Nghèo đói và mặc cảm tự ti, thấp kém
- Nguyễn Quốc Vương
- •
Cho dù vẫn có những trường hợp cá biệt nhưng trải nghiệm và quan sát của tôi cho thấy trẻ sinh ra, lớn lên trong các gia đình nghèo khó thường dễ có tâm lý mặc cảm, tự ti.
Khi còn học ở tiểu học, trung học cơ sở về cơ bản hoàn cảnh gia đình tôi và gia đình bạn bè cùng lớp, cùng trường cũng không khác gì nhiều lắm nên tôi không cảm thấy mặc cảm, tự ti về sự nghèo khó. Tuy nhiên khi vào học trường trung học phổ thông và học chung với rất nhiều bạn bè đến từ các xã khác, đặc biệt là học sinh ở thị trấn, cảm giác đó xuất hiện và ngày một tăng lên.
Gia đình các bạn đó sống ở nơi gần trung tâm và tham gia vào các hoạt động kinh tế công thương thay vì làm nông nghiệp thuần túy nên nhìn chung có kinh tế khá giả hơn. Nhờ điều kiện gia đình, các bạn đi học với quần áo đẹp, giày dép tử tế, sinh nhật có quà, biết đến các ngày lễ kỉ niệm như 8-3, 20-10, biết tặng quà cho nhau vào các dịp đó, có xe đạp đẹp để đi, biết làm đẹp bản thân… Trong khi đó những học sinh như tôi thì mặc quần áo cũ, đi dép cũ hoặc rách, không hề biết gì đến các ngày lễ, không có thói quen tặng quà và cũng không có tiền để mua quà, xa lạ với các giao tiếp có tính lễ nghi. Nếu so sánh học sinh trung học phổ thông bây giờ với những học sinh “nhà quê” như tôi hồi đó thì sẽ có sự khác nhau rất khủng khiếp về mọi phương diện trong đó rõ nhất là trang phục, khả năng tiếp cận với tiền và sự tham gia vào các lễ nghi, sự kiện, giải trí, giao tiếp bạn bè…
Tôi và có lẽ nhiều học sinh khác có hoàn cảnh tương tự đã luôn đối diện với cảm giác mặc cảm là học sinh nhà quê, học sinh con nhà nghèo ở trong lòng. Vì vậy cho dù không cố ý, vẫn có một bức tường vô hình ngăn cách giữa các học sinh như chúng tôi và các học sinh sống ở thị trấn. Chúng tôi vẫn chơi với nhau, vẫn học cùng nhưng khó đạt được sự giao tiếp, đồng cảm sâu sắc. Tự bản thân tôi và các học sinh “nhà quê” khác cũng không có đủ tự tin để tiến lại gần các bạn đó và xây dựng mối quan hệ sâu sắc hơn, thậm chí như môt phản xạ tự vệ, cảm giác mặc cảm, tự ti ấy đôi khi còn thúc đẩy chúng tôi trong vô thức xây cho bức tường ngăn cách đó cao hơn.
Phải mất rất nhiều thời gian, trải nghiệm và cả sự nỗ lực to lớn kể từ khi vào đại học, dần dần tôi mới làm cho cảm giác tự ti, mặc cảm đó mất dần đi để hòa nhập với các cộng đồng mà mình là thành viên và tự tin phát huy năng lực của mình.
Thành công trong học tập và cuộc đời phụ thuộc rất lớn vào sự tự tin, chủ động của bản thân từng cá nhân. Vì vậy, việc trẻ em phải chịu đựng cảm giác mặc cảm, tự ti vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó là một trải nghiệm tiêu cực và có hại cho sự phát triển lành mạnh.
Nếu là người ở bên ngoài, người ta sẽ dễ dàng có ý nghĩ “sao phải mặc cảm, tự ti, hãy tự tin lên”. Tuy nhiên chỉ người trong cuộc mới biết, sự tác động của hoàn cảnh không phải là một phút một giây trong một hai ngày mà nó là toàn bộ 24 tiếng trong một ngày, liên tục từng phút từng giây và kéo dài suốt từ năm này sang năm khác. Đối với một người trưởng thành đã có trải nghiệm xã hội phong phú việc thoát ra khỏi cảm giác mặc cảm, tự ti cũng không phải là đơn giản nói gì tới trẻ em, thiếu niên còn non nớt đường đời?
Nhìn ở góc độ này, có rất nhiều cá nhân đã đi trọn cuộc đời làm người, cho dù sau này trưởng thành đã trở nên giàu có, thậm chí làm “ông nọ bà kia”, vẫn không thoát ra khỏi cảm giác mặc cảm, tự ti về hoàn cảnh xuất thân. Họ không thể giải phóng bản thân để chạm tới tự do trong tâm hồn. Nhiều người trong số đó thậm chí còn trở nên kiêu ngạo, đắc ý, không ngừng thể hiện thái quá với người xung quanh về địa vị, chức vụ, tài sản, tiền bạc, bằng cấp… của bản thân và gia đình. Điều này giống như một sự trả thù quá khứ hay gột rửa quá khứ. Thực chất nó thể hiện rằng trong sâu thẳm con người mình, anh ta vẫn chưa giải phóng được hoàn toàn khỏi cảm giác tự ti mặc cảm vì nghèo khó trước kia và lối cư xử của anh ta hiện tại thực chất là một biểu hiện khác của cảm giác tự ti, mặc cảm vì quá khứ.
Nguyễn Quốc Vương
Trích trong cuốn sách về nghèo đói của tác giả. Mời bạn đọc liên hệ đặt sách.
Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:
- Nghèo đói và sự khát khao vinh hoa, phú quý
- Đọc sách và nghèo đói
- Nghèo khó là mảnh đất tốt tạo ra và nuôi dưỡng sự luộm thuộm
- Đọc sách là con đường tất yếu
- Nghèo đói và ham mê vật chất – tiêu dùng vô độ
Mời xem video:
Từ khóa nghèo đói Nguyễn Quốc Vương