Người thiện tâm có lòng dạ bao dung, không oán hận người khác
- An Hòa
- •
Trong cuộc sống nếu một người bị lừa gạt, hãm hại, hoặc bị mất mát điều gì thì thông thường sẽ oán hận, sẽ tìm cách vạch trần thủ phạm. Nhưng người thiện tâm, nhân từ, đức hạnh khi đứng trước mọi việc lại thường bình tĩnh, suy xét trước sau một cách thấu đáo, nghĩ cho người khác nhiều hơn nghĩ cho bản thân. Đôi khi điều đó khiến người đời tưởng rằng họ nhu nhược, hèn kém, nhưng kỳ thực đó là thể hiện của lòng bao dung, không oán không hận.
Học trò của Khổng Tử là Tử Cống từng hỏi ông rằng: “Thưa thầy! Có hay không có một chữ mà có thể làm nguyên tắc khiến con người cả đời làm theo?” Khổng Tử nói: “Chính là chữ ‘Thứ’. Chữ ‘Thứ’ này chính là mang ý nghĩa khoan dung, độ lượng.”
Một vị học trò khác của Khổng Tử là Nhan Hồi cũng từng nói: “Nhân thiện ngã, ngã diệc thiện chi, nhân bất thiện ngã, ngã diệc thiện chi”, nghĩa là người đối tốt với ta, ta cũng đối tốt với người; người không đối tốt với ta, ta vẫn đối tốt với người. Như vậy mới chính là thiện tâm.
Người xưa chú trọng vào tu thân dưỡng tính, lúc nào cũng chú trọng kiểm tra lại bản thân mình, đồng thời có thể dùng lòng khoan dung mà lượng thứ cho khuyết điểm của người khác. Điều đó không chỉ khiến cho đức hạnh của bản thân mình có thể nâng cao lên mà còn có thể cảm hóa, thiện hóa người khác.
Vương Dương Minh là một nhà hiền triết lỗi lạc của triều Minh. Ông là người văn võ song toàn, tinh thông thư pháp, quân sự, giáo dục, văn học, triết học, có ảnh hưởng sâu rộng ở cả Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam. Cha của ông là Vương Hoa, tuy không có nhiều thành tựu như ông, nhưng lại nổi tiếng vì lòng bao dung đức độ. Người ta nói rằng chính đức hạnh của Vương Hoa đã giáo dưỡng nên một Vương Dương Minh tài giỏi như vậy.
Vương Hoa thi đỗ Trạng nguyên, làm quan tới chức Lễ bộ Thị lang, là người trung hậu và rất có tiết tháo. Thời kỳ Vương Hoa còn làm quan, có người đã hãm hại ông bằng cách dùng việc xấu mà người khác làm để vu oan cho ông. Rất nhiều người là quan lại và bạn bè đều khuyên ông nên biện bạch để làm sáng tỏ việc này. Đồng thời họ khuyên ông nên tìm ra người đã làm chuyện này, vạch trần họ.
Nhưng Vương Hoa sau khi nghe lời khuyên ấy thì nói: “Đây là việc mà một người bạn học cùng tôi đã làm. Nếu tôi biện bạch làm sáng tỏ thì chính là vạch trần việc riêng và lỗi lầm của bạn mình”. Vì thế, Vương Hoa trước sau đều không nói rõ việc ấy.
Sau này Vương Dương Minh lên kinh thành nhậm chức. Ông nghe được rất nhiều lời thảo luận và định dâng tấu lên Hoàng đế để nói rõ sự tình.
Vương Hoa biết tin liền vội vàng gửi thư cho con trai, ngăn không cho con làm như vậy. Trong thư, Vương Hoa viết: “Nếu con vạch trần việc riêng và lỗi lầm của bạn cha thì đó là sỉ nhục lớn đối với cha.”
Vương Dương Minh đọc xong lời khuyên bảo thì lập tức hủy bỏ ý định biện giải thay cha mình.
Thời nhà Thanh có một vị quan tên là Đào Chú, người huyện An Hóa, tỉnh Hồ Nam, được Hoàng đế Đạo Quang triều nhà Thanh rất trọng dụng. Ông từng đảm nhận chức quan Hàn Lâm Viện, sau đó được thăng lên làm Ngự sử, sau làm Thái tử Thiếu bảo, Lưỡng Giang tổng đốc.
Mấy đời nhà Đào Chú đều nổi tiếng về lòng bao dung. Cụ của Đào Chú là Hành Công từng bị trộm gạo vào một ngày lạnh giá. Lúc ấy Hành Công đã sớm phát hiện và lần theo dấu tuyết, đi đến cửa nhà người này. Hành Công biết rõ người này nên thông cảm cho gia cảnh nghèo khó của họ, lặng lẽ quay về nhà.
Sự việc ấy ông không bao giờ nhắc tới một lần nào trong đời. 30 năm sau, vợ của ông kể chuyện này với con cháu để con cháu noi gương học tập, nhưng cũng tuyệt nhiên không nhắc đến tên của kẻ trộm.
Hàn Kỳ là tể tướng triều Bắc Tống, tính tình nồng hậu chất phác, lại có tấm lòng khoan dung rộng lớn. Ông từng nói: “Muốn thành việc lớn phải nhẫn việc nhỏ”.
Khi Hàn Kỳ đóng quân ở Định Châu, có một lần ông ngồi viết thơ vào buổi tối nên đã gọi một binh sĩ cầm nến đứng bên cạnh để chiếu sáng. Binh sĩ này mải nhìn đi chỗ khác nên sơ suất làm cây nến bị nghiêng và cháy vào tóc của Hàn Kỳ, Hàn Kỳ lấy tay áo dập lửa rồi lại tiếp tục viết thơ.
Một lát sau, ông quay lại nhìn thì phát hiện ra người cầm nến bên cạnh đã được đổi thành người khác. Vì sợ viên quan chủ quản sẽ trách phạt binh sĩ kia nên ông vội vàng gọi viên chủ quản đến và bảo: “Không cần đổi người, anh ta hiện tại đã biết cách cầm nến rồi”. Từ đó về sau, quan binh ai nấy đều bội phục tấm lòng khoan dung độ lượng của Hàn Kỳ.
Lúc Hàn Kỳ lưu lại ở phủ Đại Danh, có người tặng ông hai chiếc chén ngọc vô cùng quý giá thuộc loại cực phẩm, Hàn Kỳ liền dùng bạch kim để cảm ơn người tặng chén ngọc. Hàn Kỳ vô cùng yêu thích đôi chén ngọc, mỗi khi có tiệc đãi khách, ông đều sai người sửa soạn một chiếc bàn phủ gấm vóc rồi đặt đôi chén ngọc lên trên để mọi người cùng chiêm ngưỡng.
Một hôm, Hàn Kỳ mở tiệc thiết đãi các quan lại quản lý thủy vận. Khi đang chuẩn bị mang đôi chén ngọc ra để rót rượu mời khách thì đột nhiên một người đầy tớ không cẩn thận xô vào chiếc bàn khiến đôi chén ngọc rơi xuống đất vỡ tan. Khách khứa trong nhà thảy đều kinh hãi, còn người đầy tớ kia thì run rẩy phủ phục dưới đất chờ chịu phạt.
Hàn Kỳ sắc mặt không đổi, cười bảo các vị quan khách: “Bất luận là vật gì cũng đều có quy luật tồn vong”. Ông lại quay sang nói với người đầy tớ: “Ngươi là do sơ suất mà gây ra, cũng không phải cố ý, đâu phải là tội lỗi gì?”. Các vị quan khách trước sự khoan dung độ lượng của Hàn Kỳ đều bội phục mãi không thôi.
Thời Hàn Kỳ đảm nhận chức Tể tướng, ông luôn chú ý tới các bản tấu được gửi đến. Nếu thấy có những tấu trình công kích vạch trần lẫn nhau với lời lẽ ác ý, Hàn Kỳ đều giữ kín, không bao giờ để cho người khác thấy được. Nhờ đó mà mối quan hệ của mọi người trong triều được hòa thuận hơn.
Cổ nhân giảng: “Bất công nhân đoản, mạc căng kỷ trường”, không vạch trần thiếu sót của người khác, không kiêu căng với sở trường của mình. Đây luôn là cách đối nhân xử thế, là mỹ đức của con người. Đối xử với những vấn đề mang tính cá nhân, không làm phương hại đến chính đạo thì bao dung và nhẫn nại chính là lựa chọn tốt nhất.
Trong cuộc sống không ai là không có sai lầm, không ai là không có thiếu sót. Nếu chỉ nhìn vào lỗi lầm và thiếu sót của người khác thì chẳng những vô ích đối với bản thân mà còn khiến người khác bị tổn hại. Cuộc đời này đáng quý nhất không phải là “không sai”, mà đáng quý nhất là sửa chữa sai lầm, ăn năn hối lỗi. Bởi thế người quân tử thiện tâm, mở rộng tấm lòng, khiêm tốn ôn hòa, thành tâm thành ý đối đãi với người khác, cho người khác khoảng không để nắn sửa hành vi của mình. Họ có sức mạnh cảm hóa người khác.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa khoan dung Văn hóa truyền thống Đạo đức Đọc chuyện xưa ngẫm chuyện nay Người thiện tâm