Nghề cổ Đất Việt: Gốm Phù Lãng
- Thanh Phong
- •
Cách Hà Nội 70 km, nằm bên bờ sông Cầu thơ mộng, làng gốm Phù Lãng ngay sát chân một quả đồi với những đường làng quanh co uốn lượn. Làng nổi tiếng với nghề gốm, có lịch sử gần 800 năm. Cùng với gốm Bát Tràng và gốm Thổ Hà, gốm Phù Lãng từ xưa đã được cả nước biết đến với các sản phẩm mang tính gia dụng như niêu đất, chum, vại, lọ, bình, tiểu, quách…
Lịch sử phát triển nghề gốm
Theo tài liệu, ông tổ nghề gốm ở Phù Lãng là Lưu Phong Tú. Vào cuối thời Lý, ông được triều đình cử đi sứ sang Trung Hoa rồi học được nghề làm gốm. Về nước, ông truyền dạy cho người dân vùng hai bên sông Lục Đầu, sau đó chuyển về vùng Vạn Kiếp (Hải Dương). Vào khoảng đầu thời Trần thế kỉ XIII, nghề gốm được chuyển đến Phù Lãng. Trải qua nhiều thời gian, công đoạn khác nhau cùng với bàn tay tài hoa của người nghệ nhân, gốm Phù Lãng đã cho ra đời những sản phẩm bền đẹp và hữu dụng.
Đến Phù Lãng thật dễ để có thể tìm thấy những chum, vại, ấm tích, bình vôi, tiểu sành… Ngày nay, nhờ bàn tay khéo léo, tài hoa của các nghệ nhân, làng gốm đã sáng tạo ra nhiều mặt hàng mĩ nghệ như các loại đôn, tranh gốm, ấm chén, gốm trang trí, lọ hoa, chậu cảnh, chậu hoa, các loại con vật như chó, nghê, cá, rồng… được nhiều người chuộng dùng.
Quy trình làm gốm
1. Chọn đất và xử lý đất sét
Khác với những sản phẩm gốm lấy chất liệu từ “xương” đất sét xanh của Thổ Hà, sét trắng của Bát Tràng, gốm Phù Lãng được tạo nên từ “xương” đất đỏ hồng lấy từ vùng Thống Vát, Cung Khiêm (Bắc Giang). Đất được chở về Phù Lãng theo đường sông (chủ yếu là sông Cầu). Điều này rất thuận lợi do Phù Lãng không phải lấy đất sét tại chính làng họ, tránh phá vỡ cấu trúc địa chất và cảnh quan làng nghề.
Ðất để làm đồ sành phải là loại đặc biệt, có độ dẻo. Lấy được đất về, người thợ phải phơi cho đất bạc màu trộn lẫn các lần đất, đập thành những viên nhỏ bằng ngón chân cái rồi mới cho “ngậm” nước, sau đó xéo tròn, nề đất, chọn sạn, phá, sa cho tới khi đất phải nhuyễn mịn như một miếng giò mới thôi. Một miếng đất trước khi chuốt phải nề, xéo tới chục lần mới thành khoanh cho lên bàn xoay nắn thành sản phẩm.
Dưới bàn tay của người thợ thủ công, đất sét được luyện thật nhuyễn, đảm bảo độ dẻo, mịn nhất định và được tạo hình trên bàn xoay bằng tay hoặc trên khuôn.
2. Tạo hình
Về mặt tạo hình, gốm Phù Lãng được sử dụng nhiều phương pháp khác nhau trong nghệ thuật tạo dáng, với những hình khối đa dạng. Nhưng nhìn chung có thể quy vào hai phương pháp cơ bản:phương pháp thứ nhất tạo hình trên bàn xoay (làm trong gốm gia dụng và trên gốm trang trí); phương pháp thứ hai là in trên khuôn gỗ hoặc khuôn đất nung rồi dán ghép lại (làm trên đồ tín ngưỡng). Mỗi loại hình sản phẩm, mỗi chủng loại hàng đều có những kỹ thuật, kỹ xảo riêng.
Cũng như nghề gốm Bát Tràng (Gia Lâm), và Thổ Hà (Bắc Giang), phương pháp tạo hình sản phẩm (có tiết diện tròn) là chuốt. Tất cả các sản phẩm được đưa lên bàn xoay tay. Hoạt động xung quanh bàn xoay tay cần phải có hai người, trong đó một người chuyên ngồi chuốt, một người vần bàn xoay. Người vần bàn xoay đồng thời làm nhiệm vụ lăn đất thành đòn để chuốt (còn gọi là se đòn). Sản phẩm sau khi đã tạo hình xong, để cho se dần, đến khi sờ tay vào không thấy dính, lúc bấy giờ người thợ tiến hành chúng, đấm, thúc bên trong của sản phẩm cho thành hình đồ vật, rồi lại để cho ráo. Lúc này nếu thấy sản phẩm có vết rạn nứt thì được vá lại bằng đất mịn và nát.
Bước cuối cùng trong khâu hoàn thành sản phẩm là ve, nạo sản phẩm sau khi sản phẩm đã thành bạc hàng (chuyển màu trắng). Ve, nạo xong sản phẩm dược tráng một lớp men lên, tạo màu sắc.
3. Tráng men
Chất liệu làm men tráng gồm có: một là tro cây rừng, loại cây mà khi đốt, tàn tro trắng như vôi, như tàn thuốc, thường dùng tứ thiết là lim, sến, táu, nghiến; hai là vôi sống (vôi tả); ba là sỏi ống nghiền nát; bốn là bùn phù sa trắng.
Bốn chất liệu này, sau khi sơ chế trộn đều với nhau theo một tỷ lệ nhất định rồi để khô, đập nhỏ cho vào nước, gạn qua rây bột, từ đó chế thành một chất lỏng quánh, vàng như mật ong.
Khi sản phẩm còn ẩm, người thợ dùng chổi lông quét men lên bên ngoài của sản phẩm một lớp mỏng thích hợp rồi đem phơi. Sau khi quét men và phơi khô, sản phẩm có màu trắng đục.
4. Nung
Sau công đoạn vào men và tạo màu, phơi khô, sản phẩm được đưa vào lò nung. Xếp sản phẩm trong lò nung phải tuân theo nguyên tắc tiết kiệm tối đa không gian trong lò. Chi phí cho mỗi mẻ đốt lò trung bình là vài chục triệu đồng, nếu không nắm vững kỹ thuật chọn đất, đốt lò… thì cả mẻ gốm phải bỏ đi.
Một lò thường được một nghìn sản phẩm và phải đun liền trong ba ngày ba đêm hoặc tùy theo từng sản phẩm, lượng nhiệt trong lo khi nung thường phả đều tăng dần nhiệt độ từ ngày thứ hai cho đến khi chín gốm, để nguội và lấy ra khỏi lò thì khi đó mới kết thúc quá trình nung và sản phẩm phải có được độ chuẩn cần thiết, nếu không sẽ bị thải loại. Vì vậy những sản phẩm đạt tiêu chuẩn phải có màu da lươn vàng óng hay màu cánh gián, khi gõ vào sản phẩm có tiếng vang.
Ở Phù Lãng có gia đình vẫn sử dụng phương pháp truyền thống – dùng củi để nung, nhờ sự biến nhiệt khác nhau tạo ra những vết táp trên bề mặt gốm mà không phương pháp nào có thể thay thế nổi. Xương đất sét có màu hồng nhạt, khi nung ở nhiệt độ cao, xương gốm chuyển màu gan gà, với hai màu men chủ đạo là nâu vàng và nâu đen (thường gọi là men da lươn). Nếu vẻ đẹp của Bát Tràng là sự đa dạng về nước men, những nét vẽ tinh tế, thì hồn cốt của Phù Lãng được tạo nên từ sự dân dã, mộc mạc của nước men da lươn này.
Giữ lửa nghề gốm
Khác với gốm Thổ Hà, gốm Phù Lãng được phủ một lớp men có hoa văn màu da lươn vừa thanh nhã, vừa bền đẹp, dáng gốm mộc mạc, khỏe khoắn… Nhưng có lẽ gốm Phù Lãng được nhiều người biết đến trước hết là ở tính đặc dụng, hữu ích.
Trước đây, hầu hết các gia đình vùng đồng bằng Bắc bộ đều dùng đồ gốm Phù Lãng, đó là các loại chum tương, vại cà, ấm đất, chõ đồ xôi, chậu sành… Thương lái bốn phương về cập bến Phù Lãng chất đầy gốm trên tàu thuyền mang đi khắp nơi bán, cảnh tượng trên bến dưới thuyền thật nhộn nhịp, đông vui. Người dân Phù Lãng nhờ làm gốm mà kinh tế cũng khá giả, sung túc hơn.
Ngày nay, tiếp nối “thời vang bóng”, ở Phù Lãng vẫn còn những lò gốm đang đỏ lửa. Nhiều nghệ nhân còn tâm huyết với nghề gốm truyền thống quê hương, với mong muốn đưa sản phẩm gốm nổi tiếng một thời này bay cao hơn nữa, xa hơn nữa để xứng đáng với lịch sử gần một thế kỉ hưng thịnh của nghề gốm quê mình.
Tuy nhiên, nghề gốm Phù Lãng đang đứng trước nguy cơ mai một. Những năm trước đây có tới hơn 300 hộ làm gốm, giờ đây Phù Lãng chỉ còn vài chục hộ theo nghề. Trong thời buổi hiện nay, từ đầu ra cho sản phẩm, đến hình thức, mẫu mã, giá cả… gốm Phù Lãng đều không thể cạnh tranh nên rất nhiều lò gốm đành phải nguội lửa sau hàng trăm năm hưng thịnh.
Thanh Phong tổng hợp
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Nghề cổ đất Việt gốm Phù Lãng Phù Lãng