Bài “Nữ công” của tác giả Phan Khôi được đăng trên Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 26 (24.10.1929).

*

Việc gì cũng vậy, không làm thì thôi, làm thì phải làm cho nên hình.

Theo tôi, người ta ở đời bất kỳ là ai, hễ có ăn thì phải biết nấu nồi cơm, có mặc thì phải biết vá miếng dẻ, có ở cái nhà thì phải biết buộc nuộc lạt[1], tóm lại là mọi sự gì thiết đến thân mình, là mình đều phải biết hết mới được. Hoặc giả theo cảnh ngộ của mình có thể khỏi ra tay làm những việc ấy, song mình cũng phải biết; mà biết thì tất đã từng có làm qua rồi. Vậy người nào giỏi cách trí mà không biết nhen bếp lửa thế nào cho đỏ, người nào khoe rằng tôi “vá trời” được, mà không biết làm thế nào cho lành cái áo của mình… thì tôi phải cho rằng người ấy cũng còn chưa khỏi sống nhờ ở tay kẻ khác.

Theo tôi thì vậy, như theo ông thánh, ông hiền thì khác. Khổng Tử nói rằng: “Quân tử có thể đương lấy việc lớn mà không thể biết được việc nhỏ”[2]. Mạnh Tử nói rằng: “Có việc của quân tử, có việc của tiểu nhân”[3]. Quân tử tiểu nhân còn chia ra, huống chi đàn ông và đàn bà. Bởi vậy mới có những thứ việc riêng cho đàn bà làm mà gọi là “nữ công”.

Người ta đã kêu là nữ công, thì tôi cũng nói là nữ công. Song tôi phải tỏ vạch cái “đạo” riêng của tôi như trên kia, hòng khi tôi nói đến nữ công, cho các bà các cô khỏi trách rằng sao tôi là đàn ông mà lại xâm phạm đến việc đàn bà; cho độc giả khỏi quở rằng sao tôi là người văn học nho nhã lại xen lo vào việc bếp núc, tọc mạch đến đàng kim mối chỉ. Tôi phân bua rồi, rào trước đón sau rồi, tôi nói.

Tôi nói: ở nước Nam ta, chẳng có cái gì là đáng gọi là “nữ công” hết.

“Chết! Sao thầy mở miệng ăn mắm ăn muối mà nói bậy thế? Sao thầy dám cả gan mạt sát hết thảy?” – Có bà sẽ bảo tôi như thế.

Không. Mạt sát hết thì tôi không mạt sát hết. Song cả nước An Nam 10 triệu đàn bà mà có một vài trăm hay là một vài ngàn hay là một đôi vạn người lành nghề đi nữa, cũng không đủ gọi là một nền nữ công cho xứng đáng được. Mà tôi nói đây là nói về một nền nữ công xứng đáng của đàn bà An Nam.

Hai chữ “nữ công” chắc ai cũng đã biết nghĩa nó. Song, chữ “công” có nghĩa là “việc” đành rồi, mà cũng có nghĩa là “thợ” “khéo” nữa. Vậy trong khi ta nói “nữ công” không nên chỉ biểu nó là “việc của đàn bà” mà thôi, mà phải hiểu là hết thảy đàn bà làm những việc mình làm, đều là “tay thợ” cả, đều là “khéo” cả, mới được.

Cái định nghĩa của chữ nữ công là như vậy, các bà các cô có chịu không? Nếu có chịu thì tôi xin hầu chuyện.

Vậy mà tôi coi đàn bà An Nam ta phần nhiều làm việc đều là “tay ngang” hết. Năm khi mười họa, cũng có khéo song không gọi là thợ được.

Thợ thì phải có quy củ phương pháp. Có quy củ phương pháp cho nên hễ làm ra thì nên thì khéo, chớ không hư và vụng bao giờ. Song đàn bà ta làm việc gì cũng không có quy củ phương pháp, không phải là hạng thợ; ai nấy cũng chỉ làm “tạp nạp”, làm “lấy rồi” cho xong việc thì thôi.

“Thầy thấy mẹ bầy trẻ ở nhà của thầy, rồi thầy nói như thế chớ có ai không theo quy củ phương pháp mà làm được việc bao giờ?” – Bà khác sẽ bảo tôi như vậy nữa.

Nhà mẹ bầy trẻ tôi cũng vậy, mà, nói vô phép, bà cũng vậy. Tôi đi đủ 3 kỳ hết, đâu tôi cũng có ở, tôi thấy đàn bà xứ ta làm công làm việc mà tôi bắt chán, nhiều khi chẳng những trái con mắt tôi, mà cũng muốn ngứa đến lỗ miệng tôi.

Khoan nói đến việc chi đã, hãy nói cái nghề may vá là nghề chuyên tay của các bà, mà các bà đã làm cho đúng đâu ra đấy chưa, tôi hỏi?

Trước hết nói về cái kiểu cầm kim. Cầm kim thì phải cầm ngón giữa. Nghĩa là ấn cái đít kim vào thân ngón giữa, rồi ngón cái đè trên vải, ngón trỏ đỡ dưới vải, nương cây kim mà đẩy tới. Bởi ngón giữa chịu lấy đít kim nên phải dùng cái bao tay. Đó, cái kiểu cầm kim cho đúng là như vậy đó. Bà có chịu không? Nếu không chịu thì bà chưa hề biết nghề may; nếu chịu, thì chắc bà cũng cầm kim ngón giữa được chớ?

Tôi hỏi mà hỏi thưng thưng, không dám hỏi riết. Hỏi riết sợ làm nột[4] bà.

Tôi thấy ra trong một trăm người đàn bà, hết chín mươi chín người cầm kim không đúng phép. Họ chỉ cầm trong hai ngón, là ngón cái và ngón trỏ. Họ cầm như vậy rồi dùi lên dùi xuống, được chừng bốn năm mũi thì rút lên mà kéo chỉ. Bởi vậy nên họ không cần dùng đến bao tay. Thật, đây tôi xin cá, bây giờ nếu đem lục hết cả rổ may của đàn bà, chắc là nhiều cái rổ không có bao tay.

Cầm kim ngón giữa thì mới “luông”[5] được. Có luông được thì mới gọi là “may”. Vì trong sự may, luông là phần chánh, năng dùng hơn hết. Theo kiểu cầm kim của phần nhiều đàn bà ta, vừa nói trên đó, nên khi tôi thấy họ làm công việc ấy của họ mà tôi muốn hỏi, thì không có thể dùng được tiếng “luông” và tiếng “may”, mà tôi phải hỏi: Cô “dùi” cái chi đó cô? hay là: Bà “chằm” cái chi đó bà?

Rồi nói đến cách dùng kim. Dùng kim có hai cách: một là “luông” hoặc “tách”; hai là “lảy mũi một”.

Luông lại chia ra hai kiểu khác nhau: luông trầm và luông gác[6]. Luông gác thì hai bề mạch chỉ cũng nổi lên và bằng nhau; còn luông trầm thì một bề mạch chỉ nổi lên như thường, một bề mạch chỉ trốn vào trong, không thấy.

Như những chỗ lai áo lai quần ta là đáng luông trầm, luông trầm mới khéo. Song không phải tay thợ thì đố làm thế nào cho mạch chỉ một bên trầm đi được. Vì đã không cầm kim ngón giữa được thì không luông trầm được; cứ dùi lên dùi xuống, thì đánh cho chết, mạch chỉ nó cũng đuột đuột ra hai bề như nhau.

Lảy mũi một lại chia ra: đột, vắt, xom, bảng, bốn thứ, mỗi thứ dùng kim đi một thế mà cũng chỉ có cầm ngón giữa được thì làm mới khéo được.

Đại để trong khi lảy mũi một mà biết cầm ngón giữa, thì ba ngón đã dùng như nói trên kia rồi, còn ngón vô danh và ngón út thì dùng mà kẹp lấy miếng vải. Như vậy, năm ngón tay đều có làm việc hết, và nó liên tiếp với nhau, giữ cho miếng vải được ngay thẳng luôn và đường kim được đều đặn, khỏi có mũi dài, mũi ngắn. Còn như cầm nội hai ngón cái và trỏ, thì hai ngón kia, dầu có kẹp lấy miếng vải nữa, mà ngón giữa đã bỏ ra rồi, thì nó mất sức đi mà không được vững, mũi kim xiên xẹo hay không đều là tại đó.

Cầm kim phải theo phép, mà trong khi may, ngồi thế nào, cái chưn để làm sao, cái tay cầm miếng vải làm sao, cũng phải có phép nữa. Song cái đó, đàn bà ta lại không kể đến lắm. Thấy có nhiều người ngồi duỗi dọc hai chân ra, chân nầy vắt lên chân kia, lưng dựa vào cột mà may, thì tôi không biết may làm sao được, vì ngồi thất thế quá.

Phép ngồi may, bao giờ cũng phải một cái chân xếp lại để trệt ván (nói theo kiểu xưa), còn một cái chân, gấp lại mà dựng đầu gối lên. Khi chân trái dựng, thì tay trái bỏ qua, choàng lấy đầu gối mà cầm miếng vải; còn tay mặt thì chống cùi trên đùi chân mặt mà cầm kim. Hễ mỏi thì lại đổi chân kia, cũng làm như vậy. Làm như vậy để cho tay nào cũng có chỗ dựa hết, có dựa thì cái tay mới khỏi chao mà đường kim mới thẳng và đều.

Khi nào tôi thấy người đàn bà may không đúng phép mà có thể hỏi được thì tôi cũng hỏi. Hỏi thì người ta đánh tiếng trả lời rằng: Thế nào may được thì thôi!

Được thì thế nào chả được; nhưng mà muốn cho khéo, cho ra tay thợ kia chớ. Bởi vì đã nói rằng “nữ công” “công” là thợ, là khéo.

Tôi nói thì nói vậy, chớ thiệt không có ý trách. Vì ở nước ta hết thảy mọi việc đều như vậy cả, không những một việc nữ công. Ngày trước, hồi còn học chữ nho, học trò cũng chẳng có mấy người cầm bút cho đúng phép mà trách gì đàn bà cầm kim?

Ngày trước bỏ, chẳng nói làm chi. Bắt đầu từ ngày nay trở đi, tôi tưởng, phàm việc gì cũng vậy, ta không làm thì thôi, làm thì phải làm cho nên hình.

Muốn làm mọi việc cho nên hình thì ta phải học mới được. Ngày xưa, trong mọi việc nữ công, bất kỳ may vá, nấu ăn, hay là làm bánh làm trái, đàn bà ta, từ hồi nhỏ, chỉ thấy người ta làm rồi làm theo, chớ ít người có học cho đúng đắn. Không học cho đúng đắn, không có thầy, không theo quy củ phương pháp, thì làm thế nào cho khéo được? Bây giờ ta nên bỏ cái cách làm theo thói quen đó đi, mà ta bắt đầu gia công học tập, mong ngày sau trở nên một nền nữ công trọn vẹn.

Nói đến sự học thì lại thêm ra một cái vấn đề rắc rối. Học vào đâu? Ai dạy cho? Ta nên trông cậy vào các trường nữ học chăng? Tôi không dám chắc.

Tôi chưa có dịp biết được trong các trường nữ học ở tay đây, về nữ công họ dạy ra làm sao. Song tôi thấy một vài cái hiệu quả thì tưởng chừng như cách dạy không được tốt lắm.

Một điều ta biết chắc, là bất kỳ cô nào ở trường nữ học ra, cũng đều thêu được hết. Song những việc cần dùng thường làm ở trong nhà, hoặc giả lại không rành.

Tôi cử ra một việc dưới nầy để thấy cái sự mới vừa nói đó là có thể có, chớ không phải tôi cho các cô đã tốt nghiệp ở nhà trường ra đều là dở hết đâu.

Một lần tôi ở chơi nhà một người bạn tại Phan Thiết, hai vợ chồng bạn đều làm giáo học. Hôm ấy chúa nhựt, thầy giáo cỡi xe đạp đi chơi với tôi. Lúc về, thầy rủi bị té xe, cái quần lụa mới tinh mà rách một miếng. Cô cầm săm soi ra dáng tiếc lắm, rồi sai đứa ở đem thuê thợ vá. Tôi lấy làm lạ. Vì chỗ anh em thân, tôi hỏi riêng thầy. Thầy khai thiệt với tôi rằng cô không biết vá. Song le, cô thêu khéo có tiếng.

Tôi thấy mà hồ nghi cho sự dạy dỗ ở nhà trường. Nghề thêu vẫn nên học, song làm sao lại không dạy vá, là sự cần dùng ở trong nhà hơn nghề thêu?

Để sự giáo dục ở nhà trường lại đó, khoan nói tới. Bây giờ tôi xin bàn riêng với các người làm chủ trong gia đình về sự dạy nữ công.

Nhà nào có con gái từ 12 tuổi trở lên, mà trong nhà có thể làm được, thì nên rước thợ rước thầy dạy cho con mình về mỗi nghề. Đại khái chỉ có may vá, bánh trái và nấu ăn, ba việc đó mà thôi, học cũng chẳng mất công và tốn tiền là mấy. Mà học, cũng chỉ học cho biết phương pháp quy củ, và trong một nghề chỉ học mấy món cần, không phải học đủ như thợ chuyên môn. Hễ biết phương pháp quy củ rồi thì sau lần lần nghề dạy nghề mà trở nên khéo không khó. Nhà nếu đông con, thì đứa lớn học thành nghề rồi sẽ dạy cho đứa nhỏ, khỏi phải rước thợ ở ngoài nữa.

Cái cách dạy nữ công như trên nầy tôi thấy có nhà đã thiệt hành rồi, chẳng qua tôi nói ra đây để giới thiệu cho bà con đó thôi. Cách giáo dục ấy tất là không được phổ cập, song trong khi ta chưa có thể cậy ở nhà trường được thì thiệt không có cách gì hơn cách ấy.

Tôi viết bài nầy xong, đọc lại, thấy có chỗ hơi thâm khắc một chút. Song cái bổ ý tôi, vì muốn cho hết thảy người An Nam chúng ta từ nay về sau, làm việc gì cũng phải cho có phương pháp, cũng phải trông cho đến bậc hoàn thiện, đem cái tinh thần khoa học mà tưới vào mọi công ăn việc làm, nên có một đôi lời hơi xốc nổi, xin độc giả lượng cho, nhứt là xin các bà các cô tha thứ cho.

Phan Khôi

Chú thích:

  1. Bản gốc là nuột lạt, có lẽ in sai; từ điển của H. T. Paulus Của chỉ có nuộc, được chú là: một bận dây cột giáp mối, một khoanh tròn; nuộc lạt = sợi lạt cột giáp mối; Một nuột lạt một bát cơm = nhân công đắt đỏ
  2. Sách Luận ngữ: “Quân tử khả đại thụ nhi bất khả tiểu tri dã”
  3. Sách Mạnh Tử: “Hữu quân tử chi sự, hữu tiểu nhân chi sự”
  4. Nột: gấp gáp, dồn dập, cùng đường (Theo Từ điển phương ngữ Nam Bộ)
  5. Luông: may giấu đường chỉ vào trong (Theo Từ điển phương ngữ Nam Bộ)
  6. Bản gốc là luông gát, có lẽ in sai, ở đây sửa là luông gác

Những tác phẩm của nhà báo, học giả Phan Khôi (1887-1959) đăng trên báo chí trong năm 1931, chủ yếu là trên nhật báo Trung lập và tuần báo Phụ nữ tân văn ở Sài Gòn, báo Đông tây ở Hà Nội, sau hơn 70 năm bị rơi vào quên lãng, lần đầu tiên được nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân sưu tầm, biên soạn và tái công bố trên trang lainguyenan.free.fr.