“Nam nữ thụ thụ bất thân” và một cuộc luận bàn thời Chiến Quốc
- An Hòa
- •
Trong văn hóa truyền thống, hoặc trong các bộ phim cổ trang hiện đại, chúng ta thường nghe thấy câu nói “nam nữ thụ thụ bất thân”, nghĩa là nam nữ không được trực tiếp đụng chạm vào thân thể của nhau. Câu này cũng xuất hiện trong một cuộc luận bàn giữa đại thần nước Tề là Thuần Vu Khôn và hiền giả Mạnh Tử của nước Trâu.
Thời Chiến Quốc, Thuần Vu Khôn là một người kiệt xuất, là đại thần nổi tiếng của nước Tề. Ông có sở trường về đối đáp, lời nói hài hước, dí dỏm. Ngày nay tại Trung Quốc có một số thành ngữ như “Bôi bàn lang tạ” (mâm chén bừa bãi), “Nhạc cực sinh bi” (vui quá hóa buồn), “Nhất minh kinh nhân” (gáy một tiếng khiến người ta kinh ngạc) đều có liên quan đến Thuần Vu Khôn. Ông giỏi về biện luận, lại am hiểu về nhiều lĩnh vực nên thường xuyên đại diện cho nước Tề đi sứ các nước. Ông chưa bao giờ khiến nước Tề phải hổ thẹn, cũng không bao giờ khiến mình bị khuất nhục.
Còn Mạnh Tử thì được coi là một vị Thánh trong Nho giáo. Những điều ông bàn luận có ảnh hưởng rất lớn đến người đời sau. Ông cho rằng nhân tính hướng thiện cũng giống như nước hướng đến chỗ trũng. Trong “Tam tự kinh”, câu đầu tiên là “Nhân chi sơ, tính bản thiện”, nó chính là xuất phát từ học thuyết của Mạnh Tử. Lý luận về con người có bản tính thiện lương này đã trở thành quan niệm chính thống của Nho gia.
Thuần Vu Khôn và Mạnh Tử, một vị làm quan trong triều đình, nắm thực quyền, dùng lời nói và trí tuệ của mình để phụ tá quốc quân; một vị thì nói về bản tính thiện lương của người, tuyên dương đức trị, đề cao Khổng Tử. Cuộc nói chuyện giữa hai nhân tài kiệt xuất này được ghi chép lại trong sách “Mạnh Tử”.
Một lần, Thuần Vu Khôn hỏi Mạnh Tử: “Nam nữ thụ thụ bất thân, là lễ tiết sao?”
Mạnh Tử trả lời: “Đương nhiên là lễ rồi!”
Thuần Vu Khôn hỏi lại: “Nếu chị dâu bị chìm trong nước, có nên đưa tay ra kéo không?”
Mạnh Tử đáp: “Chị dâu chìm trong nước, em chồng không kéo chị cứu chị thì đúng là loài lang sói vậy. Nam nữ thụ thụ bất thân tuy là lễ tiết vậy. Nhưng cứu chị dâu là gặp việc biết ứng biến vậy.”
Trong hoàn cảnh sinh hoạt bình thường, giữa nam và nữ là có khác biệt. Vì để phòng ngừa những điều không đúng đắn trong các mối quan hệ giữa nam và nữ ngoài giá thú thì nam và nữ không thể tiếp xúc trực tiếp với nhau. Vô luận là lời nói, hay trao nhận vật phẩm đều không thể trực tiếp. Làm như vậy là để tránh việc vượt quá chừng mực giữa nam và nữ, làm rối loạn danh tiết, phòng tránh những việc trái với đạo đức luân thường. Nói theo cách hiện đại thì đây là giáo dục giới tính.
Trong “Lễ ký” có ghi lại những yêu cầu rất cụ thể đối với nam và nữ của người xưa, ví như: “Nam nữ bất tạp tọa, bất đồng di gia, bất đồng cân trất, bất thân thụ”, nam nữ không ngồi lẫn lộn, không dùng chung mắc áo, không dùng chung khăn lược, không chạm vào người nhau.
Người xưa quy định rằng trong gia đình, chị gái em trai hoặc anh trai em gái sau khi lên 7 tuổi thì không được ngủ cùng nhau, không ngồi ăn cơm cùng nhau, nam nữ không được ngồi lẫn lộn, không sử dụng chung mắc áo giá áo hay rụng cụ rửa mặt. Nam nữ khi đến tuổi thành niên, trao vật phẩm cho nhau không được tiếp xúc tay chân trực tiếp với nhau.
Tất nhiên có lễ tiết thì cũng có những trường hợp bất khả kháng. Ví như khi chị dâu bị đuối nước hoặc người thân gặp nguy hiểm thì việc đưa tay ra giúp đỡ, cứu giúp, dù có động chạm thân thể đi nữa thì cũng là việc tùy cơ ứng biến, là việc nên làm. “Nam nữ thụ thụ bất thân” và cứu người trong hoạn nạn, giữa hai điều này là không có mâu thuẫn với nhau. Tuy nhiên trong hoàn cảnh thông thường, em chồng và chị dâu nắm tay nhau tất nhiên là việc không nên có. Ngay cả ở thời hiện đại khi Nho giáo không còn nhiều ảnh hưởng thì việc này cũng là điều rất kỵ.
Quay lại chuyện giữa Thuần Vu Khôn và Mạnh Tử, thực ra đạo lý này với người kiệt xuất như Thuần Vu Khôn thì không khó lý giải. Vì sao ông lại hỏi như vậy? Nguyên do là ở câu hỏi phía sau.
Thuần Vu Khôn hỏi: “Hiện giờ cả thiên hạ đều chìm trong nước, tiên sinh không đưa tay ra cứu giúp là vì sao?”
Mạnh Tử đáp: “Cả thiên hạ rơi vào trong nước thì cần phải dùng đạo đi cứu giúp. Chị dâu rơi vào trong nước, em chồng dùng tay kéo lên là có thể. Chẳng lẽ ngài muốn dùng tay không cứu vớt thiên hạ sao?”
Thuần Vu Khôn thấy Mạnh Tử có tài, có thể cứu thiên hạ trong cơn nguy khốn, nên khuyên Mạnh Tử chịu khuất một chút đạo nghĩa (giống như khuất một chút “nam nữ thụ thụ bất thân”) để ra giúp đời. Mạnh Tử thì nói rằng nếu uổng đạo nghĩa để cầu hợp với đời thì còn lấy gì để cứu được đời nữa, cứu đời cần đạo nghĩa, không thể chỉ dùng tay không.
Trong cuộc sống, có những lúc có thể linh hoạt thích ứng, nhưng cũng có những khi không thể hạ thấp tiêu chuẩn. Điều có thể linh hoạt là điều có thể xem xét làm mà không tổn hại đến lương tri. Điều không thể hạ thấp là điều gây tổn hại đến thiên tính của bản thân và người khác. Kỳ thực rất nhiều điều trong cuộc sống khi cảm thấy khó làm, cảm thấy không nguyện ý làm, cảm thấy không được lợi ích khi làm, thì cũng nên dùng nguyên tắc này để cân nhắc thêm nữa. Như vậy vừa có thể giúp ích cho người, vừa có thể nuôi dưỡng được đạo đức và thiện niệm của bản thân mình.
Theo Sound of Hope
An Hòa biên tập
Xem thêm:
- “Nam nữ hữu biệt”: Lễ tiết quy định quan hệ nam nữ của người xưa
- Vài tìm hiểu về Kinh Dịch qua câu nói “trọng nam khinh nữ”
Mời xem video:
Từ khóa Lễ nghi Mạnh Tử quan hệ nam nữ