng không chịu đầu hàng vô điều kiện. Nhật Bản vẫn còn vướng bận với 4 điều kiện đầu hàng của mình:
- Giữ nguyên quyền lực của Nhật hoàng;
- Quân Đồng minh không được chiếm đóng Nhật;
- Nhật sẽ tự giải giới;
- Nhật sẽ tự xét xử tội phạm chiến tranh.
Về phần mình, phía Mỹ chuẩn bị thêm 1 quả bom nguyên tử dự kiến sử dụng ngày 19/8, và dự kiến chuẩn bị thêm 3 quả cho tháng 9, 3 quả cho tháng 10. Tuy nhiên ngày 10/8, chứng kiến sức hủy diệt của hai quả bom, tổng thống Truman đã tìm cách trì hoãn, yêu cầu quân đội rằng trước khi mỗi quả bom nguyên tử tiếp theo được thả thì phải có sự đồng ý từ chính ông.
Thảm họa treo lơ lửng trên đầu nước Nhật chỉ kết thúc sau khi Nhật hoàng Hirohito tuyên bố đầu hàng tới nước Nhật. Ông viết:
Mặc dù tất cả đã làm những gì tốt nhất trong khả năng – quân đội thủy bộ đã dũng cảm chiến đấu, công bộc của đất nước đã chăm chỉ và nhẫn nại, và sự cống hiến đối với hơn 100 triệu dân chúng; cục diện chiến tranh không thật sự có lợi cho nước Nhật, và xu thế của cả thế giới đã chống lại chúng ta. Hơn thế nữa, kẻ địch hiện đã nắm giữ một thứ vũ khí mới, khủng khiếp, có sức mạnh hủy diệt mạng sống vô tội và gây ra thiệt hại không thể đo lường. Nếu chúng ta tiếp tục đánh thì kết quả không chỉ là toàn bộ nước nhật bị sụp đổ và xóa sạch, mà cả nhân loại cũng sẽ bị hủy diệt.
Bởi vì thế, chúng ta sẽ cứu hàng triệu người như thế nào đây, chúng ta có thể đối diện với linh hồn của các bậc Thiên hoàng Nhật Bản hay không? Đó là nguyên nhân chúng tôi yêu cầu sự đồng thuận đối với việc đầu hàng.
Không phải thực dân mà là kiến thiết
Sau khi Nhật hoàng đầu hàng, thống tướng MacArthur và Quân đội Mỹ đặt chân đến Nhật Bản, chuẩn bị cho công cuộc chiếm đóng nước Nhật của mình. Với tư cách là bên thua cuộc, chính phủ và nhân dân Nhật phải nằm dưới sự quản lý và những chính sách do Mỹ đưa ra. Một trong những việc đầu tiên mà tướng MacArthur làm là khẩn cấp xin chính phủ Mỹ viện trợ lương thực và tiền để kiến thiết nước Nhật trước thực trạng đổ nát của chiến tranh.
Với nỗ lực của MacArthur, chính phủ Mỹ tức tốc gửi đến nước Nhật 3,5 triệu tấn lương thực cùng hơn 2 tỷ USD. Tại trường học, trẻ em Nhật được ăn một bữa trưa miễn phí; lần đầu tiên trong lịch sử nước mình, phụ nữ được trao thêm nhiều quyền lợi hơn, trong đó có quyền bầu cử và ứng cử; tại các địa phương người dân được tạo điều kiện để tham gia sinh hoạt chính trị.
Ngày 3/2/1946, tướng MacArthur chỉ thị cho Tổng bộ Liên minh soạn thảo Hiến pháp Nhật Bản theo hướng dân chủ, chủ quyền đất nước thuộc về quốc dân chứ không phải Thiên hoàng. Thiên hoàng là biểu tượng cho sự đoàn kết và văn hóa Nhật, giống như Nữ hoàng Anh, nhưng không mang quyền lực chính trị thực tế. Thiên hoàng chỉ được tiến hành các hành vi liên quan đến việc nước theo quy định của bản Hiến pháp này và Thiên hoàng không có quyền lực liên quan tới chính phủ. Quốc hội Nhật là cơ quan chính trị có quyền lực cao nhất, thành viên quốc hội là những người được dân chúng chọn ra trong một cuộc bầu cử tự do.
Trước thực trạng nông dân không có đất canh tác, tháng 10/1946, Quốc hội thông qua “Luật cải cách ruộng đất”, tiến hành thu mua đất của của giới địa chủ và bán nợ lại cho nông dân không có đất.
Ngày 31/3/1947, Quốc hội ban hành “Luật Giáo dục”. Theo đó, mục tiêu hàng đầu của giáo dục là “Tôn trọng sự tôn nghiêm của cá nhân, bồi dưỡng cho mọi người có lòng nhiệt huyết vì chân lý và hòa bình”.
Đây cũng là lần đầu tiên Chính phủ bị mất quyền quản lý giáo dục và kiểm duyệt sách giáo khoa. Thay vào đó một “Ủy Ban Giáo Dục” do dân bầu ra đảm trách những việc ấy. Giáo viên dạy học sinh về tinh thần dân chủ chứ không phải tôn thờ Nhật Hoàng.
Năm 1951, Quân đội Mỹ tự khắc rút khỏi nước Nhật, trao trả lại nền độc lập cho Nhật Bản sau khi “sứ mệnh” kiến thiết nước Nhật của mình hoàn thành. Dưới sự giúp đỡ của Mỹ, Nhật Bản đã vươn mình trở thành cường quốc giàu mạnh đứng thứ 2 sau Mỹ trên thế giới.
Người Nhật gọi tướng MacArthur là vị Shogun Mỹ. Shogun nghĩa là Sứ Quân, là người đứng đầu một lãnh địa, vào thời Nhật còn bị nạn sứ quân chia cắt. Khi MacArthur rời Nhật, những người Nhật tiễn ông đã tự mình bộc phát ra lời ca ngợi: “Muôn năm!” (Theo hồi ký Kiichi Miyazawa – Thủ tướng Nhật nhiệm kỳ 1991-1993)
Quang Minh tổng hợp và biên tập
Ảnh trong bài được dẫn từ Wikipedia
Dựa trên bài viết của Việt Phố, Facebook Lê Trung Kiên, Lê Khánh Huy
Xem thêm:
- Douglas MacArthur: Người mở cửa nước Nhật lần thứ hai
- Diễn văn: Bổn phận, Danh dự, Đất nước – Tướng Douglas MacArthur
- Diễn văn: “Tôi là một người Berlin” – John F. Kennedy
Mời xem video:
Từ khóa Hiroshima Nagasaki quân Mỹ quân Đồng minh Phát xít quân Nhật Albert Einstein Bom nguyên tử