Nghệ thuật yêu nước ở Khải Hoàn Môn, Paris
- Hạ Chi
- •
Năm 1805, Napoléon Bonaparte đã hứa với các binh lính của mình rằng ông sẽ xây “những cổng khải hoàn” (còn gọi là Khải Hoàn Môn) sau khi họ chiến thắng trận Austerlitz.
Chiếc cổng đầu tiên mà ông cho xây dựng là “Arc de Triomphe de l’Étoile” (Bắc đẩu Tinh tú Hoàn môn) ở Paris, hay còn được gọi với cái tên phổ biến nhất là Khải Hoàn Môn. Công trình được khởi công vào ngày 15/8/1806, đúng ngày sinh nhật của Napoléon.
Là một người ngưỡng mộ mỹ thuật truyền thống, Napoléon đã yêu cầu kiến trúc sư Jean-François-Thérèse Chalgrin tham khảo các công trình kiến trúc cổ điển để tìm cảm hứng xây dựng Khải Hoàn Môn. Chalgrin đã tìm đến Cổng Titus (xây dựng năm 81 SCN) tại Rome, nước Ý để làm cơ sở cho thiết kế của mình.
Với chiều cao khoảng 50m, chiếc cổng có kiến trúc tân cổ điển này được trang trí với những tác phẩm phù điêu và điêu khắc thể hiện các sự kiện lịch sử diễn ra tại các triều đại khác nhau cùng các cảnh chiến trận. Điều này khác với những cổng khải hoàn truyền thống chỉ khắc họa các chiến thắng quân sự.
Mặt phía đông của Khải Hoàn Môn hướng về phía đại lộ Champs-Élysées. Vào thời của Napoléon đây là vị trí của điện Tuileries, nơi nhà vua và hoàng gia sinh sống. Điện này đã bị phá hủy năm 1871 trong thời Công xã Paris.
Một dải trang trí chạy xung quanh gần trên đỉnh của cổng. Dải phía đông khắc họa cảnh những người lính Pháp khi họ chuẩn bị xuất chinh, còn dải phía Tây là cảnh những người lính trở về.
Tại 4 cột trụ của công trình có các nhóm tượng điêu khắc được đặt trên các đế lớn. Mỗi nhóm điêu khắc thể hiện một sự kiện lịch sử. Nhóm nổi tiếng nhất có tên “Departure of the Volunteers of 1792” (Tạm dịch: Các binh lính tình nguyện xuất quân năm 1792) của François Rude, hay còn được gọi với tên thông dụng khác là “La Marseillaise”, đây cũng là tên của bài quốc ca Pháp.
Tới năm 1836, vua Louis-Philippe khánh thành công trình để trao tặng cho quân đội của nền Cộng hòa và Đế chế.
Theo Epoch Times tiếng Anh
Hạ Chi biên tập
Xem thêm:
- Forbes: Phim tài liệu tranh giải Oscar “đáng ngạc nhiên nhất” là “Eternal Spring”
- Mặc khải về những bài học từ các đại dịch trong lịch sử nhân loại
Mời xem video:
Từ khóa Napoleon khải hoàn môn Paris