Quốc gia mạnh nhờ đức, không nhờ địa thế hiểm yếu
- An Hòa
- •
Chân lý của đời người là tu đức, bởi vì người có đức thì sẽ tự trường tồn ở thế gian. Từ xưa đến nay bậc thánh nhân thánh giả đều biết rõ tính trọng yếu của tu đức nhưng rất nhiều người hiện đại lại bị trầm mê trong hưởng lạc vật chất mà quên mất tu đức – cái gốc của phú quý, của sự trường tồn. Đạo trị quốc cũng là như thế, quốc gia mạnh nhờ đức, không nhờ địa thế hiểm yếu.
Francis Bacon, nhà triết học, chính khách người Anh thời kỳ văn hóa Phục Hưng, trong “Luận học vấn” viết: “Đọc sử khiến người ta sáng suốt, đọc thơ khiến người ta xinh đẹp.” Nếu ai yêu thích sử của Tư Mã Thiên, đọc qua một lượt “Sử Ký” của ông sẽ có cảm giác như đang đọc thơ. Bởi vì trong “Sử Ký” có rất nhiều câu danh ngôn mang tính triết lý nhân sinh sâu sắc, là bài học xử thế làm rung động tâm can người đời sau. Trong đó có câu: “Sơn hà chi cố tại đức bất tại hiểm” (Sự vững mạnh của đất nước là ở đức, không phải ở địa thế hiểm yếu) vừa đẹp đẽ vừa sâu sắc tinh xảo.
Trong “Sử Ký” có đoạn viết: Năm 396 TCN, Ngụy Văn Hầu mất, thế tử Kích lên thay, tức là Ngụy Vũ Hầu. Một hôm Ngô Khởi theo Ngụy Vũ Hầu bơi thuyền xuôi dòng sông Hoàng Hà, Ngụy Vũ Hầu nói với Ngô Khởi rằng: “Thật là tuyệt đẹp! Núi sông hiểm trở, dễ thủ khó đánh, quả là của quý của nước Ngụy”.
Ngô Khởi thưa:
“Của quý thực sự là đức chứ không phải đất đai hiểm yếu. Ngày xưa, Tam Miêu bên trái là hồ Động Đình, bên phải là hồ Bành Lãi, nhưng vì không tu đức nghĩa, nên bị vua Vũ diệt.
Đô thành vua Kiệt nhà Hạ, bên trái là sông Hoàng Hà, bên phải là núi Thái Sơn, Hoa Sơn, phía nam là núi Y Khuyết, phía bắc là núi Dương Trường nhưng vì chính sự bất nhân, nên bị vua Thang diệt.
Nước của vua Trụ nhà Ân, bên trái là núi Mạnh Môn, bên phải là núi Thái Hàng, phía bắc là núi Trường Sơn, lại có sông Đại Hà chạy dọc phía nam, nhưng vì chính sự không có đức cho nên bị Vũ Vương diệt. Từ đó mà xem, thì giữ nước ở đức chứ không ở chỗ hiểm. Nếu mà vua không lo tu đức, thì người cùng thuyền cũng đều là kẻ địch vậy.”
Ngụy Vũ Hầu đáp: “Nói hay lắm!” Ngụy Vũ Hầu tán đồng ý kiến của Ngô Khởi, bèn phong Ngô Khởi làm Tây Hà thú. Từ đó Ngô Khởi cũng trở nên rất nổi tiếng.
Trong lịch sử Trung Hoa, Tần Thủy Hoàng vì để chống cự sự xâm lược của kẻ thù bên ngoài mà tu kiến Vạn Lý Trường Thành. Tùy Dạng Đế cũng tu kiến Kinh Hàng Đại Vận Hà. Vạn Lý Trường Thành không thể nói là không hiểm, Kinh Hàng Đại Vận Hà không thể nói là không dài, nhưng triều nhà Tần và triều nhà Tùy lại là hai vương triều đoản mệnh trong lịch sử. Trên thế giới ngày nay cũng có không ít quốc gia xây dựng nhiều công trình vĩ đại, hoành tráng, hao tài tốn của nhưng không có tác dụng gì to lớn mà thậm chí còn phá hoại hoàn cảnh sinh tồn của người dân, chưa nói đến nhờ đó mà quốc gia vững mạnh hơn. Điều này thật là đáng tiếc!
Mạnh Tử từng nói: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” (tạm dịch: Dân là quý nhất, sau rồi đến xã tắc, vua là nhẹ nhất trong ba thứ ấy). Lời này thật có đạo lý, nếu không có dân sao có được đất nước?
Cổ nhân nói: “Người được lòng dân thì được thiên hạ”. Nếu một đất nước mà người thống trị không tu đức, nền chính trị không thi hành nhân nghĩa thì người dân trong cả nước có thể sẽ biến thành địch nhân. Cho dù đất nước ấy có tài nguyên thiên nhiên trù phú, có địa thế hiểm yếu đi nữa, kết cục cũng là “người mất lòng dân thì mất thiên hạ”, đất nước khó tránh khỏi diệt vong.
Triều đại nhà Thanh, thời Hoàng đế Khang Hy tại vị, cửa Bắc Trường Thành bị nghiêng lún rất nhiều, công bộ và nha môn xin xây dựng tu bổ lại. Khang Hy nói với các đại học sỹ:
“Việc Đế vương trị vì thiên hạ đều là có căn nguyên của nó, không phụ thuộc vào việc thành quách hiểm. Từ khi nhà Tần xây dựng Trường Thành tới nay, các triều Hán, Đường, Tống cũng đã thường sửa chữa, lúc ấy thật sự không gặp tai họa biên cương nào nữa sao?
Cuối đời nhà Minh, đại quân của Thái Tổ tiến quân thần tốc, tỏa đi mọi hướng, đều không có ai dám đương đầu. Có thể thấy rằng đạo lý giữ nước, chỉ có tu đức an dân, hợp lòng dân mới chắc chắn giữ được đất nước, vùng biên cương tự nhiên vững chắc, đây cũng là điều mà người ta gọi là mọi người đồng tâm hiệp lực thì sức mạnh sẽ như bức tường đồng không thể phá.”
Đạo lý mà Hoàng đế Khang Hy thi hành khi tại vị lại một lần nữa chứng minh “Sự vững mạnh của đất nước là ở đức, không phải ở địa thế hiểm yếu”.
Hoàng đế Khang Hy tu đức, lấy dân làm gốc, thay vì xây dựng thành lũy, ông cho xây dựng chùa miếu mà được lòng dân, giúp hòa thuận người dân bốn phương, cuối cùng thành lập được thời kỳ hoàng kim “Khang Càn thịnh thế” kéo dài suốt gần 200 năm.
Thời kỳ thịnh thế này có lưu truyền câu ngạn ngữ rằng: “Minh xây Trường Thành, Thanh xây miếu”. Thời ấy, chùa chiền được xây dựng rất nhiều, nhiều người xuất gia tu hành, người dân đều kính Thần kính Trời, tin vào “thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”, không dám làm điều xằng bậy. Bởi vậy cũng có thể thấy, chỉ có kính Thần, kính Trời, quảng tu thiện đức mới có thể đắc phúc báo mà phú quý được lâu dài.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
- Đạo trị quốc: Xem được mất của người như được mất của mình
- Đạo trị quốc của cổ nhân: Không để lòng dân nguyền rủa
- Bệnh dịch đáng sợ khiến một La Mã không có đối thủ phải suy tàn
Mời xem video:
Từ khóa Sử Ký Lịch sử Trung Quốc Tần Thủy Hoàng Đọc chuyện xưa ngẫm chuyện nay Nhà Thanh Khang Hy