Những bài học thực sự của giải Nobel hoà bình

Luis Lema
(Xã luận của báo Le Temps – Thụy Sĩ ngày 11.10.2024)

Đấu tranh cho một thế giới không còn bị đe doạ bởi hiểm hoạ hạt nhân là một nỗ lực vô cùng đáng kính. Nhưng đấy có phải là điều thật sự cần nhấn mạnh năm 2024?

Thế giới có đáng có một giải Nobel hoà bình 2024? Hay ngược lại, hội đồng giải Nobel ở Stockholm lẽ ra có nên đánh dấu năm nay bằng một lỗ đen lớn, tượng trưng cho một trái đất mất viễn tượng, bất lực trước những cuộc chiến không lối ra, những qui tắc cơ bản bị chà đạp, sự ích kỷ thắng thế? Tại sao không.

Một điều hiển nhiên: vinh danh bao nhiêu cũng không đủ đối với những người Nhật sống sót ở Hiroshima và Nagasaki. Những khổ đau họ phải chịu, sức thuyết phục của những chứng từ, cuộc đấu tranh của họ để giải trừ mọi vũ khí huỷ diệt hàng loạt, phải được tuyệt đối trân trọng. Khi sự đe doạ của hiểm hoạ hạt nhân vẫn còn bao phủ bầu trời (chung quanh nước Nga, bán đảo Hàn quốc, ở Trung Đông…), sử dụng vũ khí hạt nhân vẫn phải là điều cấm kỵ. Điều kiện của sống còn.

Trung Đông bị gạt bỏ

Nhưng đấy có là điều thật sự phải nhấn mạnh năm nay? Về miền Trung Đông hiện đang ở ngưỡng cửa một cuộc chiến toàn diện, nơi điều kinh khủng nhất xảy ra hàng ngày, có ba ứng viên thuộc Liên Hợp Quốc cho giải này: Cơ quan cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA), giám đốc là ông Philippe Lazzarini người Thuỵ Sĩ, Tòa án Công lý Quốc tế, cảnh báo nguy cơ diệt chủng ở Gaza, hay chính Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông Antonio Guterres. Cả ba đều bị gán tội “bài Do Thái” bởi nhà cầm quyền Israel và những người ủng hộ các quyền lợi ngắn hạn của chính quyền Benyamin Netanyahou hiện nay.

Uỷ ban Nobel có nên bước vào cuộc giao tranh này? Thử thách chính là đây. Sự “tranh luận” đã trở thành quá phân cực và ác liệt, những câu thịnh nộ tung ra một cách máy móc tới mức không còn có thể góp lời mà không bị xem như đứng về phe nào. Các qui tắc pháp luật bị vi phạm liên tục, hàng ngàn người chết, nhưng không ai bây giờ được quyền can thiệp vào, ngay cả dưới mắt Uỷ ban Nobel đầy uy tín. Đây có lẽ là bài học thực sự của giải Nobel này.

Một bài học khác. Ngay sau khi được giải Nobel, hội Nihon Hidankyo đã so sánh cảnh ngộ nước Nhật cách đây 80 năm và hoàn cảnh kinh hoàng của dân chúng ở Gaza. Cũng khốn quẫn y như thế, cũng các hình ảnh y như thế của những đứa trẻ bê bết máu trong vòng tay bất lực của cha mẹ. Năm 2024, Uỷ ban Nobel đã không dám đưa Gaza thành biểu hiện cho sự bất lực chung của chúng ta trước các tương quan lực lượng chính trị và quân sự. Các hibakusha, sống sót sau các trận bom nguyên tử, có đầy đủ thẩm quyến để làm điều này.

Bai hoc thuc su Nobel hoa binh 01
Thư ký Terumi Tanaka của tổ chức Nihon Hidankyo kể với thanh thiếu niên về việc sống sót sau vụ đánh bom nguyên tử ở Hiroshima tại một sự kiện của Liên Hợp Quốc ở Vienna năm 2007. (Ảnh: Buroll, Wikipedia, Public Domain)

Luis Lema
Đỗ Tuyết Khanh dịch

Đăng lại từ Forum Diễn Đàn (DienDan.org)
Creative Commons BY-NC-ND 3.0 France.

Xem thêm: