Người thực sự tốt theo cách nhìn nhận của cổ nhân
- An Hòa
- •
Bàn về người như thế nào là người thực sự tốt, cổ nhân có cái nhìn rất sâu sắc, không chủ quan dựa vào các yếu tố bên ngoài, cũng không bị tình cảm chi phối mà đưa ra đánh giá. Về vấn đề này, chúng ta có thể học hỏi được rất nhiều thông qua cách nhìn nhận của Khổng Tử và Mạnh Tử.
Trong “Tử Lộ thiên” viết rằng: Có một lần Tử Cống hỏi Khổng Tử: “Thưa thầy! Một người luôn được dân làng quý mến, hơn nữa họ còn không ngớt lời tán dương anh ta, người này được nhận định là người như thế nào ạ?”
Khổng Tử đáp: “Không thể khẳng định người này chắc chắn là người tốt được”.
Tử Cống lại hỏi: “Vậy một người mà ai ai trong làng cũng đều chán ghét, oán thì được nhận định là người như thế nào ạ?”
Khổng Tử lại đáp: “Cũng không thể khẳng định người này chắc chắn là một người xấu được. Người thực sự tốt là người được tất cả người tốt trong làng yêu quý, còn những người xấu trong làng thì đều chán ghét anh ta.”
Có thể thấy, Khổng Tử coi những người nhìn như “người tốt”, cẩn trọng trung thực, hiền hòa dễ gần nhưng họ lại thiện ác bất phân, phải trái lẫn lộn, ở cùng với những người “ngụy quân tử”, thì kỳ thực không phải là kiểu người tốt.
Trong cuốn “Mạnh Tử. Tận tâm hạ“ cũng có đoạn bàn luận về người thực sự tốt. Trong đó viết rằng, học trò Vạn Chương của Mạnh Tử là một người rất ham học hỏi. Nhưng về việc thế nào là một người tốt thực sự thì vốn dĩ anh ta vẫn chưa thấu tỏ, vì vậy anh ta đã thỉnh giáo Mạnh Tử.
Vạn Chương hỏi: “Thưa thầy, trong thôn kia dân làng đều nói Hương Nguyện là một người tốt, có tư chất nho nhã, lại thường khen ngợi người khác, không bình phẩm điểm tốt điểm xấu của người cũng không nói chuyện thị phi, hơn nữa lại chưa từng đắc tội với ai. Vậy tại sao đức Khổng Tử lại cho rằng anh ta là một người xấu, còn nói Hương Nguyện là ‘kẻ trộm đức’, nguyên cớ là vì đâu?”
Mạnh Tử đáp lại: “Loại người này, con muốn nói ra điểm không tốt của anh ta, nhưng dường như lại không tìm được chứng cứ. Con muốn chỉ trích anh ta, cũng lại dường như không tìm ra được cách nào. Kỳ thực người này khiến bản thân giống như một người trung thành trung thực, hành vi giống như thanh khiết liêm chính, mọi người đều yêu quý anh ta, bản thân anh ta cũng nghĩ rằng mình khá lắm. Nhưng thực tế, những việc anh ta làm, những điều anh ta nghĩ đều không phù hợp với Đạo, vậy nên mới nói anh ta là kẻ làm bại hoại đạo đức con người”.
Mạnh Tử còn nói ông chán ghét những thứ tự thị nhi phi (thấy vậy mà không phải là vậy), hoa ngôn xảo ngữ vì e rằng chúng làm thác loạn chính nghĩa; chán ghét những lời khoa trương, khoe khoang vì e rằng chúng làm rối loạn những lời chân thật; chán ghét những người ba phải vì họ làm hỗn loạn tiêu chuẩn đạo đức. Đối với người quân tử thì tất cả những việc họ làm đều là đưa mọi thứ trở về con đường chính đạo.
Hương Nguyện là một người rất thông minh. Đối với việc đối nhân xử thế và các khía cạnh trong cuộc sống, anh ta đều rất nhạy bén. Trong tâm anh ta chỉ một mực muốn làm hài lòng người khác, xây dựng cho mình một hình ảnh trung thực thành thật, không tranh với đời, từ đó lừa gạt hảo cảm của người khác đối với anh ta.
Những điều anh ta làm đều là hy vọng người khác công nhận anh ta là người tốt. Trước mặt người khác thì biểu hiện của anh ta đều là thành thực, tốt đẹp, nhưng thực chất lại không dám nói lời thật, không dám nói chuyện đúng sai, biểu hiện có vẻ là tốt nhưng kỳ thực là cùng dòng chảy với người xấu, không có lợi ích gì với quốc gia đất nước, cho nên Khổng Tử gọi anh ta là kẻ trộm đức.
Người thực sự có đạo đức có tu dưỡng là người cương trực chính nghĩa, làm người thản đãng, làm việc đường hoàng ngay chính, không bị mê hoặc bởi cám dỗ nơi thế tục, cũng không thuận theo dòng chảy bại hoại của xã hội, trước sau đều giữ được chính kiến chính tín của bản thân mình. Họ dùng chính tâm, chính niệm, chính trực, chính khí để xử thế, đối đãi với người khác, tuyệt nhiên không nịnh hót, không làm người hai mặt, biết phân rõ thị phi, thiện ác.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Quân tử Mạnh Tử Người tốt Khổng Tử