Giữ gìn gia phong và làm theo gia huấn của tổ tiên là một trong những điều được người xưa xem như sứ mệnh. Cổ nhân khuyên rằng dù không có của cải để lại cho con cái, thì cũng nhất định không thể không lơ là việc dạy bảo và lập gia huấn truyền cho thế hệ sau. Một trong những gia huấn nổi tiếng thời cổ đại là “Nhan Thị gia huấn” của Nhan Chi Thôi.

Nhan Chi Thôi là một nhà văn, nhà thư pháp, họa sĩ, nhà soạn nhạc thời Nam Bắc triều. Ông làm quan lần lượt cho bốn triều đại: nhà Lương, nhà Bắc Tề, nhà Bắc Chu và sau đó là nhà Tùy. Nhan Chi Thôi sinh ra trong một gia đình trí thức, từ nhỏ đã chịu ảnh hưởng bởi lễ pháp của nhà Nho. Đồng thời ông cũng là người tín ngưỡng Phật Pháp. Ông là người bác học đa tài, nhanh trí, biết xử sự và có tài giải quyết công việc.

Gia huấn mà Nhan Chi thôi để lại là tổng kết kinh nghiệm lập nghiệp, xử thế, và học tập cả đời của Nhan Chi Thôi. Bộ sách được hoàn thành vào năm 589, bao gồm 7 cuốn, được chia làm 20 phần, nội dung chủ yếu là nhấn mạnh vào việc giáo dục, tu dưỡng đạo đức. Trong “Nhan Thị gia huấn” không có những lập luận phi thường hay những suy nghĩ quá cao vời mà tư tưởng trung tâm của nó chính là “đức hạnh”. Những triết lý giáo dục của ông trong thời đại nhiều biến động đã giúp con cháu trong gia tộc họ Nhan ổn định tránh xa tai họa.

Gia huấn của Nhan Chi Thôi: Trẻ không được dạy dỗ thì không nên người
(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Đọc sách thánh hiền hàm dưỡng đức hạnh

Trong lời nói đầu, Nhan Chi Thôi đã bình luận rằng những cuốn sách kinh điển do các nhà hiền triết cổ xưa viết đều dạy con người cách hàm dưỡng các loại đức hạnh, cách làm thế nào để tu thân, thành tựu sự nghiệp. Đọc những kinh điển này là đủ rồi, thực sự cũng không cần viết thêm sách dạy con. Ông sở dĩ viết cuốn gia huấn này là vì để hướng dẫn con cháu, dạy bảo con cháu thực hành những lời giáo huấn của thánh hiền trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.

Trước hết, Nhan Chi Thôi vô cùng coi trọng những kinh điển truyền thống. Ông cho rằng đọc sách thánh hiền là để mở mang tầm nhìn và chí khí, có ích cho việc tu dưỡng đức hạnh bản thân và có ích cho xã hội. Sau khi đọc sách cổ nhân rồi suy ngẫm lại bản thân thì trong tâm sẽ dấy khởi ý chí noi gương cổ nhân mà làm theo.

Người chưa biết hiếu thảo phụng dưỡng cha mẹ thì khi đọc sách thánh hiền, nhìn thấy cách cổ nhân đối với cha mẹ ôn hòa vui vẻ, ân cần mềm mỏng thế nào thì sẽ lập tức tự cảm thấy xấu hổ và hối lỗi, từ đó mà hăng hái hành hiếu.

Người chưa biết đối đãi với vua thế nào, đọc xong sách thánh hiền thì liền biết được cổ nhân kiên trì chức trách, trong thời khắc nguy nan đảm nhận trách nhiệm trọng đại thế nào, từ đó có thể thành tâm can gián vua, có ích cho quốc gia xã tắc.

Đối với những người có có tâm kiêu ngạo và ngông cuồng, việc đọc sách thánh hiền có thể dạy người ấy học tập cổ nhân mà biết cung kính, cần kiệm, khiêm tốn và tự giữ gìn bản thân, chú trọng lễ nghĩa. Khi người ấy nhìn thấy rõ khuyết điểm của bản thân mình thì sẽ nhanh chóng tự khắc từ bỏ đi tâm kiêu ngạo tự đại, trở nên nhún nhường và cẩn thận hơn.

Đối với người trước nay thường thô bỉ và tham lam keo kiệt, khi đọc sách nhìn thấy cổ nhân trọng nghĩa khinh tài, không tự tư, ít dục vọng, không làm điều xấu, thì sẽ cảm thụ được thế nào là tu dưỡng liêm sỉ và hối cải, từ đó bắt đầu bố thí giúp đỡ chúng sinh.

Một người hèn nhát, đọc sách thánh hiền thấy được cổ nhân có thể không sợ sinh tử, kiên nghị chính trực, giữ gìn chữ tín, chỉ cầu làm điều đúng đắn mà không cầu hồi báo, tất nhiên cũng có thể giúp ý chí của họ phấn chấn hơn lên và không còn lo sợ như trước nữa.

Đọc sách thánh hiền có thể giúp con người học được hết thảy các phẩm hạnh tốt đẹp, ngay cả khi không có biện pháp nào để hoàn toàn làm được như thế thì cũng sẽ khiến người ta không có những hành vi quá phận, và sẽ vận dụng được những phẩm đức đã học vào cuộc sống hàng ngày.

Vậy nên, Nhan Chi Thôi cho rằng nhiệm vụ đầu tiên của việc giáo dục con cái là đọc sách thánh hiền mà hàm dưỡng phẩm đức. Một người chỉ cần đọc những nội dung thuần chính của kinh điển truyền thống thì trong tâm có thể có những suy nghĩ đúng đắn, có thể bồi dưỡng các phẩm đức nhân lễ nghĩa trí tín, khi gặp thời khắc then chốt của cuộc đời sẽ có thể đưa ra sự lựa chọn chính xác.

Dù nghèo cũng phải để con cái kiên trì học tập

Trong thời gian Nhan Chi Thôi đến Trường An, gia đình ông đã trải qua một thời kỳ khó rất khăn về kinh tế. Khi đó, người con trai cả của ông là Nhan Tư Lỗ đã nói với ông: “Triều đình không cấp lương bổng, gia đình không có tiền tài tích trữ, con nên làm công việc chân tay để nuôi dưỡng gia đình, nhưng cha nhất mực đốc thúc con dụng tâm khổ đọc kinh sử, con thân là con trai trưởng sao có thể an tâm được?”

Nhan Chi Thôi nghe xong liền nói với con trai: “Nếu con vứt bỏ nghiệp học mà một lòng đi kiếm tiền thì cho dù có thể giúp cha đủ cơm ăn áo mặc, nhưng cha ăn xong liệu có cảm thấy thơm ngon được không? Mặc y phục xong có cảm thấy ấm áp được không? Nếu con chăm chỉ đọc sách thánh hiền xưa, kế tục gia nghiệp thì dẫu có phải ăn đói mặc rách, cha cũng cam tâm nguyện ý.”

Câu nói của Nhan Chi Thôi thể hiện ra hy vọng con trai kiên trì nghiệp học mà không hề hối tiếc.

Nhan Chi Thôi đã từ kinh nghiệm của bản thân mà nói với con rằng, việc tu dưỡng đạo đức cho dù không thể cải biến được hoàn cảnh khách quan thì cũng có có thể hình thành nhân cách. Nhân cách hình thành rồi thì tất có thể tự lập mưu sinh. Dẫu lúc đầu có khó khăn, nhưng đó là con đường đẹp đẽ nhất, chính xác nhất, đúng đắn nhất.

Giáo dục đạo đức phải giáo dục từ sớm

Với tư tưởng trọng tâm của giáo dục là “Hàm dưỡng đức hạnh”, Nhan Chi Thôi đã đưa ra những phương pháp cụ thể để giáo dưỡng con cháu.

Nhan Chi Thôi chủ trương giáo dục trẻ cần phải giáo dục từ sớm. Ông nhắc đến phương pháp thai giáo đã làm nên các bậc thánh vương cổ đại: khi mang thai trong ba tháng đầu, cần phải sống trong cảnh cách biệt, phải chú ý đến hoàn cảnh, mọi thứ mắt nhìn, tai nghe, ăn uống đều cần hợp với lễ nghi và phải có điều độ.

Ngay từ khi đứa trẻ vẫn còn đang quấn tã đã cần tuyển chọn những người hiểu biết về nhân hiếu lễ nghĩa để chăm sóc chúng. Đến khi đứa trẻ có thể nhìn sắc mặt mà biết hỉ nộ thì cần phải dạy bảo chúng những chuẩn tắc về hành vi. Đứa trẻ được giáo dưỡng như thế khi lớn sẽ hình thành thói quen tự nhiên, không cần phải trừng phạt đứa trẻ.

Ngoài ra, trẻ em từ nhỏ đã phải học tập các quy phạm, ngôn từ, thậm chí cách bước đi cung kính khiêm tốn. Giáo dục trẻ cần chú trọng đến từng tiểu tiết sinh hoạt, ví như cách ngồi nằm, ăn uống, đối đáp…, không được để trẻ em làm một cách tùy tiện.

Con người khi còn trẻ thì trí óc nhạy bén và tập trung, khi đã trưởng thành rồi thì suy nghĩ sẽ dễ bị phân tán. Vì vậy, đối với trẻ nhỏ cần sớm cho chúng đọc kinh thư, có thể giúp trẻ tâm thần chuyên chú, không bỏ lỡ cơ hội tốt.

Dạy trẻ chọn bạn kết giao

Nhan Chi Thôi đã chỉ ra rằng khi một người còn trẻ tuổi thì tinh thần và tính tình của họ sẽ chưa được định hình, rất dễ dàng bị tiêm nhiễm những thói hư tật xấu từ những ngôn hành cử động không tốt của chúng bạn. Cho dù trong tâm không có ý muốn học theo bạn bè, nhưng khi tiếp xúc nhiều thì trong bất tri bất giác mà bị nhiễm lúc nào không hay biết.

Vì vậy, nếu được ở bên những người bạn tốt thì cũng giống như tiến nhập vào một gian phòng đầy hương thơm thảo mộc, thời gian lâu, tự bản thân cũng sẽ lây hương thơm. Còn nếu giao du với những người bạn xấu thì sẽ giống như bước vào khu hàng cá, thời gian lâu tự thân sẽ nhiễm hôi tanh. Do đó, cần đặc biệt chú ý việc kết giao của trẻ.

Theo Epoch Times tiếng Trung
Tác giả: Vương Du Duyệt
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: