Những người anh hùng trung nghĩa nổi tiếng trong lịch sử thế giới
- Trần Hưng
- •
Cổ nhân xem trọng chữ Trung, dẫu là tìm bạn tri kỷ, thuộc hạ hay nhân tài giúp nước thì chữ Trung đều được đặt ở trên hết. Bởi vì người vị kỷ thì nhiều tư tâm và tà niệm, người vị tha trong tâm ngay chính mới có thể giữ trọn vẹn đạo trung nghĩa.
Chữ “Trung” (忠) giải tự gồm chữ “中” (trung tâm, ở giữa) ở trên và chữ “心” (tâm) ở dưới. Trong đó chữ “中” ở trên do chữ “口” (khẩu) và một nét sổ xuống hợp thành. Nét sổ xuống chia đôi chữ khẩu, mang ý nghĩa làm việc phải vô tư, công tâm và minh bạch, công bằng không thiên vị. Nét sổ thẳng đứng xuống vào chữ khẩu cũng mang ý nghĩa lời nói cần nhất quán, trước sau như một. Tất cả những điều đó được nâng đỡ bởi nền tảng là chữ “心” (tâm) ở dưới mang ý nghĩa cần ghi nhớ sự trung thành vô tư không vụ lợi.
Trong lịch sử thế giới có nhiều bậc anh hùng trung nghĩa, điển hình nhất là Lý Thuấn Thuần của Triều Tiên, Trần Quốc Tuấn thời nhà Trần của Đại Việt, và Nhạc Phi thời nhà Tống của Trung Hoa.
Lý Thuấn Thuần
Dù bị vua đố kỵ, bị triều đình lạnh nhạt, bị khép tội làm phản và tra tấn bằng cực hình, Lý Thuấn Thuần vẫn trung nghĩa ra trận, giải nguy cho Triều Tiên với một trận thủy chiến hàng đầu trong lịch sử thế giới.
Lý Thuấn Thuần giữ chức “Tam đạo Thủy quân Thống chế sứ” nghĩa là Tư lệnh ba đạo Hải quân của Triều Tiên vào cuối thế kỷ 16. Ông là người thiết kế tàu con rùa nổi tiếng trong lịch sử, giúp thủy quân Triều Tiên làm chủ hoàn toàn vùng biển của mình, nhiều lần đánh bại các tàu chiến của Nhật Bản.
Lãnh chúa Hideyoshi sau khi thống nhất Nhật Bản muốn tiến đánh Triều Tiên, nhưng rất lo ngại Lý Thuấn Thuần. Để loại bỏ vị tướng tài này, Hideyoshi đã lợi dụng sự sợ hãi của vua đối với công trạng của ông, sử dụng kế phản gián khiến Lý Thuấn Thuần bị hiểu lầm, khiến ông bị mất chức, bị tra tấn để ép cung nhưng không thành. Cuối cùng, Lý Thuấn Thuần vẫn bị hạ làm binh nhì, tức lính cấp bậc thấp nhất.
Không còn Lý Thuấn Thuần chỉ huy, thủy quân Triều Tiên trước sức ép buộc tấn công của triều đình, đã bị quân Nhật tiêu diệt hoàn toàn, chỉ còn 13 tàu may mắn thoát được. Mất thủy quân, lại đứng trước tình cảnh quân Nhật tiến đánh vào vùng biển Hoàng Hải để tiến vào kinh thành, vua Triều Tiên hoảng sợ vội vàng phục chức cho Lý Thuấn Thuần.
Lúc này Triều Tiên chỉ còn 13 tàu cùng 1.500 quân để ngăn đại quân hàng trăm tàu của Nhật Bản. Đây là điều không thể, nhiều người can ngăn Lý Thuấn Thuần nhận chức vụ này. Thế nhưng đứng trước cảnh Giang sơn lâm nguy, Lý Thuấn Thuần vẫn phụng chỉ lãnh sứ mệnh. Điều này thể hiện tấm lòng trung nghĩa vì triều đình và Giang sơn Xã tắc trước sau như một của ông.
Để có thể dùng 13 tàu chặn cả đội quân hàng trăm tàu Nhật Bản, Lý Thuấn Thuần tìm và chọn vùng biển Myeongnyang làm nơi quyết chiến. Đây là eo biển nhỏ, nên nếu quân Nhật tấn công thì chỉ tấn công được mặt chính diện, chứ không thể dựa vào số đông mà bao vây 3 mặt được. Mặt khác do tính chất của eo biển nên nơi đây có nhiều dòng nước xoáy mạnh, nếu tàu quân Nhật vào đây sẽ rất khó xoay sở trước những dòng nước xoáy này.
Quân Nhật tấn công vào eo biển Myeongnyang với 133 tàu chiến loại lớn và 200 tàu hậu cần. Lý Thuấn Thuần lệnh cho 13 tàu của mình tiến đến vị trí đã chuẩn bị từ trước. Tuy nhiên nhận thấy các tàu Nhật Bản quá đông và hùng mạnh, 12 tàu Triều Tiên sợ hãi bất ngờ chạy chậm dần rồi đứng hẳn lại, chỉ còn duy nhất tàu của Lý Thuấn Thuần vẫn tiến lên.
Lúc này Lý Thuấn Thuần hiểu rằng nếu mình cũng dừng lại thì sẽ mất hết tất cả, Giang sơn sẽ mất về tay quân Nhật, vì thế dù chỉ một một tàu của mình ông vẫn lệnh tiến lên, thể hiện tấm lòng trung nghĩa quả cảm.
Ông viết trong hồi ký của mình như sau: “Tàu của ta đơn độc trước quân địch. Chỉ có mình tàu của ta nổ súng và bắn tên. Không có chiếc tàu nào khác tiến lên, vì thế ta không chắc chắn về kết quả của cuộc chiến. Tất cả những tướng khác đều muốn chạy trốn, vì họ biết rằng trận chiến này họ phải đối mặt với một lực lượng khổng lồ”.
Lý Thuấn Thuần cũng không trách bất kỳ ai đã cho tàu của họ dừng lại, bởi ông hiểu rằng đối mặt với lực lượng to lớn lại vượt trội hơn mình hàng chục lần thì khó mà có thể đòi hỏi người khác cũng giống như mình.
Tuy nhiên, chiến cuộc đúng như Lý Thuấn Thuần dự đoán. Eo Myeongnyang nhỏ hẹp, các tàu Nhật đi sát lại gần nhau, gặp phải dòng nước xoáy khiến chúng va vào nhau, tàu Nhật trở thành mục tiêu thuận lợi cho pháo của Lý Thuấn Thuần. 12 tàu còn lại của Triều Tiên thấy tình hình thuận lợi mới bắt đầu gia nhập chiến trận.
Trận Myeongnyang khiến quân Nhật thảm bại, và tạo nên nền tảng để thủy quân Trung Hoa tiến sang giúp đỡ Triều Tiên, cuối cùng dập tắt hoàn toàn tham vọng bành trướng của Nhật Bản.
Trận Myeongnyang được xem là trận đánh chênh lệch nhất trong lịch sử hải quân thế giới, và nó cũng thể hiện tấm lòng trung nghĩa quả cảm hiếm có của Lý Thuấn Thuần.
Trần Quốc Tuấn
Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã vượt qua mối tư thù, thể hiện tấm lòng trung nghĩa với quốc gia và với dân tộc.
Năm 1237, vua Trần Thái Tông mãi vẫn chưa có con, điều này khiến nhiều tôn thất nhà Trần lo lắng rằng hậu vận nhà Trần không có người nối dõi. Lúc này anh ruột của Vua Trần Thái Tông là Trần Liễu có vợ là bà Thuận Thiên đang mang thai 3 tháng. Trần Thủ Độ liền ép bà Thuận Thiên phải làm vợ của vua Trần Thái Tông, tức ép Vua phải lấy chị dâu đang mang thai.
Bị mất vợ, Trần Liễu tức giận tạo phản, bất ngờ đem quân đánh chiếm kinh thành, nhưng Trần Thủ Độ đa mưu nên đề phòng sẵn. Quân của Trần Liễu chưa đến kinh thành thì đã bị bao vây.
Trần Liễu thua chạy trốn, biết chỉ có Vua mới cứu được mình, liền hẹn Vua tới sông cái rồi đem thân tới đầu hàng. Khi Trần Thủ Độ tới thì vua Thái Tông hết lòng che chở cho anh mình, nhờ đó Trần Liễu thoát tội. Trong khi đó các quân tướng đi theo Trần Liễu thì đều bị bắt và xử chém hết.
Một mình An Sinh Vương Trần Liễu thoát chết về Ngũ Yên sinh sống. Ông rất yêu thương con cái của những thuộc tướng trung thành đã chết vì mình, tìm người giỏi võ nhất về để chỉ dạy, đến khi lớn lên họ trở thành trụ cột của đội quân Ngũ Yên tinh nhuệ nhất trong sử Việt. (Xem bài: Lá số thánh nhân bất bại – P1: Đội quân tinh nhuệ bậc nhất sử Việt để chiếm ngôi vua)
Đồng thời Trần Liễu cho con trai của mình là Trần Quốc Tuấn đến kinh thành Thăng Long ăn học ở nhà em gái là Thụy Bà công chúa, tìm thầy giỏi về dạy học cho Quốc Tuấn. Ngay từ thời trẻ Trần Quốc Tuấn đã giỏi võ và thông thạo binh pháp. Trần Liễu hy vọng rằng Trần Quốc Tuấn có trong tay đội quân tinh nhuệ Ngũ Yên sẽ phục thù được cho mình.
Năm 1251, An Sinh Vương Trần Liễu qua đời, đã trăng trối với Trần Quốc Tuấn rằng: “Con không vì cha mà lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được.”
Khi đại quân Mông Cổ ba lần tiến đánh Đại Việt, Trần Quốc Tuấn giữ chức Tiết chế binh mã, có nhiều cơ hội lật đổ và lên ngôi Vua, thực hiện lời trăng trối của cha mình, nhưng ông đều lấy Giang sơn Xã tắc làm trọng, hết lòng đem tài thao lược lần lượt 3 lần đánh bại quân Mông Cổ, thể hiện là con người trung nghĩa hiếm có trong lịch sử.
Con Trần Quốc Tuấn là Trần Quốc Tảng từng nhắc lại lời trăng trối của An Sinh Vương Trần Liễu, muốn cùng ông cướp ngôi vua. Trần Quốc Tuấn nổi giận rút gươm toán chém đứa con này. Nhiều người phải can ngăn ông mới thay đổi ý định nhưng từ đó kiên quyết không gặp Quốc Tảng. Thậm chí ông dặn dò sau này ông chết, đậy nắp quan tài rồi mới cho Tảng vào viếng.
Một số người cho rằng Trần Quốc Tuấn không phải là không có dã tâm, chỉ là không chọn được thời cơ thích hợp. Thế nhưng Trần Quốc Tuấn nắm trong tay đội quân mạnh nhất, mà trụ cột lại là con cháu của tướng lĩnh từng bị triều đình giết hại, không có lý nào ông không thể cướp ngôi. Mặt khác, lá số tử vi của Trần Quốc Tuấn được ghi lại trong cuốn Đông A di sự còn cho thấy ông là bậc thánh nhân trung nghĩa. (Xem bài: Lá số thánh nhân bất bại – P2: Trả lại năm sinh cho Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn)
Nhờ có một người trung nghĩa như Hưng Đạo Vương, Đại Việt mới có cơ hội 3 lần đánh tan đội quân mạnh nhất trong lịch sử, khắc ghi điểm sáng chói lọi trong lịch sử thế giới. Chiến công đó cũng đồng thời đưa người anh hùng Trần Quốc Tuấn trở thành con người trung nghĩa hiếm có trong lịch sử.
Nhạc Phi
Nhạc Phi thời Nam Tống không chỉ trung thành với Hoàng đế, với Giang sơn, mà còn trung thành với cả bách tính.
Năm 1126, quân Kim nam tiến đánh Tống, bắt được cả vua Tống Huy Tông và Tống Khâm Tông cùng rất nhiều phi tần, công chúa, tất cả đến vài nghìn người mang về nước. Vợ chồng Tần Cối cũng bị bắt mang về Kim trong thời gian này, và tỏ lòng thần phục vua Kim.
Lúc này trong số hoàng thân nhà Tống có Triệu Cấu may mắn thoát được, chạy xuống phía nam, lên ngôi Vua gọi là Tống Cao Tông, lập ra nhà Nam Tống. Nhà Kim biết chuyện liền thả Tần Cối về nước để Tần Cối nắm lấy quyền hành nhà Nam Tống, có cơ hội dâng cả Giang sơn nhà Tống cho nước Kim. Tần Cối về nước được thăng dần lên chức Tể Tướng.
Năm 1130, tướng Kim là Ngột Truật dẫn đại quân tiến xuống phía nam, vượt sông Trường Giang đánh Tống. Nam Tống đứng trước nguy cơ diệt vong. Tuy nhiên đội quân nước Kim bị chặn lại bởi nhà Tống vẫn còn một vị tướng tài giỏi, đó là Nhạc Phi.
Nhạc Phi trong tay chỉ có 4 vạn quân nhưng đã đánh tan đại quân của Ngột Truật, đồng thời đánh bại quân Kim ở khắp nơi, chẳng mấy chốc thu lại một nửa Giang Nam (vùng đất phía nam sông Trường Giang) cho Nam Tống.
Năm 1136, Nhạc Phi dẫn quân đánh bại quân Kim thu hồi lại các vùng đất của Nam Tống. Ông xây dựng đội quân Nhạc Gia kỷ luật có lúc lên đến 20 vạn người, quy tụ hầu hết các anh hùng lúc đó, trở thành đội quân chủ lực đánh Kim.
Không chỉ trung với Vua, Nhạc Phi còn thể hiện lòng trung nghĩa với cả bách tính. Ông kỷ luật quân đội rất nghiêm, chủ trương răn dạy quân sĩ: “Đống tử bất sách ốc, ngạ tử bất đả lỗ” nghĩa là “Chết rét không cướp nhà, chết đói không cướp lương thực”. Nhạc Phi nhiều lần cho con trai là Nhạc Vân lấy lương thực trong quân cứu dân khiến sinh linh nước Tống đội ơn sâu.
Quân Nhạc Gia đánh thắng đến đâu, dân chúng đều mang đồ ăn đến cùng quân Nhạc Gia mừng chiến thắng. Mỗi khi công phá được một thành trì, dân chúng đứng hai bên đường hoan nghênh, nhiều người còn quỳ lạy cảm tạ mãi không dậy.
Khi quân sĩ bị bệnh, Nhạc Phi đích thân đến thăm hỏi. Gia đình binh sĩ gặp khó khăn, Nhạc Phi đề xuất quan địa phương tặng nhiều lụa là gấm vóc. Chế độ thưởng phạt công minh khiến Nhạc Gia quân rất hùng mạnh.
Nhạc Vân dù tuổi còn trẻ nhưng chỉ huy đội tinh binh trong Nhạc Gia quân, luôn đi tiên phong đánh đâu thắng đấy, lập nhiều công trạng. Dù thế mỗi khi ghi công trạng báo cho triều đình, Nhạc Phi đều ghi rõ công lao của các binh tướng mà không nhắc gì đến công trạng con trai mình.
Thời đấy các tướng quân hay quan viên có một chút chức quyền thì đều có 5 thê 7 thiếp, tuy nhiên Nhạc Phi luôn chung thủy duy nhất với người vợ của mình. Ngô Giai từng tìm một cô gái con nhà danh sỹ tặng cho Nhạc Phi, Nhạc Phi đứng sau tấm bình phong nói: “Người nhà tôi đều mặc áo vải, ăn thức ăn thô dở, nếu có thể đồng cam cộng khổ thì xin mời ở lại, còn nếu không tôi không dám giữ”, rồi cho người đưa cô gái này trả lại. Khi nhiều người nói không nên làm tổn thương mối gia tình với Ngô Giai, Nhạc Phi đáp rằng: “Nay mối nhục của đất nước còn chưa rửa sạch được, phải đâu là lúc đại tướng an nhàn vui chơi?”. Sau này Ngô Giai biết chuyện lại càng thêm kính trọng Nhạc Phi.
Năm 1137, quân của Nhạc Phi đánh bại quân chủ lực của Kim tại Yển Thành, Toánh Dương. Nhạc Phi cho quân vượt sông truy kích quân Kim để thu về trọn vẹn Giang sơn cho nhà Tống. Thậm chí binh sĩ hăng hái muốn tiến sang nước Kim để cứu vua Tống Huy Tông và Tống Khâm Tông.
Để cứu vãn tình thế, Kim Ngột Truật viết thư cho Tần Cối nói rằng: “Triều đình nhà ngươi xin cầu hòa với triều đình Đại Kim ta, nhưng Nhạc Phi cứ muốn đoạt Trung Nguyên khỏi tay chúng ta. Ngươi nhất định phải tìm cách giết Nhạc Phi, chúng ta mới đồng ý nghị hòa.”
Tần Cối cũng sợ nếu Nhạc Phi tiến ra bắc, âm mưu hàng quân Kim của mình bị bại lộ, nên nói với vua Tống Cao Tông rằng nếu Nhạc Phi tiến ra bắc, quân Kim thua trận phải nghị hòa trao trả lại vua Tống Huy Tông và Tống Khâm Tông, thì Đế vị của Tống Cao Tông sẽ mất.
Vua Tống Cao Tông nghe lời Tần Cối, trong một ngày liên tiếp ra 12 đạo kim bài buộc Nhạc Phi lui quân, Nhạc Phi than thở: “Thập niên nỗ lực, hủy vu nhất đán! Xã tắc Giang sơn, nan dĩ trung hưng! Kiền khôn thế giới, vô do tái phục!” nghĩa là: “Mười năm gắng sức, hủy hết một khi! Giang sơn xã tắc, khó bề trung hưng! Càn khôn thế giới, vô phương hồi phục!”
Chưa dừng lại ở đó Tần Cối cho một số gian thần vu cáo Nhạc Phi và phó tướng là Trương Hiến làm phản lên triều đình. Vua Tống Cao Tông nghe tin thì rất tức giận. Cái chết của Nhạc Phi có rất nhiều phiên bản khác nhau. Có phiên bản kể rằng ông buộc phải uống rượu độc, có phiên bản lại nói dù bị tra tấn rất dã man, Nhạc Phi vẫn quyết không nhận tội, và cũng quyết không vượt ngục để thể hiện lòng trung. Nhạc Phi, Nhạc Vân và Trương Hiến đã chết trong sự khóc thương của muôn dân trăm họ.
Nhạc Phi tinh trung báo quốc, thương dân như con, trở thành người anh hùng mãi mãi được nhân gian truyền tụng. Ông đã triển hiện đầy đủ cho người đời thấy thế nào mới là trung nghĩa.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Lý Thuấn Thuần trung nghĩa Nhạc Phi lịch sử thế giới Trần Quốc Tuấn