Những thần đồng đỗ Trạng nguyên và mối duyên với nhà Phật
- Trần Hưng
- •
Trong lịch sử khoa bảng có không ít người duyên với nhà Phật thi đỗ đại khoa, trong đó có những thần đồng trở thành bậc hiền tài phụng sự Giang Sơn Xã Tắc, được truyền tụng mãi về sau.
Trạng nguyên Nguyễn Kỳ
Tương truyền vào thế kỷ 16 ở xã Bình Dân huyện Đông Yên (nay thuộc thôn Bình Dân, xã Tân dân, huyện Khoái Châu, Hưng Yên) có hai vợ chồng nhà nọ ăn ở hiền lành nhưng gia cảnh lại nghèo khó, đến tuổi tứ tuần mà vẫn chưa có con.
Hai vợ chồng hàng ngày lên chùa thờ cúng Phật, sau đó thì sinh ra được người con trai đặt tên là Nguyễn Thời Lượng.
Năm lên 3 tuổi Thời Lượng được cha mẹ gửi đến chùa làm con nuôi. Vì thông minh lại suốt ngày nghe tụng kinh nên Thời Lượng thuộc nhiều kinh Phật ngay từ bé. Khách vãn cảnh chùa cũng kinh ngạc khi chứng kiến đứa bé 4 tuổi thuộc lòng kinh Phật, gọi là thần đồng.
Thời Lượng rất ngoan ngoãn lễ phép nên các sư thầy ai cũng quý mến, cho đi học. Thời Lượng được đi học vào buổi sáng, buổi chiều làm việc vặt trong chùa, buổi tối thì tự học.
Thời lượng học một biết mười lại chuyên cần nên thăng tiến rất nhanh. Vào buổi tối, vì không có tiền mua dầu thắp đèn nên cậu bé phải vào tam bảo ngồi học dưới chân tượng Phật, nhờ vào ánh sáng từ những cây nến thờ Phật hắt ra. Đến khi nến cháy hết thì cậu phải ngừng học. Sư thầy thấy vậy bèn mua loại nến cao hơn, đốt được lâu hơn để Thời Lượng học.
Năm 1541 nhà Mạc mở khoa thi, sư thầy nằm mơ thấy người đỗ Trạng Nguyên là Nguyễn Kỳ, liền đổi tên Nguyễn Thời Lượng thành Nguyễn Kỳ. Khoa thi năm ấy Nguyễn Kỳ vượt qua tất cả các trường thi, vào đến kỳ thi cuối cùng là thi Đình. Bài Văn sách xuất sắc của Nguyễn Kỳ được chấm điểm cao nhất đỗ đầu tức Trạng nguyên. Năm ấy Nguyễn Kỳ mới chỉ 21 tuổi.
Nguyễn Kỳ ngồi xe ngựa Trạng nguyên vinh quy bái tổ về làng, dân làng tập trung ở chùa hân hoan tự hào đón chào Trạng nguyên. Nguyễn Kỳ tạ ơn Phật ban cho mình trí huệ, cùng sư thầy đã giúp mình học thành tài, lại không quên về nhà thăm tổ tiên cha mẹ.
Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo
Nguyễn Đăng là một dòng họ nổi tiếng khoa bảng và hiển đạt ở vùng Kinh Bắc, nhiều đời đều có người đỗ đạt làm quan to trong triều.
Năm 1651 ở làng Hoài Bão (tên nôm là làng Bịu), huyện Tiên Du có vợ chồng tiến sĩ Nguyễn Đăng Minh sinh hạ được người con trai, đặt tên là Nguyễn Đăng Đạo. Tương truyền khi phu nhân ông Đăng Minh là bà Ngọc Nhĩ có thai, một đêm vào mùa hạ trăng sáng, bà ra giếng lấy nước, chợt có một ngôi sao sáng lấp lánh rơi vào thùng nước, bà bèn mang thùng nước về dùng, sau đó sinh ra Đăng Đạo.
Năm 6 tuổi Đăng Đạo được gia đình cho đi học, ngay những ngày đầu cậu bé đã cho thấy tư chất thông minh hơn người.
Đường đi học phải qua cầu Trợ, tục gọi là cầu Giếng, những hôm trời rét đậm Đăng Đạo phải vào cầu trú chân cho đỡ rét. Trong dân gian còn lưu truyền câu chuyện quan huyện Tiên Du đi qua cầu đúng lúc Đăng Đạo đang nằm trong cầu cho đỡ rét mà không dậy chào. Quan quát hỏi thì được biết đây là học trò trong huyện, liền bắt phải làm một bài thơ mô tả cảnh trời rét.
Đăng Đạo liền ứng khẩu rằng:
Vi vu gió thổi, bụi lầm đường,
Rét phải nằm co, há phải cuồng!
Cá chửa giương vây miền Bắc Hải,
Rồng còn cuộn khúc bãi Nam Dương.
Cất đầu ngón đợi kiền khôn đế,
Uốn gối mong chầu cảnh thổ vương,
Bĩ hễ cực rồi, rồi đến thái,
Sang xuân đầm ấm lại nghênh ngang
Quan nghe thấy có khẩu khí, liền tha cho Đăng Đạo.
Trên đường đi học Đăng Đạo đi qua chùa Phật Tích nằm ở núi Lạn Kha. Thời đấy chùa do thiền sư Chuyết Công làm trụ trì, tương truyền ông từng đi thuyền vượt biển chở hơn ba vạn quyển kinh Tam Tạng sang nước Nam.
Đăng Đạo hay ghé chùa chơi, thiền sư Chuyết Công cũng rất quý Đăng Đạo. Một lần thiền sư tặng cho Đăng Đạo một cuốn sách quý và nói: Nhà thầy nên đọc kỹ sẽ thành tài. Từ đó Đăng Đạo vốn đã có trí tuệ hơn người, lại có thêm trí huệ của nhà Phật, hiểu thêm được ý nghĩa của đời người.
Năm 19 tuổi Đăng Đạo đỗ đầu kỳ thi Hương tức Giải nguyên, được Triều đình cho học trường Quốc Tử Giám.
Năm 1683, Nguyễn Đăng Đạo vượt qua kỳ thi Hội. Vào kỳ thi Đình, nội dung khoa thi năm đó là “Có nền tảng thái bình tất phải có quang cảnh thái bình”, bài “Văn sách” của Đăng Đạo được đánh giá là văn chương điêu luyện, kiến thức sâu rộng không ai bì kịp, chấm đỗ cao nhất tức Trạng nguyên.
Trạng nguyên Lê Ích Mộc
Vào thời vua Lê Thánh Tông ở làng Thanh Lãng, huyện Thủy đường, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương có hai vợ chồng là ông Lê Văn Quang và bà Nguyễn Thị Lệ rất kính ngưỡng Phật lại hay giúp người.
Bà Lệ sinh được người con trai tuấn tú, mặt vuông vức, tai lớn, hai vợ chồng mừng rỡ đặt tên cho con là Lê Ích Mộc.
Thuở nhỏ Ích Mộc là đứa trẻ thông minh lại ngoan ngoãn nên xóm làng đều yêu quý. Cậu bé cũng rất ham học, ngoài những lúc giúp đỡ cha mẹ thì thường lên chùa Ráng (tức chùa Thiên Phúc) để mượn kinh sách đọc.
Ích Mộc chăm chỉ dùi mài kinh sử, tối đến là đổ cát vào mâm, dùng ngón tay viết chữ, rồi xoa phẳng cát xóa chữ cũ đi để viết chữ mới.
Một lần Lê Ích Mộc đang chơi với chúng bạn thì có một vị sư già đến. Vị sư này thấy đứa trẻ này có quý tướng thì theo về tận nhà, nói rằng đứa trẻ này tương lai sẽ đỗ rất cao, làm vinh hiển gia phong, rồi xin được đưa về chùa để dạy dỗ. Ông Quang và bà Lệ bằng lòng.
Lê Ích Mộc mang theo sách rồi theo vị sư già đến chùa Láng (Yên Lãng) ở kinh thành Thăng Long. Nơi đây là ngôi chùa dòng thiền Diệt Hỷ (Tì Ni Đa Lưu Chi) nổi tiếng trong sử Việt với những thiền sư nổi tiếng trước đó như Pháp Hiền, Định Không, Đinh La Qúy, Vạn Hạnh, Pháp Thuận, Ngô Chân Lưu, Thiện Ông, Ma Ha, Minh Không.
Nhờ sự dạy dỗ chỉ bảo của các cao tăng, sau 5 năm Ích Mộc đã thông tỏ cả tứ thư, ngũ kinh cùng giáo lý nhà Phật.
Sách “Đại Việt đỉnh nguyên Phật học” đã ghi lại tài học của ông: “Tam đông túc học chí Kim cương” nghĩa là sau 3 năm đã thông tỏ Pháp lý trong bộ kinh Kim Cương.
Năm 1502 thời vua Lê Hiến Tông, Triều đình mở khoa thi, Lê Ích Mộc vượt qua kỳ thi Hương cùng tứ trường kỳ thi Hội, bước vào kỳ thi cuối cùng là thi Đình.
Trong kỳ thi Hội hỏi về “Đế Vương trị thiên hạ”, nhưng đến kỳ thi Đình thì Vua lại hỏi về Phật Pháp.
Lê Ích Mộc không chỉ thông tỏ tứ thư, ngũ kinh, mà còn hiểu sâu kinh điển Phật giáo, nhà Vua sửng sốt vì bài Văn sách của ông hay hơn hẳn các bài của sĩ tử khác liền cho ông đỗ Trạng nguyên. Đây cũng là vị Trạng nguyên đầu tiên của thành phố cảng Hải Phòng.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Phật gia Trạng nguyên