Giả vờ là một hành vi làm giả cách để người khác tưởng đó là thật. Con người thường hay giả vờ để che đậy một sự thật nào đó không muốn người khác biết. Trong tự nhiên, để có thể sinh tồn, con người giả vờ, ví như giả chết trước một con gấu, giả mùi để đi săn… Trong thời hiện đại, con người thường giả vờ cảm xúc và cảnh huống.

Tại sao trong thời hiện đại, con người lại phải giả vờ cảm xúc và cảnh huống của mình? Vì người ta sợ sự đánh giá, phán xét của người khác. Một người đang rất buồn và có nhiều điều chất chứa trong lòng, nhưng trước mặt người khác luôn cười nói vui vẻ làm cho mọi người nghĩ mình vui. Đúng hay sai? Tôi không nói đó là đúng hay sai. Đó là sự lựa chọn. Và mỗi lựa chọn đều đem lại những kết quả khác nhau. Chọn giả vờ thì đừng mong người ta hiểu đúng về mình. Chọn giả vờ thì đừng trách tại sao người ta lại gọi mình là người nói dối. Hãy chấp nhận kết quả đó. Chọn sống thật với bản chất và cảm xúc, cảnh huống thì phải chấp nhận bất chấp những đánh giá, phán xét.

Trong một gia đình, nếu ba mẹ thường xuyên giả vờ, con cái sẽ nhận ra. Khi chúng phát hiện ra, chúng sẽ rất ghét người lớn và dần xa lánh, chống đối và coi thường. Trẻ con không biết giả vờ cảm xúc, nếu thấy chúng giả vờ hãy biết giật mình nhìn lại bản thân bởi chúng đang bắt chước những người tiếp xúc với chúng. Một đứa trẻ thấy mẹ khóc, con hỏi vì sao mẹ khóc, mẹ bảo, “Không có gì”. Đó là một cách nói dối, giả vờ không có gì vì không muốn trẻ lo lắng nhưng họ không hiểu trẻ đã lo lắng rồi và con sẽ rơi vào trạng thái lo lắng mà không biết cái gì đang xảy ra, con sẽ rất hoang mang khi mẹ giả vờ, nói dối. Khi không biết cái gì đang diễn ra, con sẽ suy diễn. Nếu việc mẹ khóc diễn ra thường xuyên và mẹ luôn giả vờ không có gì, đứa trẻ sẽ nghĩ làm như vậy là điều đúng. Con sẽ bắt chước và thực hành y vậy, khi con gặp chuyện. Con sẽ không được giúp đỡ.

“Mẹ đang có việc rất buồn nên mẹ khóc. Nhưng mẹ sẽ cố gắng giải quyết việc đó. Con yên tâm. Cảm ơn con đã quan tâm mẹ.” Đây là câu trả lời sự thật và rất đơn giản, nhưng không mấy người nói. Người ta không nói sự thật bởi người ta giả vờ lâu quá không còn biết nói và sống thật, hay người ta không biết cách nói thật nên phải giả vờ? Thường, những người hay giả vờ lại không hề biết rằng việc giả vờ đem lại kết quả tiêu cực gì, do đó họ cũng thường chối bỏ trách nhiệm của họ, không chấp nhận gánh hậu quả.

Khi con cái phát hiện bố mẹ giả vờ, chúng phản ứng, bố mẹ thường không nhận trách nhiệm tại mình đã sống giả vờ nên con mới trở nên như vậy, bố mẹ thường đổ thừa cho những điều khác: tại con, tại trời sinh tính, tại trường, tại xã hội, tại số, tại…, tuyệt đối không phải tại ba mẹ. Họ luôn biện minh ba mẹ giả vờ vì muốn tốt cho con, tại con nên mới phải giả vờ!

Trong hai bài trước, tôi nói, ba mẹ không được phép cãi nhau trước mặt con cái. Các bạn đừng hiểu sai nhé, không cãi nhau trước mặt con cái không có nghĩa là giả vờ hạnh phúc khi không hạnh phúc. Rất nhiều người tránh để con cái thấy ba mẹ cãi nhau hoặc để mọi người thấy mình là một gia đình hạnh phúc hoàn hảo… nên giả vờ hạnh phúc. Họ cho rằng họ làm vậy là tạo ra một môi trường tốt cho con và việc giả vờ là sự hy sinh của họ để con lớn hơn, đủ tuổi trưởng thành… Rất nhiều lý do. Nhưng, một đứa trẻ biết được sự thật ba mẹ không hạnh phúc và giả vờ vì mình, con vẫn bị tổn thương và vẫn coi thường ba mẹ. Thậm chí, con còn cảm thấy nặng nề và cảm thấy bị buộc trách nhiệm, tại con mà ba mẹ con phải hy sinh cuộc sống và niềm vui, hạnh phúc. Con có cảm động vì điều đó không? Rất ít. Con cảm thấy cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình. Nếu vào tuổi teen, chúng sẽ có xu hướng bỏ nhà ra đi, cặp bồ, nổi loạn… kết bạn với những người mà dưới con mắt ba mẹ là người xấu, nhưng với chúng lại là thân thiết bởi chỉ một nguyên nhân: họ nói thật với nó.

“Ba mẹ đang có nhiều vấn đề mâu thuẫn. Ba mẹ sẽ tìm cách giải quyết. Ba mẹ xin lỗi con vì để con phải bận tâm. Nhưng, chúng ta là một gia đình, chúng ta sẽ tìm ra cách. Ba mẹ yêu con. Con nhớ, dù thế nào thì ba và mẹ đều yêu con.” Đó là cách trả lời cho con khi con hỏi về tình trạng của ba mẹ khi chúng thấy sự lạnh nhạt hay thay đổi. Đừng cố giấu bằng cách giả vờ. Hãy nói sự thật, nếu muốn con tôn trọng. Chúng sẽ buồn một chút, nhưng chúng cảm thấy mình được tôn trọng, được chia sẻ, được động viên, được cảm nhận mình là thành viên của một gia đình và những đứa thông minh sẽ nghĩ cách để kết nối ba mẹ lại với nhau bằng những hành động của trẻ con. Hãy cho chúng cái quyền được góp phần xây dựng lên gia đình chung và biến nó thành mái ấm. Dĩ nhiên, tùy theo độ tuổi và sự trưởng thành của con mà ta có thể nói vấn đề là gì hoặc chỉ nói chung chung một phần như mẫu câu ở trên. Nhưng, tuyệt đối đừng giả vờ. Sự giả vờ, ở đâu, trong tình huống nào, độ tuổi nào, cũng gây ra tổn thương và tổn hại.

Để không phải giả vờ, chẳng có cách nào khác ngoài việc phải sống thật.

Trước tiên, để sống thật được với người, cần biết sống thật với chính mình. “Hôm nay mẹ mỏi lắm, mẹ không nấu cơm, con và bố tự lo nhé.” Họ tự lo cho nhau và dĩ nhiên sẽ lo cho bạn, không việc gì bạn phải đóng vai bà mẹ hoàn hảo cơm nóng canh ngọt 365 ngày. “Em không thích anh uống rượu say rồi chạy xe. Điều đó vi phạm pháp luật. Anh thay đổi đi. Hãy đi taxi hoặc phương tiện khác. Em không muốn làm bà góa trẻ, con mất cha hoặc nuôi anh tàn tật, em chưa chuẩn bị gì cho điều đó cả.” Hãy nói thẳng và lặp đi lặp lại hoặc đưa ra biện pháp buộc đối phương thay đổi.. Đừng giả vờ tin rằng anh ấy có thể kiểm soát được. “Anh không đồng ý cách em đối xử với con như thế, điều đó sẽ gây ra tổn thương… cho trẻ. Chúng ta có thể cư xử theo cách… để tránh.” Hãy nói thẳng, đừng giả vờ đồng thuận chỉ để tránh căng thẳng và né vấn đề.

Vui nói vui, buồn nói buồn, yêu nói yêu, ghét nói ghét. Vui thì cười, buồn thì khóc, yêu thì quan tâm chăm sóc chia sẻ, ghét thì ít lại gần. Cảm xúc đi kèm hành vi. Cảm xúc thật, hành vi thật, với chính mình, không tự lừa dối. Dễ? Khó? Tùy vào việc trong cuộc đời đã sống, bạn và tôi đã phải giả vờ bao lần và bao lâu.

Khi ta biết sống thật với cảm xúc và cảnh huống của chính mình, lúc đó ta mới biết tôn trọng sự thật và luôn muốn sự thật, muốn trao đi những điều chân thật vì muốn nhận lại những điều chân thật.

Nguyễn Thị Bích Ngà
09/08/2020

Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng có chỉnh sửa dưới sự cho phép của tác giả

  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Nền tảng giáo dục gia đình” tại đây.
  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Thói xấu người Việt” tại đây.
  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Những tổn thương vô tình gây cho con” tại đây

Xem thêm:

Mời xem video: SOS: “Dâm thư” nguy hiểm đang núp bóng sách dành cho trẻ em