Nghệ thuật của những chiếc quạt xếp
- Huy Minh
- •
Từng được xem như một biểu tượng của hoàng quyền trong lịch sử Trung Hoa, quạt xếp đã dần thoát khỏi sự độc hữu của hoàng tộc. Nó trở nên phổ biến vào những năm giữa đời nhà Minh (1368-1644). Vào thời điểm đó, quạt xếp đã là một phụ kiện không thể thiếu của giới văn nhân, gắn liền với cuộc sống tao nhã. Nó cũng là nơi để những nghệ sĩ và thợ thủ công thể hiện tài hoa của mình.
Chúng ta hãy cùng nhau khám phá vẻ đẹp và nét quyến rũ ẩn mình trong những tác phẩm tinh tế được thể hiện trên những chiếc quạt.
Lịch sử của nghệ thuật quạt xếp
Có hai quan điểm chính trong giới học giả về nguồn gốc của quạt xếp Trung Hoa. Một quan điểm cho rằng hình thức nghệ thuật này xuất hiện ở Trung hoa sớm nhất vào thời kỳ Nam Bắc triều (420-589), trong khi những người khác lại khẳng định rằng chúng được du nhập từ Nhật Bản vào những năm đầu của triều đại Bắc Tống (960-1127).
Trong triều đại nhà Minh, quạt xếp đã trở nên phổ biến một cách nhanh chóng nhờ sự ủng hộ của triều đình và trở thành một vật dụng tượng trưng cho cuộc sống thanh tao. Hình thức nghệ thuật này đạt đến đỉnh cao của nó vào những năm cuối triều đại nhà Thanh (1644-1912).
Việc trao tặng cho nhau một chiếc quạt xếp với những bức tranh thư pháp vẽ cảnh sơn thủy hữu tình như một biểu tượng của tình bằng hữu trong giới Nho sĩ đã trở thành một truyền thống phổ biến, đặc biệt là ở vùng Giang Nam, hạ lưu sông Dương Tử, nơi những văn nhân và nghệ sĩ tập trung vào thời kỳ đó.
Đến thời kỳ Trung Hoa Dân Quốc (1912-1949), quạt xếp đã trở thành món đồ sưu tập giá trị trong khi vẫn tiếp tục giữ vững vai trò thể hiện tình bằng hữu của mình. Sự đa dạng trong vật liệu, hình dạng và nghệ thuật trang trí đã phản ánh cả một nền văn hóa phong phú đi kèm với chúng qua các thời kỳ lịch sử khác nhau.
Người ta có thể sử dụng rất nhiều nguyên liệu để làm nan quạt, bao gồm tre, gỗ đàn hương, gỗ mun, mai rùa, ngà voi, xà cừ, xương động vật… trong đó tre là phổ biến nhất. Việc sử dụng các nguyên liệu quý không chỉ làm cho quạt trở nên đẹp mắt mà còn làm tăng giá trị của chúng.
Hình dạng của đầu quạt cũng bắt đầu trở nên phong phú vào cuối đời nhà Thanh và đầu thời kỳ Trung Hoa Dân Quốc, với những hình dạng như hình vuông, tròn, phẳng, đầu uốn nhẹ, hình bầu, nhọn …
Ngành công nghiệp sản xuất quạt ở Trung Hoa cổ đại được phát triển chủ yếu bởi các hộ gia đình, thường là quy mô nhỏ, với cửa hàng ở phía trước và xưởng ở phía sau. Thành phố Hàng Châu đã chứng kiến một ngành công nghiệp sản xuất quạt phồn vinh trong triều đại Nam Tống (1127-1279).
Là vật truyền tải những bức họa và thư pháp của giới văn nhân
Vào thời Trung Hoa cổ đại, giới văn nhân và nghệ sĩ có sở thích để lại những bức họa và thư pháp của mình lên những đồ vật mà họ yêu thích. Đó là lí do tại sao quạt xếp trở thành vật truyền tải nghệ thuật khi chúng thuộc sở hữu của các bậc nho sĩ. Ban đầu, việc vẽ tranh và viết thư pháp lên quạt là một cách để trang trí cho quạt, nhưng sau này quạt lại được chọn làm nền để các văn nhân và nghệ sĩ để lại những tác phẩm đắc ý của mình.
Việc vẽ tranh thư pháp lên quạt đạt đến thời kỳ phồn vinh vào những năm giữa triều đại nhà Minh. Các bức họa và thư pháp, với phong cách tự nhiên, tươi mới và sinh động, đã trở nên phổ biến nhờ sự kết hợp độc đáo với hình dạng của thân quạt. Nhiều người lúc bấy giờ cảm thấy tự hào về việc họ được sở hữu chiếc quạt có vẽ bức họa hoặc thư pháp của một nghệ sĩ nổi tiếng.
Quạt vào thời kỳ Trung Hoa Dân Quốc được chọn làm quà tặng tượng trưng cho tình bạn và thiện chí, với nan quạt bằng tre được chạm khắc tinh tế, được giới sưu tập ngày nay săn lùng.
Quạt xếp qua các triều đại
Quạt xếp gồm nhiều bức họa nhỏ được vẽ trên thân quạt là một trường phái đặc biệt của loại hình nghệ thuật này, gồm nhiều bức tranh hoặc thư pháp được vẽ trên những phần riêng biệt phân cách bởi các nan quạt. Những phần này được vẽ bởi các họa sỹ hoặc nhà thư pháp khác nhau và thường tập trung vào cùng một chủ đề như những ước nguyện đẹp hay cuộc lữ hành…
Quạt xếp cận đại
Huy Minh
Tham khảo từ bài viết: The Art of Folding Fans
Ảnh trong bài được lấy nguồn từ Bảo tàng Công nghệ Mỹ thuật Hàng Châu, Google Art & Culture
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Nghệ thuật Trung Hoa nhà Minh Quạt xếp