Họ Nguyễn Gia thôn Liễu Ngạn, Bắc Ninh, là dòng họ danh gia vọng tộc thời Lê Trung Hưng, nhiều đời đều là võ tướng, được phong hầu, phong quận công, là những nhân tài phụng sự cho Triều đình.

Phạm Ngũ Lão: Từ người nông dân thành danh tướng, con rể Hưng Đạo Vương
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, báo Bình Phước Online)

Nguồn gốc

Theo “Nguyễn Gia phả ký”, nguồn gốc dòng họ Nguyễn Gia thôn Liễu Ngạn là từ họ Nguyễn ở làng Gia Miêu, huyện Tống Sơn nay là huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.

Khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê lập ra nhà Mạc, Nguyễn Kim sang Ai Lao tập hợp binh mã nhằm khôi phục nhà Lê. Nguyễn Kim có người em họ là Thị đương hầu Nguyễn Hựu cũng đi theo sang Ai Lao. Nguyễn Hựu lấy vợ người làng Liễu Chử thuộc tổng Liễu Lâm (nay là thôn Liễu Ngạn, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh).

Khi quân đã mạnh, Nguyễn Kim cho quân đánh chiếm được vùng đất phía nam, đưa Lê Trang Tông lên ngôi, lịch sử gọi là Nam triều. Nguyễn Kim trở thành Thái sư nắm trong tay toàn bộ quân đội.

Năm 1545, Nguyễn Kim bị Quan Tổng Trấn nhà Mạc là Dương Chấp Nhất trá hàng rồi đầu độc giết chết.

Nguyễn Hựu liền cho con trai là Nguyễn Xiến đưa gia đình về quê ngoại làng Liễu Chử nhằm gìn giữ nòi giống, từ đó họ Nguyễn làng Gia Miêu có thêm nhánh ở làng Liễu Chử. Nguyễn Hựu dặn con thời điểm này không nên tham dự chính sự. Để ghi nhớ gốc tích khi đặt tên cho con cháu thì đặt tên lót là “Gia” sau họ Nguyễn để biết gốc tích từ làng Gia Miêu.

Con cháu Nguyễn Gia nhớ lời dặn tổ phụ, chỉ lo học hành, rèn võ nghệ chờ thời giúp nước.

Quận công đầu tiên

Năm 1652, dòng họ Nguyễn Gia có người con trai đặt tên là Nguyễn Gia Đa, bắt đầu đời thứ 6. Nguyễn Gia Đa học võ từ nhỏ, lớn lên phò giúp nhà Lê, giữ chức Đô hiệu điểm quản cấm binh. Nhờ lập công lớn, ông được phong làm Bỉnh quận công, lúc mất được dân thờ làm Á Thần.

Nguyễn Gia Đa có người vợ là Nguyễn Thị Mễ người làng Thanh Tương, Thuận Thành, Bắc Ninh. Bà là người có công nuôi dưỡng chúa Trịnh Cương lúc nhỏ nên được phong làm Quốc Thái phu nhân. Bà rất quan tâm và yêu thương dân chúng, cấp cho 12 xã thuộc tổng Liễu Lâm, mỗi xã một giành bạc, năm mẫu ruộng cùng một ít tiền. Cả 12 xã đều thờ bà làm Hậu Thần (thường gọi là bà Hậu Khe). Suốt 12 năm từ năm 1702 đến 1714, bà đi khắp nơi xây đình, dựng chùa, tô tượng, góp một phần công sức vào việc mở rộng chùa Hàm Long, tôn tạo lại chùa Dâu.

Ba con trai làm quận công

Hai vợ chồng Nguyễn Gia Đa có người con trưởng là Nguyễn Gia Châu, trở thành võ tướng, cầm quân trấn thủ nhiều nơi nên hay được gọi là “Chúa lưu đồn”. Đặc biệt có thời gian ông làm Thống suất Nghệ An, chỉ huy quân đội phòng thủ tuyến biên giới với Đàng Trong.

Nguyễn Gia Châu thực hiện chính sách hòa hảo với Đàng Trong nhờ có quan hệ máu mủ với chúa Nguyễn, nhờ đó mà Đàng Trong và Đàng Ngoài có được quãng thời gian dài yên bình. Triều đình thưởng ông áo bào xanh vẽ rồng năm ngón, nay hiện vật này vẫn còn được lưu giữ trong đền thờ.

Ông giữ chức tổng chỉ huy quân đội, phụng sự qua 3 đời Vua, nên các quan trong Triều tặng ông câu đối:

Nhất đại tôn thần thiên hạ hữu,
Tam triều thống suất thế gian vô.

Dịch nghĩa:

Một đời phụng sự hoàng gia thì có,
Ba triều tổng chỉ huy quân đội thì không.

Câu đối này nay còn được treo ở bàn thờ ông ở đình làng Liễu Ngạn.

Cũng như mẹ của mình, Nguyễn Gia Châu rất thương người, năm nọ có 5 thuyền buôn nước ngoài bị bão ngoài biển, vài trăm người dạt vào biển nước ta kêu cứu. Nguyễn Gia Châu không chỉ cứu họ, cung cấp lương thực nước uống, mà còn cho đóng thuyền tốt, mang đầy đủ thức ăn nước uống lên thuyền cho họ, trước khi tiễn họ về nước còn tặng rất nhiều sản vật trong nước. Những người ngoại quốc khi lên thuyền về nước cảm kích ông mãi không thôi.

5 năm sau, những người nước ngoài này quay lại tìm gặp ông, nhắc lại chuyện xưa cảm kích, lại tặng ông nhiều vàng bạc, nhưng ông nhất quyết từ chối không nhận. Cuối cùng vì nể tình nên ông đành lấy một chút để nhận tấm lòng, rồi sau đó đem tặng Chúa thượng. Chuyện này khiến rất nhiều người khâm phục tư cách đạo đức của ông.

Nguyễn Gia Châu cũng góp công sức xây dựng đình đền chùa ở Liễu Ngạn, tiếc là nhiều công trình kiến trúc này bị tàn phá trong chiến tranh với Pháp.

Khi mất ông được làm Thành Hoàng của làng Liễu Chử, được Triều đình phong tặng Siêu Quận Công và gia tặng 5 tước bậc “chi thần” khác: Hiển Liệt chi thần, Chương Trung chi thần, Mậu Tích chi thần, Đoan Túc chi thần và Dục Bảo trung hưng chi thần.

Em của Nguyễn Gia Châu là Nguyễn Gia Chân làm Đô chỉ huy sứ, được phong Kỳ Quận Công. Em út là Nguyễn Gia Kiêm làm Thượng thư bộ Công, được phong Thuận quận công.

Cả gia đình cha và 3 người con trai đều giữ chức vụ lớn, được phong Quận công, là điều rất hiếm có trong lịch sử, vì thế mà người thời đó có câu:

Ai về Liễu Ngạn mà trông,
Một nhà có bốn Quận công triều đình.

Cháu chắt được phong hầu

Nguyễn Gia Châu có người con trai là Nguyễn Gia Ngô làm quan võ cấp cao, được phong Đạt Vũ hầu (tước Hầu nhỏ hơn một bậc so với tước Quận công), được chúa Trịnh Cương gả con gái là Quận chúa Quỳnh Liên. Hai vợ chồng có người con trai đặt tên là Nguyễn Gia Thiều.

Kế tục truyền thống võ tướng của gia đình, từ nhỏ Nguyễn Gia Thiều đã được học võ cùng trận pháp. Năm 1759 khi 18 tuổi ông bắt đầu tham gia quân đội với chức Hiệu úy. Đến năm 30 tuổi ông được thăng lên làm Tổng binh Đồng trị, được chúa Trịnh tin tưởng ban cho tước Ôn Như hầu.

Không chỉ giỏi cầm quân, Nguyễn Gia Thiều cũng am hiểu về văn học, lịch sử và triết học, tinh thông âm nhạc, hội họa và kiến trúc. Ông là tác giả của những bản nhạc nổi tiếng lúc đó như “Sơn trung âm”, “Sở từ điệu”. Ông cũng có bức họa “Tống sơn đồ” dâng Vua và được ban thưởng.

Nguyễn Gia Thiều còn thiết kế xây dựng tháp ở chùa Tiên Tích, cao 9 tầng, bốn góc đeo chuông, có màu vàng xanh rực rỡ. Tiếc rằng chiến tranh sau đó đã phá hủy mất tháp này.

Ông có rất nhiều tập thơ, nhưng nổi tiếng nhất là “Cung oán ngâm khúc” gồm 356 câu thơ Nôm làm theo thể “song thất lục bát”. Tác phẩm này nói về phẩm giá cao quý của người phụ nữ bị đối xử bất công trong xã hội.

Với nhiều đóng góp to lớn trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, Nguyễn Gia Thiều được xem là danh nhân, tên của ông được đặt cho nhiều con đường và trường học trên cả nước.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: