Trầm lặng là trí tuệ, là hàm dưỡng
- Thiên Cầm
- •
Trong cuộc sống, chắc hẳn mỗi người chúng ta đều từng phải nghe những lời khó nghe, hoặc giả vô tình thốt ra những điều gây tổn thương người khác. Nhà văn Hemingway từng nói: “Chúng ta mất hai năm để học nói, nhưng lại mất hơn 60 năm cuộc đời còn lại để học cách im lặng. Về sau này, khi càng nói nhiều, khoảng cách giữa con người lại càng xa cách hơn, mâu thuẫn cũng nhiều hơn.” Người thực sự trưởng thành sẽ không quá khoa trương, không làm việc qua loa đại khái, họ cũng không quá thiên về cảm xúc. Họ suy ngẫm trầm lặng, bởi vậy lời nói ra có giá trị, có trọng lượng và có tư tưởng. Đây chính là giá trị của sự lặng im.
Trầm mặc là sự lắng đọng cần thiết
Có người nói rằng nước trong vắt không phải là vì nó không có tạp chất, mà là vì nó có thể lắng đọng. Nước đục thì chỉ cần lắng lại một thời gian lâu cũng sẽ trở nên trong veo. Con người cần có một thời gian tĩnh tại mới có thể thực sự lắng đọng tâm hồn mình.
Lặng im là chỗ dựa cho sinh mệnh, giúp bạn lắng lại những cảm xúc, những nghĩ suy và làm phong phú tâm hồn mình. Một người lặng lẽ ít nói thường có tính cách hướng nội, bề ngoài họ kín tiếng bao nhiêu thì rất có thể nội tâm lại hoạt bát bấy nhiêu.
Tĩnh lặng, chuyên tâm mới là sức mạnh của sự trầm mặc, cũng là sự thăng hoa của tự thân. Bởi lẽ phía sau sự an tĩnh của tâm hồn là một nơi xa hơn và rộng hơn, là khung cảnh diễm lệ hơn.
Trầm lặng là triết lý xử thế, biết sử dụng nó lại là một nghệ thuật. Lời nói của bạn cần giống như những vì sao trong đêm, chứ đừng giống như pháo sáng đêm 30: Có ai nuối tiếc pháo sáng kết thúc năm cũ? Lời nói không quý ở nhiều, mà quý ở kiệm.
Kiệm ấy không phải là cô đơn tịch mịch. Bởi lẽ tư duy của người ta sẽ luôn sẵn sàng hành động, như thanh kiếm sắc đựng trong bao vậy.
Trầm lặng là một kiểu hàm dưỡng
Sau khi Quang Vũ Đế Lưu Tú bại trận, vì muốn xem xét trạng thái các binh sỹ sau cuộc chiến, ông bèn đi tuần đêm khắp doanh trại. Trong lán trại, một vài người đang khóc lóc thở than, một vài người khác thì say bí tỉ, nức nở. Cả chặng đường đều nặng trĩu như mây đen u ám, Lưu Tú thấy vậy trong lòng lo lắng chẳng yên.
Cuối cùng ông đến trước một lán trại, bên trong có một vị tướng quân trẻ đang ngồi. Cậu ta đang miệt mài lau vũ khí và áo giáp của mình bằng một mảnh giẻ. Nét mặt cậu không chút đau thương hay ủ rũ, cũng chẳng tỏ vẻ phẫn nộ, hay hưng phấn mà chỉ im lặng mải miết lau binh khí trong tay, như thể trận chiến lần sau sẽ tới ngay tức thì. Trong lòng Lưu Tú thất kinh, thầm nghĩ người này về sau ắt thành đại sự.
Chàng trai ấy chính là Ngô Hán, sau này là đại tướng quân của Đông Hán. Cậu trầm lặng là để chuẩn bị cho lần xuất quân tới. Cậu không tranh biện, không biểu cảm, dù buồn hay vui cũng đều giữ chặt trong lòng, khiêm nhường xử thế, vinh nhục chẳng thất sắc.
Nhìn thông tỏ mà nên giữ trong lòng
Trong đối nhân xử thế, nhìn thông mà nói chẳng tỏ chính là đại trí tuệ. Rất nhiều việc trong lòng đã tỏ tường, nhìn thấu nhưng chẳng nên nói hết, thông hiểu nhưng chẳng nỡ vạch trần.
Vào thời Tam Quốc, Dương Tu đảm nhiệm chức quan cai quản tiền tài, lương thực trong quân Nguỵ. Ông nhiều lần nắm được ý định của Tào Tháo, lại hồ đồ nói ra, khiến Tào Tháo nghi ngại. Đỉnh điểm của mâu thuẫn xuất hiện trong câu chuyện “Kê lặc” (Tạm dịch: Gân gà).
Tào Tháo thống lĩnh đại quân rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan. Một đêm nọ thuộc hạ thỉnh giáo Tào Tháo khẩu lệnh trấn thủ ban đêm, Tào Tháo buột miệng nói: “Kê lặc”. Dương Tu nghe vậy bèn lập tức lệnh cho quân đội thu xếp hành trang. Mọi người vội vàng vây quanh hỏi rõ nguyên cớ, Dương Tu dương dương tự đắc nói: “Gân gà, thứ này ăn vào thì vô vị, mà bỏ đi thì tiếc, chứng tỏ chủ công dự tính về nhà rồi.”
Sau khi biết chuyện Tào Tháo lập tức giết Dương Tu với tội danh mê hoặc lòng quân. Tuy vậy, hôm sau ông ta lại ra lệnh rút quân về.
Mọi việc đều nên chừa lại cho người một đường lui, cũng là chừa lại cho mình một khoảng trắng, không chỉ là thiện ý, mà còn làm vinh hiển nhân cách của bản thân. Im lặng khi cần thiết, không nên mồm miệng nhất thời nhanh nhảu, có như vậy mới có thể hoá giải những mâu thuẫn và bối rối.
Cổ nhân có câu: “Định mưu quý quyết, cơ xảo quý tốc, cơ sự quý mật”, nghĩa là “Mưu tính quý ở sự quyết đoán, linh hoạt mềm dẻo quý ở sự nhanh chóng, chuyện đại sự quý ở việc bảo mật.” Trong Ma Cật Kinh cũng nói: “Phòng ý như thành, thủ khẩu như bình”, ý là khắc chế tư tâm dục niệm như giữ thành trước kẻ địch, phải cẩn thận cái miệng của mình như đóng nút chai vậy.
Theo Sound of Hope
Thiên Cầm biên dịch
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa đối nhân xử thế Tào Tháo Ernest Hemingway Dương Tu Kê lặc