Cổ ngữ có câu: “Lấy vợ phải coi trọng hiền đức”. Bậc thánh nhân và những người có phẩm hạnh đều coi trọng đạo đức, hành thiện, kính trời, biết mệnh, không chấp vào danh lợi mà nghiêm túc tuân thủ lễ pháp, coi trọng đạo vợ chồng. Họ cho rằng, chỉ người phụ nữ có phẩm hạnh đạo đức, hiền thục, trí tuệ mới có thể tề gia, dạy bảo con trở thành người tốt. Trong lịch sử xưa nay, người phụ nữ không chỉ gánh vác công việc gia đình, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ đẻ, cha mẹ chồng, giúp chồng tạo dựng công danh sự nghiệp, dạy con, mà đôi khi còn gánh vác cả việc quốc gia, đại sự. Tuy nhiên nền tảng quan trọng nhất để làm được điều đó chính là “ti nhược”.

Mẹ chồng và con dâu thời xưa giữ cho gia đình hòa thuận như thế nào?
(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

“Ti nhược” xuất hiện trong cuốn “Nữ giới”, một bộ quy phạm lễ giáo hoàn chỉnh dành cho phụ nữ do Ban Chiêu soạn ra. Ban Chiêu là nữ sử học gia đầu tiên của Nho gia, đồng thời là nhà văn thời Đông Hán. Bà sinh ra trong một gia đình có truyền thống học vấn uyên thâm. Sinh thời, Ban Chiêu thường được truyền vào Hoàng cung dạy kinh sử cho Hoàng hậu, Quý phi, hay cung nhân, và được gọi là Lão Sư. Cuốn sách “Nữ giới” của Ban Chiêu đã đưa ra các phương diện đức hạnh và hành xử lễ nghi để quy phạm người phụ nữ xử thế lập thân, đã tạo nên ảnh hưởng cực kỳ sâu sắc mấy ngàn năm sau này.

Vậy “ti nhược” cụ thể là gì? Trong sách “Nữ giới” viết: “Khiêm nhượng cung kính, tiên nhân hậu kỷ, hữu thiện mạc danh, hữu ác mạc từ, nhẫn nhục hàm cấu, thường nhược úy cụ, ti nhược hạ nhân”, nghĩa là làm phụ nữ thì phải khiêm nhượng, cư xử cung kính, đặt người khác lên trên mình. Dù bản thân làm điều tốt cũng không được khoe khoang tự mãn, còn làm việc sai thì không được thoái thác trách nhiệm. Hàm dưỡng đức nhẫn nhịn, không tranh biện với người, giữ tâm kính sợ, dè dặt cẩn thận. Nếu có thể thực hành được những việc này thì đã làm được “ti nhược”, khiêm nhường rồi. Từ đó có thể hiểu rằng, chữ “ti nhược” ở đây không phải mang nghĩa “ti tiện, yếu kém” mà là chỉ sự “khiêm nhường”.

Quan niệm về vai trò của nữ nhân trong xã hội ngày nay có nhiều thay đổi, người phụ nữ ở một số nước gánh vác công việc có thể nói là ngang với nam giới, đôi khi còn hơn, cũng là vì quan niệm nam nữ bình quyền hiện đại tạo ra như thế. Nhưng dù là thời nào thì một nữ nhân hiểu đạo vẫn luôn được gia đình tôn trọng và xã hội tôn vinh.

Đạo của nữ nhân là gì? “Nữ giới” viết: “Chính sắc đoan thao, dĩ sự phu chủ, thanh tĩnh tự thủ, vô hảo hí tiếu, khiết tề tửu thực, dĩ cung tổ tông”, nghĩa là giữ khuôn mặt đoan trang, phẩm hạnh đoan chính, làm việc thì nghe ý kiến chồng, thanh tĩnh tự trọng, không hay đùa giỡn, biết chuẩn bị rượu và đồ ăn sạch để cúng tế tổ tiên.

Nam chủ ngoại, nữ chủ nội, là người chủ quản của một gia đình, nữ nhân nên dịu dàng nhu hòa, niềm nở tươi cười và là trung tâm, nhân duyên của gia đình ấy. Họ cần giống như nước, “ở vào vật chứa hình vuông thì sẽ có hình vuông, vật chứa hình tròn thì là hình tròn”, thích ứng được mọi hoàn cảnh, giàu nghèo, cao thấp. Nước có thể nuôi dưỡng được vạn vật mà lại chảy chỗ trũng, không cùng vạn vật tranh chấp, giống như đức tính nhường nhịn và bao dung của nữ nhân vậy.

Trái lại, nếu nữ nhân động một chút là đôi co với chồng, trước mặt con cái cũng không thể hiện sự khiêm tốn, như thế cuối cùng không ai có thể dạy dỗ được con nữa. Người phụ nữ có thể hạ mình là một người phụ nữ có sự tự tin và trí tuệ.

Văn hoá truyền thống cho rằng: “Khiêm thụ ích, mãn chiêu tổn”, nghĩa là sống khiêm tốn thì sẽ nhận được điều tốt lành, còn kiêu căng tự mãn thì sẽ bị tổn thất, từ đó khuyên răn mọi người phải khiêm nhường, nhã nhặn. Văn hoá truyền thống cũng nhìn nhận rằng trong quan hệ giữa người với người cần làm được “ti kỷ nhi tôn nhân”, tức là hạ thấp bản thân và tôn người khác. Trong mối quan hệ vợ chồng cũng là như thế, “vợ tôn kính chồng như núi, chồng quý vợ như ngọc”.

Ngày nay, có một số người lấy sự bình đẳng giữa nam và nữ để kết luận rằng phụ nữ hiện đại hạnh phúc hơn phụ nữ thời cổ đại rất nhiều. Nhưng điều có thể nhìn thấy được là phụ nữ hiện đại vất vả hơn phụ nữ thời cổ đại nhiều. Thời xưa, yêu cầu chung của người phụ nữ là chăm sóc gia đình, và yêu cầu cao nhất là đức hạnh. Còn phụ nữ hiện đại, ngoài việc sinh con và chăm lo gia đình, họ còn phải cạnh tranh với cả nam giới và phụ nữ khác ở nơi làm việc. Những người phụ nữ mạnh mẽ hiện đại có người hoàn toàn không biết sự cao thượng của “ti nhược”. Nhưng dường như nước mắt họ rơi cũng không ít, trong tâm lo lắng lại càng nhiều, những việc phiền não lại càng nhiều hơn, ngày càng rời xa hạnh phúc hơn.

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: