Nguyên do thời cổ lấy số “cửu” và “ngũ” để chỉ Thiên tử
- An Hòa
- •
Trong các tác phẩm tiểu thuyết hay phim ảnh chúng ta thấy các bậc đế vương thời cổ đại thường được gọi là “chân long thiên tử, cửu ngũ chi tôn”. Tại sao lại gọi Thiên tử là “cửu ngũ chi tôn” hay “cửu ngũ chí tôn”? Lấy hai số cửu và ngũ để chỉ Thiên tử là có ý nghĩa gì?
Gọi Thiên tử là “Cửu ngũ” là có xuất xứ từ “Kinh dịch”. Trong “Kinh dịch” có 64 quẻ, quẻ Càn là quẻ đứng đầu. Càn tượng trưng cho trời, mang ý nghĩa “nguyên, hanh, lợi, trinh”, là cực dương cực thịnh. Trong quẻ Càn có hào “Cửu ngũ”, tức là hào thứ 5 vừa trung vừa chính, là hào tốt nhất. Bởi vậy, người ta dùng “Cửu ngũ” để chỉ địa vị của Thiên tử.
Ngoài ra, hào từ ở hào Cửu ngũ của quẻ Càn là “phi long tại thiên” (rồng bay tại trời). Khổng Dĩnh Đạt thời nhà Đường giải thích rằng: “Cửu ngũ, dương khí thịnh tới tận trời, cho nên mới nói rồng bay trên trời. Đây là tượng tự nhiên, giống như bậc thánh nhân có đức của rồng, bay vút lên mà ở nơi trời”. Rồng là con vật có địa vị cao quý, tượng trưng cho Thiên tử trong văn hóa truyền thống. Vì vậy mà gọi Thiên tử là “Cửu ngũ”. Cũng chính vì các con số 9 và 5 mang ý chỉ Thiên tử nên nó được sử dụng nhiều trong kiến trúc thời xưa, đặc biệt là kiến trúc cung đình.
Còn có một thuyết pháp khác cho rằng, trong số học thời cổ đại có phân thành số âm và số dương. Các số chẵn 2,4,6,8,10 là số âm, số lẻ 1,3,5,7,9 là số dương. Trong đó, số 9 là số dương lớn nhất, có địa vị tôn quý nhất. Số 5 là số dương ở giữa, có vị trí trung tâm nhất, mang ý nghĩa điều hòa, hòa hợp nhất. Hai số này hợp lại “Cửu ngũ” có ý nghĩa vừa tôn quý, vừa hòa hợp, vô cùng cát tường nên nó là biểu tượng thích hợp nhất cho Thiên tử.
Trong mỗi quẻ của Kinh Dịch đều có 6 hào, từ dưới hướng lên trên là Hào sơ, Hào nhị, Hào tam, Hào tứ, Hào ngũ, Hào thượng. Có thể thấy, Hào thượng là ở vị trí trên cao nhất, tiếp đến mới là Hào ngũ. Vậy vì sao lấy “Cửu ngũ” là địa vị tôn quý nhất đại biểu cho Thiên tử mà không phải là “Thượng cửu”?
Hào từ của Cửu hào trên quẻ Càn là: “Kháng long hữu hối, doanh bất khả cửu dã”. “Kháng” ở đây có nghĩa là cao, vượt quá, “kháng long” nghĩa là rồng bay quá cao. “Hữu hối” có ý nghĩa là có hối hận. “Kháng long hữu hối”, ý nói rồng bay quá cao, bay đến đỉnh điểm rồi không xuống được nữa thì sẽ có hối hận. “Doanh bất khả cửu” tức là thịnh quá thì tất sẽ suy, đầy thì không được lâu dài. Đây là đạo lý của thiên địa âm dương. Trạng thái của con người và sự vật là không cố định, không thể ở địa vị cao mãi được, vật cực tất phản, đạt đến trạng thái đầy đủ rồi thì sẽ dần dần phải tiêu giảm dần đi.
Dương tiêu âm trưởng, âm tiêu dương trưởng chính là hiện tượng tự nhiên trong trời đất, đó cũng là một trong những lý luận nền tảng của Kinh Dịch. Vị trí “Cửu ngũ” hướng lên trên, khi đạt đến vị trí cao rồi thì cũng phải đối mặt với giai đoạn âm trưởng bắt đầu. Quân chủ khi đạt đến vị trí tối cao mà sinh tâm tự cao tự mãn, không để ý tu đức, không cảnh giác với chính bản thân mình, không tiếp nhận lời can gián của hiền thần, trong mắt không để ý đến sự sống chết của dân chúng thì sẽ có họa diệt vong. Cho nên mới nói “Thượng cửu” là hiểm vị, hung vị, tức là vị trí không tốt đẹp. Hay nói cách khác, “Chí cao vô thượng” là không cát tường.
Các bậc minh quân thời xưa khi đạt đến địa vị Ngũ cửu thì đều nhắc nhở bản thân phải luôn nhìn nhận lại bản thân để phòng ngừa sai lầm. Hoàng đế Đường Thái Tông khai sáng nhà Đường huy hoàng thịnh thế làm quân vương luôn thận trọng như đứng trước vực sâu, như đi trên băng mỏng, như ngồi trên xe ngựa cũ. Ông dùng ba tấm gương sáng để răn mình, ngăn ngừa bản thân phạm sai lầm. Ông nói: “Lấy đồng làm gương thì có thể chỉnh sửa lại mũ áo; lấy lịch sử làm gương thì có thể biết được thịnh suy đổi thay; lấy người làm gương thì có thể minh bạch được mất”.
Các bậc thiên tử thời cổ đại, là “Cửu ngũ chi tôn” đều hiểu được rằng nhờ sự ủy thác của trời, vâng mệnh trời mà có được thiên hạ, cho nên họ không phải là tối cao vô thượng, bên trên còn có trời cao. Họ luôn biết rằng mỗi hành vi việc làm của bản thân đều có trời cao bên trên theo dõi. Là bậc Đế vương phải thuận theo ý chỉ của trời, dưỡng dục thiên hạ, phải thời thời khắc khắc khiêm tốn, kiểm điểm lại chính mình, kính trời yêu dân, chính trực không tư lợi, không ham hưởng lạc thì đức hạnh mới có thể chiếu sáng bốn phương như mặt trời mà được lòng dân chúng.
Thánh quân thời cổ đại đều là những người như vậy, lấy “Cửu ngũ chi tôn” làm đạo để răn dạy mình không tự cao tự mãn, hết lòng vì dân chúng mà thành tựu được đại nghiệp, được lưu danh thiên cổ.
Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Từ khóa Thiên tử Thiên mệnh đế vương