Người xưa dạy con: Đổ mồ hôi của mình, ăn cơm do mình làm ra
- An Hòa
- •
Mong muốn con cái lớn lên khỏe mạnh, thành đạt là tâm nguyện của các bậc cha mẹ xưa nay. Vì vậy, nhiều người cố gắng hết sức tạo điều kiện vật chất tốt nhất cho con cái để chúng lớn lên khỏe mạnh, hạnh phúc. Nhưng nếu cha mẹ không khéo thì cũng dễ tạo thành yêu chiều quá mức, vô hình trung cản trở việc bồi dưỡng và phát huy năng lực của bản thân trẻ. Về vấn đề này, cách dạy con của Trịnh Bản Kiều có thể cho thấy một ví dụ sinh động.
Trình Bản Kiều tên thật là Trịnh Tiếp, tự là Khắc Nhu, hiệu là Bản Kiều, là thư pháp gia, họa sĩ, thi nhân nổi tiếng thời nhà Thanh. Ông sinh ra trong một gia đình dòng dõi Nho học. Ngay từ khi lên 3 tuổi, Trịnh Bản Kiều đã được cha dạy chữ, viết chữ. Năm lên 8 tuổi, ông bắt đầu học viết văn, làm câu đối. Trịnh Bản Kiều thông minh hiếu học lại có tư chất tự nhiên nên ở các phương diện hội họa, thư pháp, thơ ca, ông đều đạt đến trình độ rất cao. Ông đặc biệt yêu thích vẽ tranh tre trúc và có phong cách độc đáo. Thơ ca, thư pháp và hội họa của ông được mệnh danh là “Tam tuyệt”, bản thân ông cũng được mệnh danh là một trong “Dương Châu bát quái” và rất nổi tiếng vào thời bấy giờ.
Trịnh Bản Kiều từng đỗ tiến sĩ và làm quan địa phương. Ông chính trực trung hậu, thanh chính liêm khiết, tận tâm tận sức với công việc và thương yêu dân chúng. Trịnh Bản Kiều từng có mấy năm làm quan ở Sơn Đông và khi ông rời chức vị này chỉ có mang theo hành lý và sách, không có một chút tài vật tích góp gì, thậm chí còn không có xe ngựa mà chỉ cưỡi con lừa. Khi ông rời đi, dân chúng lưu luyến không rời, đứng chật hai bên đường đưa tiễn. Nhân phẩm của Trịnh Bản Kiều cao thẳng như những cây trúc mà ông vẽ. Chính vì có nhân phẩm như vậy nên ông cũng có những yêu cầu rất nghiêm khắc trong việc giáo dục con cái.
Trong cuốn “Duy huyện thự trung dữ xá đệ mặc đệ nhị thư” có ghi chép về điều này. Trịnh Bản Kiều mãi đến năm 52 tuổi mới có được con trai, đặt tên là Trịnh Lân. Tuổi đã cao mới có con trai nên ông vô cùng mừng rỡ. Tuy vui mừng và rất yêu quý con nhưng ông lại vô cùng coi trọng việc giáo dục con, không chỉ chú trọng giáo dục về văn hóa hàng ngày mà càng coi trọng giáo dục về phẩm chất đạo đức. Bởi vì Trịnh Bản Kiều được phái đến huyện Duy, Sơn Đông làm quan tri huyện nên con trai Trịnh Lân ở nhà do mẹ và chú chăm sóc dạy bảo. Trịnh Bản Kiều lo lắng rằng mọi người trong nhà sẽ yêu chiều con trai quá mức nên đã gửi thư về cho em trai.
Trong thư viết rằng: “52 tuổi mới có con trai, làm sao không thể yêu nó được? Nhưng yêu cũng phải có đạo, ngay cả khi chơi đùa cũng phải chú ý dạy dỗ nó trở thành người trung hậu, tốt bụng và nhân ái, đừng để nó trở thành một người xấu tính và thiếu kiên nhẫn“, “phải bồi dưỡng con trở thành người trung hậu, trừ bỏ tận gốc tính tàn nhẫn, không thể vì nó là cháu mà dung túng và nuông chiều nó. Con cái của người hầu trong nhà đều là người nên phải được quý trọng như nhau, đừng để con trai ta bắt nạt hay ngược đãi chúng. Tất cả cá, thịt, trái cây, đồ ăn khác đều phải được chia đều để mọi người cùng vui vẻ. Nếu đồ ăn ngon chỉ để một mình con trai ta ăn, con của người hầu đứng một bên nhìn thì cha mẹ chúng nhìn thấy sẽ rất thương xót mà không có cách nào đành phải bảo chúng rời đi. Tình cảnh ấy chẳng phải khiến lòng người đau như bị dao cắt”.
Ông còn viết rằng: “Việc học tập đỗ tiến sĩ làm quan đều là chuyện nhỏ, điều quan trọng nhất là phải hiểu đạo lý làm một người tốt. Đệ có thể đọc bức thư này cho hai chị dâu của mình nghe để họ hiểu rằng đạo lý yêu thương con nằm ở chỗ dạy chúng làm người chứ không phải ở chỗ được làm quan”.
Từ nội dung trong lá thư Trịnh Bản Kiều gửi cho em trai mình có thể thấy mục tiêu giáo dục con của ông không phải ở việc đỗ đạt và làm quan mà trước tiên phải làm một người tốt lương thiện và trung hậu.
Về sau này Trịnh Bản Kiều đã chuyển cả gia đình đến sống ở nơi ông làm việc nhưng bởi vì con trai ông chết yểu nên ông đã nhận Trịnh Điền, con của em trai mình làm con thừa tự. Ông đã dốc lòng dạy bảo Trịnh Điền với những yêu cầu rất nghiêm khắc. Ngoài việc đích thân mình dạy Trịnh Điền đọc sách, đốc thúc con học thuộc thơ ca ra, ông cũng khuyến khích con làm việc nhà trong khả năng của mình. Lúc Trịnh Điền 12 tuổi, ông đã cho con tự đi gánh nước về để rèn luyện cho con khả năng tự lập.
Trước khi lâm chung, Trịnh Bản Kiều bị bệnh nặng phải nằm trên giường. Ông đã gọi Trịnh Điền đến và nói muốn ăn bánh bao do chính tay Trịnh Điền làm. Trịnh Điền đồng ý làm nhưng trong lòng rất lúng túng và lo lắng vì chưa biết làm bánh bao. Trịnh Bản Kiều đã bảo con đi hỏi đầu bếp. Trịnh Điền liền đến gặp đầu bếp để học cách làm bánh. Sau khi cố gắng hết sức, Trịnh Điền đã tự tay làm được bánh bao dâng lên cho cha. Nhưng khi Trịnh Điền mang đến thì Trịnh Bản Kiều đã vĩnh biệt cõi đời. Tuy nhiên, Trịnh Bản Kiều đã để lại di ngôn cho con: “Thảng tự kỷ đích hãn, cật tự kỷ đích phạn, tự kỷ đích sự tự kỷ kiền, kháo thiên, kháo đích, kháo tổ tông, bất toán thị hảo hán!”, ý nói phải sống tự lực cánh sinh, đổ mồ hôi của mình, ăn cơm do chính mình làm, việc của mình phải tự mình làm, nếu cứ ỷ lại vào vận khí trời đất, ỷ lại vào tổ tông cha mẹ thì không thể được coi là người tốt.
Tác giả: Lâm Lâm
An Hòa biên tập
Mời xem video:
Từ khóa Phương pháp dạy con của bậc hiền nhân xưa