Mối quan hệ giữa nhân thể và tự nhiên theo y học cổ đại
- An Hòa
- •
Suốt mấy ngàn năm qua, những đóng góp của y học cổ đại đối với sức khỏe, dưỡng sinh và trị bệnh của người phương Đông là vô cùng to lớn. Đặc biệt là hiệu quả của châm cứu và uống thuốc đã từng có thời kỳ được ghi chép là “thuốc vào là bệnh hết”. Vì sao y học cổ đại có thể có được tác dụng to lớn như vậy? Đó là bởi vì cách chữa trị của y học truyền thống là thuận theo thiên đạo.
Trong lịch sử có rất nhiều thần y mà y thuật của họ vô cùng cao siêu, được ghi chép trong sử sách, như Hoa Đà, Biển Thước, Tôn Tư Mạc… Những vị thần y này đều am hiểu dưỡng sinh, biết thiên đạo, hiểu được đạo lý âm dương, và hợp với yêu cầu của thuật số trong trời đất, ăn uống đều có chừng mực, làm việc và nghỉ ngơi có quy luật.
“Hoàng Đế Nội Kinh” là sáng tác lý luận thâm sâu về y học, xuất hiện vô cùng sớm. Đến ngày nay “Hoàng Đế Nội Kinh” vẫn có tác dụng chỉ đạo quan trọng trong điều trị lâm sàng. Một số người có kiến thức về y học cổ đại cho rằng nếu hiểu thấu đáo một số đoạn trong “Hoàng Đế Nội Kinh”, người ta có thể nâng cao được trình độ chữa bệnh của mình. Sở dĩ có thể làm được như vậy là bởi vì “Hoàng Đế Nội Kinh” mô tả rất chi tiết từ âm dương ngũ hành, cho đến kinh lạc của thân thể con người.
Y học cổ đại là một bộ phận quan trọng của văn hóa truyền thống, nó nhấn mạnh con người phải thuận theo thiên đạo thì mới có thể dưỡng sinh, loại bỏ được bệnh tật và sống trường thọ. Khái niệm “Thiên” (Trời) trong văn hóa truyền thống là khác hẳn với khái niệm “Thiên” mà người hiện đại ngày nay thường nghĩ. “Thiên” không phải là khoảng không trên đỉnh đầu của chúng ta, khái niệm “Thiên” trong văn hóa truyền thống rất rộng lớn và sâu sắc. “Thiên” là chỉ giới tự nhiên, là vũ trụ vô hạn. “Thiên đạo” chính là quy luật của tự nhiên, của vũ trụ.
Trong “Đạo Đức Kinh”, Lão Tử giảng: “Nhân pháp Địa, Địa pháp Thiên, Thiên pháp Đạo, Đạo pháp tự nhiên”, người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên. Đạo lý này với lý niệm của trung y truyền thống là trùng khớp với nhau. Dù là ở góc độ nào thì đây cũng là điểm chung trong tư tưởng của các bậc thánh nhân thời cổ đại.
Y học cổ đại cho rằng con người, trời và đất là không thể tách rời nhau. Sinh lý của con người và sự biến hóa của trời đất, tự nhiên là có cùng quy luật. Cho nên, có thể thông qua quan sát sự vận động nhìn thấy được của trời đất để suy ra sự vận động không thể nhìn thấy được trong cơ thể con người. Trời, đất, con người, thậm chí vạn vật trong vũ trụ đều chịu sự chế ước bởi những quy luật chung của vũ trụ.
Trong “Hoàng Đế Nội Kinh” viết: “Xuân sinh, hạ trưởng, thu thu, đông tàng, thị khí chi thường dã. Nhân diệc ứng chi”, tức là mùa xuân sinh sôi, mùa hè lớn dần, mùa thu thu liễm, mùa đông cất giấu. Đây là quy luật biến hóa của bốn mùa trong năm, cơ thể con người cũng giống như vậy. Một ngày chia làm bốn mùa, sáng sớm là mùa xuân, buổi trưa là mùa hè, chạng vạng tối là mùa thu, nửa đêm là mùa đông. Buổi sáng, chính khí của cơ thể bắt đầu sinh, khả năng kháng bệnh tốt, bệnh khí suy yếu. Vì thế, vào buổi sáng, thần khí của con người thường khoan khoái, nhẹ nhàng. Buổi trưa, chính khí của con người lớn dần đến cường thịnh, chính khí thịnh vượng thì sẽ thắng được tà khí. Vì thế, buổi trưa dù trời sáng con người vẫn có thể ngủ ngon giấc. Chạng vạng tối, chính khí của cơ thể bắt đầu suy yếu, tà khí bắt đầu sinh ra, nên bệnh tình của con người thường bắt đầu tăng lên. Nửa đêm, chính khí của cơ thể con người bị phong bế, tà khí độc chiếm toàn thân thể, cho nên lúc này bệnh tình là nặng nhất.
Người xưa chia một ngày đêm làm “12 thời thần” (canh giờ), tức là 12 khoảng thời gian khác nhau. Mỗi khoảng thời gian tương ứng với 2 giờ đồng hồ và được đặt tên theo 12 địa chi. 12 thời thần của cổ nhân có mối quan hệ đối ứng với 24 giờ của người hiện đại ngày nay. Ở vào một “thời thần” nhất định, khi khí huyết chảy đến kinh lạc của một tạng phủ thì bộ phận ấy sẽ hoạt động mạnh, nếu không sẽ khiến hoạt động của bộ phận đó bị suy giảm.
Ở vào một thời thần nhất định khác, khí huyết chảy đến tạng phủ là ít nhất thì sẽ khiến cho tạng phủ đó trở nên yếu nhất. Đây là nhịp điệu của 12 thời thần. Tuyến đường vận hành chính của kinh lạc bắt đầu từ phế kinh (3 giờ – 5 giờ), đến đại tràng (5 giờ – 7 giờ), dạ dày (7 giờ – 9 giờ), tỳ (9 giờ – 11 giờ), tim (11 giờ – 13 giờ), ruột non (13 giờ – 15 giờ), bàng quang (15 giờ – 17 giờ), thận (17 giờ – 19 giờ), màng ngoài tim (19 giờ – 21 giờ), tam tiêu (21 giờ – 23 giờ), đảm (23 giờ – 1 giờ), gan (1 giờ – 3 giờ). Vậy nên, sinh hoạt, làm việc và nghỉ ngơi của con người phải phù hợp với sự thịnh suy của khí huyết và quy luật vận hành của kinh lạc, đây cũng chính là cách để dưỡng sinh có hiệu quả.
Những người tu đạo trong quá khứ hiểu rõ về kinh lạc và quy luật tuần hoàn của khí huyết. Cho nên trong dân gian có tồn tại phương pháp điểm huyệt chữa bệnh. Đó là căn cứ vào hướng đi của kinh lạc trong cơ thể người mà điểm huyệt.
Năng lượng trong trời đất và sự tuần hoàn của nước cũng tương tự như năng lượng của cơ thể và sự tuần hoàn của khí. Trong giới tự nhiên, mặt trời chiếu rọi xuống mặt đất, nước trên mặt đất nhận được nhiệt năng sẽ bốc hơi thành khí bay lên rồi ngưng tụ thành mây. Mây lại hóa thành mưa rơi xuống thành nước trên mặt đất. Quá trình mây biến thành mưa chính là quá trình phóng thích nhiệt lượng. Cứ như vậy, năng lượng và nước trong trời đất tuần hoàn không ngừng.
Thân thể con người cũng như vậy, trong cơ thể con người, tâm là hỏa, thận là thủy. Thận thủy theo can khí lên làm mát tâm hỏa. Túc giáng của phế giúp tâm hỏa đi xuống làm ấm thận thủy. Thận thủy được tâm hỏa khí hóa mà bay lên, tâm thận tương giao hoàn thành vòng tuần hoàn năng lượng trong nhân thể, duy trì trạng thái cân bằng trong sinh mệnh. Mạch chẩn trong y học cổ đại có thể biết được tình trạng tuần hoàn khí huyết trong thân thể con người chỗ nào bị ứ tắc, chỗ nào suy yếu, từ đó để lựa chọn các phương pháp trị liệu làm cho khí huyết lưu thông.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Hoàng Đế nội kinh Trung y thiên đạo vận hành kinh lạc