Các phái đoàn của Mỹ đã từng tới với mong muốn có được Hiệp định thương mại, nhưng điều gì đã khiến nhà Nguyễn vuột mất các cơ hội này?

Tổng thống Thomas Jefferson muốn có giống lúa ở Đàng Trong

Thomas Jefferson là người viết bản tuyên ngôn độc lập bất hủ cho Tổng thống George Washington đọc năm 1776, ông cũng là Tổng thống thứ ba của nước Mỹ, con của một chủ trang trại lớn.

Gia đình Thomas Jefferson có những trang trại lớn ở Carolina. Ông có thói quen tìm hiểu các giống lúa mới ở các nơi nhằm thay thế cho giống lúa trong nước đang thoái hóa, cải thiện đời sống của những người nô lệ.

Thomas Jefferson 01
Tổng thống Thomas Jefferson. (Ảnh: Rembrandt Peale, Wikipedia, Public Domain)

Năm 1788 khi làm Công sứ Mỹ ở Pháp, ông làm quen với một thương gia Pháp nhiều năm buôn bán nhiều nơi ở phương Đông tên là De Poivre. Vị thương gia này kể cho Jefferson về 3 giống lúa cạn đặc biệt mà chỉ ở Cochinchina (tên gọi Đàng Trong của người phương Tây) mới có.

Jefferson lập tức viết thư về trang trại nhà ông ở nam Carolina:

“Giống lúa cạn xứ Cochinchina có tiếng là nõn nà, thơm ngon, một sản vật tuyệt hảo. Giống lúa này hình như kết hợp những phẩm chất tốt đẹp của cả hai giống lúa mà chúng ta đã biết rồi. Giá chúng ta thuần chủng được nó thì sung sướng biết bao, bởi chúng ta có thể làm thay đổi những ao tù đọng có hại cho sức khỏe và cuộc sống con người…”.

Hoàng tử Cảnh quên mất lời hứa

Lúc này Hoàng tử Cảnh và Bá Đa Lộc đang ở Pháp mang theo quốc thư cầu viện của Nguyễn Vương. Thomas Jefferson nôn nóng tìm gặp được Hoàng tử Cảnh. Sau buổi gặp gỡ ông hồ hởi viết thư về quê nhà báo tin: “Tôi rất hi vọng sẽ tìm được giống lúa cạn xứ Cochinchina, vị hoàng tử trẻ tuổi của xứ sở này vừa mới rời nước Pháp đã cam đoan với tôi là sẽ gửi nó cho chúng ta…”

Nhưng sau khi Hoàng tử Cảnh và Bá Đa Lộc không cầu viện được nước Pháp thì đã trở về nước mà quên đi lời hứa với Jefferson. Tháng 3/1789, Jefferson phải nhờ một người Pháp tìm giúp “một trong những giống lúa cạn trồng ở Cochinchina, giống lúa không đòi hỏi thứ nước nào ngoài nguồn nước từ những cơn mưa thông thường”.

Tuy nhiên cũng trong năm 1789 Jefferson kết thúc nhiệm sở của mình ở Paris và trở về nước giữ chức vụ Ngoại trưởng Mỹ. Công việc bận rộn khiến ông không thể tìm được giống lúa ở Đàng Trong như mong ước.

Người Mỹ muốn được giao thương

Năm 1801, Thomas Jefferson trở thành vị Tổng thống thứ 3 của nước Mỹ. Ngay năm sau, thương thuyền của Mỹ đã đến Đàng Trong để tìm hiểu về giống lúa. Tháng 5/1803, thương thuyền do thuyền trưởng Brigg dẫn đầu đã cập cảng Đà Nẵng, đây là thương thuyền đầu tiên của Mỹ đến Việt Nam.

Lúc này ở Đàng Trong lịch sử đã thay đổi, nhà Nguyễn thống nhất Giang Sơn không còn phân chia Đàng Trong Đàng Ngoài nữa.

Quan hệ giữa triều Nguyễn và Mỹ - Một cơ hội bị bỏ lỡ
Đà Nẵng (Tourane) xưa.

Thương thuyền của Mỹ đến cảng Đà Nẵng gặp hai tàu của hải quân nhà Nguyễn do người Pháp chỉ huy. Những người Pháp này đã hướng dẫn thuyền trưởng Brigg đến Huế gặp vua Gia Long xin được buôn bán các cảng dọc duyên hải. Nhà Vua đồng ý nhưng còn e ngại người Mỹ sẽ nhân cơ hội này mà buôn bán với kẻ thù của mình, vì nhà Nguyễn mới đánh bại nhà Tây Sơn, chưa ổn định được đất nước.

Sau khi thu thập thông tin tàu đã rời đi và đến Manila.

Phải đến 16 năm sau, một chiếc tàu của Mỹ thứ hai đến Việt Nam, đó là tàu Franklin do thuyền trưởng John White chỉ huy cập càng vũng tàu năm 1819. Sau này qua nhật ký của thuyền trưởng White cho thấy đây là chyến đi cá nhân với mục đích thương mại, chứ không phải đại diện cho chính phủ Mỹ.

Đến Vũng Tàu các quan chức nơi đây hứa hẹn sẽ cấp giấy phép để vào Gia Định, nhưng chờ mãi không thấy. Sau đó các quan chức nói rằng đang chờ giấy phép từ Triều đình Huế, phải có giấy phép này thì tàu ngoại quốc mới được đến Gia Định.

John White quyết định đến Huế để trực tiếp yết kiến vua Gia Long, tiếc rằng lúc này nhà Vua đang tuần du ở Bắc hà nên không thể yết kiến được. John White liền cho tàu đến Java lấy hàng rồi trở về nước, thêm một cơ hội hợp tác thương mại với Mỹ bị bỏ qua.

Sau đó còn thêm 3 tàu thương mại nữa của Mỹ đến Vũng Tàu và Đà Nẵng để được giao thương nhưng đều thất bại.

Người Mỹ muốn ký Hiệp định thương mại với Việt Nam

Lúc này các nước phương Tây bắt đầu dòm ngó Đông Nam á, biến nơi đây thành thuộc địa. Indonesia trở thành thuộc địa của Hà Lan. Lãnh sự Mỹ ở Indonesia liên tục hối thúc Mỹ cần có Hiệp định Thương mại với Thái Lan, Việt Nam và Nhật Bản.

Vì thế năm 1832, Phái bộ Ngoại giao của chính phủ Mỹ đến Việt Nam diện kiến với vua Minh Mạng với mong muốn có được sự giao thương giữa hai nước. Thuyền trưởng Edmund Robert lên đường mang theo thư của Tổng thống Andrew Jackson. Bức thư có nội dung như sau:

Thư này sẽ dâng lên Hoàng thượng do Edmund Robert, một công dân danh dự của Hiệp chủng quốc. Ông này đã được bổ nhiệm chức đặc ủy viên của Chính phủ chúng tôi để thương thuyết với Hoàng thượng những vấn đề quan yếu. Tôi trân trọng xin Hoàng thượng che chở đương sự trong khi thừa hành nhiệm vụ đã được giao phó và xin đối đãi với đương sự tử tế.

Tôi tin cậy hoàn toàn những điều mà đương sự sẽ đề bạt lên Hoàng thượng, nhất là tình thân hữu hoàn toàn với tất cả thiện chí của chúng tôi đối với Hoàng thượng. Tôi cầu xin Đức Chúa trời luôn luôn phò hộ đại úy hữu. Để chứng minh các điều nói trên, tôi cho kiềm Quốc ấn của Hợp chủng quốc trên bức thư này. Lập với bản in tại thành Hoa Thịnh Đốn ngày 31 tháng Giêng năm 1832 và là năm thứ năm mươi sáu của nền độc lập Hiệp chủng quốc.

Tháng 1/1833, tàu chở Sứ bộ Mỹ đến Việt Nam nhưng không thể cập cảng Đà Nẵng do thời tiết xấu, nên đã đến Phú Yên. Edmund đã đưa bức thư của Tổng thống nhờ các quan chức địa phương dâng lên Vua giúp.

Theo tường thuật của Edmund Roberts thì 2 viên quan từ Kinh thành Huế đến nói rằng bức thư này bị lỗi về cách xưng hô nên quan phụ trách thương mại và hàng hải không dám dâng lên Vua. Hai viên quan này cũng cho biết tên nước bây giờ là Việt Nam chứ không phải là An Nam như trong thư.

Roberts đã cố giải thích nhưng vẫn không giải quyết được, hai vị quan này lại soạn một bức thư để đặc sứ Roberts ký vào trình lên Vua. Roberts nhận thấy giọng văn khúm núm của kẻ thuộc cấp, vì thế muốn tự viết một bức thư khác theo ý hai viên quan này. Hai bên tếp tục thương thảo, nhưng không sao có được sự thống nhất. Các quan sợ dâng thư lên sẽ chịu cơn thịnh nộ của Vua vì thể thức ngoại giao không như ý, phía sứ bộ Mỹ thì không thể viết một bức thư theo cung cách khúm núm hạ mình.

Sau một thời gian không thể thống nhất được, ngày 7/2/1833, các quan Triều đình thông báo ngày hôm sau phái đoàn Mỹ phải rời đi. Ngày hôm đó hai bên tổ chức bữa tiệc chúc sức khỏe Tổng thống và Hoàng Đế của hai nước.

Sáng ngảy 8/2/1833, các quan nhà Nguyễn tiễn đoàn sứ bộ với lời chúc thuận buồm xuôi gió, hẹn gặp lại. Người Mỹ đáp rằng họ không còn mong trở lại.

Đại Nam Thực lục ghi chép sự kiện này như sau:

Tháng 11, năm Nhâm Thìn (1832) Quốc trưởng nước Nhã Di Lý (ý nói nước Mỹ sai bọn bề tôi là Nghĩa Đức Môn La Bách (Edmund Roberts), Đức Giai Tâm Gia (David Geisinger, thuyền trưởng tàu Peacock) đem quốc thư thông thương thuyền ở cửa Vũng Lấm thuộc Phú Yên. Vua sai Viên ngoại lang Nguyễn Tri Phương, Tư vụ Lý Văn Phức đi hội với quan tỉnh, lên thuyền thiết tiệc, hỏi lý do đến đây làm gì. Họ nói “Chỉ đến vì muốn giao hiếu và thông thương”. Nói năng rất cung kính. Đến lúc dịch thư ra có nhiều chỗ không đúng thể thức.

Vua bảo không cần đệ trình thư ấy. Rồi cho quan quyền lãnh chức Thương bạc làm tờ trả lời. Đại lược nói: “Nước ấy muốn xin thông thương, cố nhiên là ta không ngăn trở, nhưng phải tuân theo luật pháp đã định. Từ nay, nếu có buôn bán thì cho đỗ ở vụng Trà Sơn, tấn sở Đà Nẵng, không được lên bờ làm nhà, vượt quá kỷ luật, rồi giao thư bảo họ đi”.

Dù không muốn quay lại, nhưng 3 năm sau Edmund Roberts và tàu Peacock lại phải đến Việt Nam. Phái đoàm Mỹ đến Đà Nẵng vào ngày 14/5/1836. Tuy nhiên khi phái đoàn của Triều đình đến Đà Nẵng hội kiến thì Edmund Roberts ốm thập tử nhất sinh, chỉ có viên thông ngôn tiếp phái đoàn nhà Nguyễn.

Rồi tàu của Mỹ đội ngột rời đi, đến Ma Cao thì Edmund Roberts qua đời vì bệnh nặng. Sau này người ta mới biết nguyên nhân phải rời tàu đi qua bức thư của viên thuyền trưởng: “Chúng tôi phải ở lại 8 ngày tại vịnh Tourance (Đà Nẵng), nhưng vì chứng bệnh quá nặng của ông Robert, chúng tôi không làm được gì ở đây cả. Chúng tôi rời cảng ngày 21 tháng 5”.

Cầu viện

Năm 1858, Pháp nổ súng tấn công Đại Nam nhằm biến nơi đây thành thuộc địa, chiếm Nam kỳ lục tỉnh, rồi tấn công thành Hà Nội. Trước sức mạnh của vũ khí hiện đại phương Tây, năm 1873, Bùi Viện xin ra nước ngoài cầu viện và được vua Tự Đức đồng ý.

Bùi Viện chọn đến Mỹ, phải sau một năm mới gặp được Tổng thống, phía Mỹ cũng có ý định giúp Đại Nam trang bị cho quân đội vũ khí hiên đại. Thế nhưng vua Tự Đức không ban quốc thư cho Bùi Viện, không có ủy nhiệm, vì thế Bùi Viện không có tư cách gì đàm phán với Mỹ, phải trở về tay trắng.

Sau này người Pháp dần đánh chiếm miền Bắc và miền Trung, triều đình Huế phải ký các Hiệp ước nhận sự bảo hộ của Pháp, và Triều đình nhà Nguyễn cũng không còn cơ hội nào để ngoại giao với Mỹ nữa.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: