Ngọc có ngũ đức sánh với người quân tử
- Thiên Cầm
- •
Thời xưa, ngọc được coi là biểu tượng cho sự trong trắng, mỹ hảo, thiện lương, cao quý, vinh hoa. Nho gia vô cùng tôn sùng ngọc, cho rằng ngọc có những phẩm chất quý giá, có thể sánh cùng người quân tử vậy.
Hứa Thận thời Đông Hán trong “Thuyết Văn Giải Tự” nói rằng:
“Ngọc là một thứ đá đẹp, có ngũ đức. Ôn nhuận, nhân từ một phương. Từ vẻ bóng bẩy bên ngoài có thể biết được bên trong, đại nghĩa một phương. Tiếng trong trẻo dễ chịu, vang rất xa, trí huệ một phương. Uốn mà không gãy, dũng khí một phương. Sắc bén mà không hại người, thánh khiết một phương.”
Ngọc có tính ôn nhuận, thích hợp dưỡng tâm cho người đeo. Người xưa còn tin rằng đeo ngọc có thể tránh được những điều tà. Vì vậy đức thứ nhất của ngọc là nhân từ.
Thông qua những đường vân bên ngoài viên ngọc, có thể biết được tình trạng bên trong. Người quân tử công minh chính trực, theo đuổi chính nghĩa, không có “trong ngoài bất nhất”, mà kiên trì không thay đổi.
Ngọc khi chạm vào nhau thì phát ra tiếng trong trẻo, ngân xa, vang khắp tứ phương, nghe rất vui tai. Đức của người quân tử vang vọng khắp nơi, có thể giúp giáo hóa dân chúng.
Ngọc thà bị bẻ gãy cũng không chịu uốn mình, cố gắng uốn ngọc thì ngọc sẽ vỡ. Đây là dũng khí và tinh thần bất khuất, kiên trinh của ngọc, “thà làm ngọc nát, hơn làm ngói lành”.
Ngọc có thể được mài thành thứ rất sắc bén, nhưng chúng đều dùng trong việc thờ cúng, tế tự, không phải dùng để đánh nhau, càng không dùng để sát thương người khác. Thậm chí có cách nói rằng ngọc vỡ nát là vì gánh nạn cho chủ nhân, giống như phẩm chất cao thượng của ngọc vậy.
Ngọc có ngũ đức như vậy, nên Khổng Tử mới nói: “Quân tử tỷ đức ư ngọc”, nghĩa là người quân tử so sánh đức của mình với ngọc. Đó chính là năm đức: nhân, nghĩa, trí, dũng, khiết. Thời xưa, quân vương vô đức không được chôn ngọc bội cùng khi mai táng.
Trong “Quốc phong – Tần phong – Tiểu nhung” viết rằng: “Ngôn niệm quân tử, ôn kì như ngọc”, lời nói và suy nghĩ của bậc quân tử giống như ngọc quý. Khi nghĩ tới một người quân tử, trước tiên là nghĩ tới tác phong ôn hòa như ngọc của họ.
Trong “Lễ Ký – Sính Nghĩa” chép chuyện Tử Cống thỉnh giáo Đức Khổng Tử: “Tại sao người quân tử lại coi trọng ngọc mà coi nhẹ đá?”
Khổng Tử đáp đại ý rằng: Mỹ đức của các bậc quân tử từ xưa tới nay vẫn luôn được so sánh với ngọc, vì ngọc ấm áp, trơn bóng sâu lắng, được so sánh với chữ Nhân. Sự toàn vẹn, rắn chắc của ngọc, chỉ có thể so với Trí huệ. Ngọc có góc cạnh nhưng không làm tổn thương con người, được so sánh như lòng chính Nghĩa. Ngọc sau khi gia công thành món đồ trang sức nghiêng mình, được so sánh với sự Lễ phép. Gõ nhẹ vào ngọc ta sẽ nghe thấy thanh âm trong trẻo du dương, vang vọng đến cuối cùng lại cao vút và dừng lại, âm thanh này được so sánh với sự êm ái dịu dàng của Âm nhạc. Ngọc vừa không muốn phô trương những ưu điểm, cũng không che dấu khuyết điểm, không vì chỉ nhìn vào khuyết điểm mà che mất đi ưu điểm, điều này được sánh với lòng Trung thành. Vẻ rực rỡ lấp lánh trước sau như một của ngọc được ví với sự đáng tin cậy, chữ Tín cao quý của người quân tử. Ẩn sâu bên trong ngọc bội có khí sắc như trắng như hồng, được ví như sự tương thông với tinh hoa của Trời. Vị trí cây cỏ xanh tốt của rừng núi nơi sản sinh ra ngọc quý dường như đang chắt lọc, tương thông với tinh hoa của Đất. Đây chính là phẩm chất tao nhã, đẹp đẽ của ngọc, nên người quân tử mới coi trọng ngọc như vậy.
Trong “Thi kinh – Vệ phong – Khấp áo” có câu: “Sự nho nhã của người quân tử giống như một viên ngọc quý đã qua cắt gọt, mài dũa một cách chi tiết cẩn thận”. Phẩm chất đạo đức tốt đẹp của bậc quân tử là nhờ thông qua tiếp thu đạo lý thánh nhân và tu dưỡng tự thân mới có thể đạt được.
Vậy nên Trong “Lễ ký – Ngọc tảo” mới viết: “Bậc quân tử khi xưa ai cũng đeo ngọc, và đó là vật bất ly thân của họ”. Ngọc có ngũ đức, người quân tử mang ngọc bên mình như một lời nhắc nhở bản thân cần không ngừng tu dưỡng, đạt tới cảnh giới tinh thần cao thượng.
Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm tổng hợp
Xem thêm:
Mời nghe radio:
Từ khóa Quân tử tu dưỡng đạo đức ngọc quý