Cổ ngữ có câu: “Nhất chúc bất thắng vạn trớ”, nghĩa là một người cầu phúc thì không thể thắng được vạn người nguyền rủa, oán trách. Sự hưng thịnh hay suy vong của một quốc gia được quyết định ở chỗ lòng dân ủng hộ hay phản đối, không phải ở chỗ khẩn cầu của bậc quân vương.

Đạo trị quốc của cổ nhân: Không để lòng dân nguyền rủa
(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Trong chữ Giáp Cốt, chữ “Chúc” do ba bộ phận “Thị” (示), “Tiết” (卩), “Khẩu” (口) cấu thành. Chữ “Thị” (示) nghĩa là chỉ cho biết, hình tượng của nó đại biểu cho đàn tế hoặc là thần linh, hàm ý là thần linh dẫn dắt con người. Bên phải là chữ “Tiết” (卩) hình ảnh người đang quỳ trên mặt đất cầu khẩn trước đàn tế. Bên trên là chữ “Khẩu” (口), ý chỉ con người dùng lời cầu khẩn để câu thông với trời.

Chữ “Chúc” nghĩa gốc là dùng ngôn ngữ hướng đến Thần linh cầu khẩn, cầu phúc. Thời cổ, người chủ trì nghi thức tế lễ lúc cúng tế cũng được gọi là “Chúc”. Ngày nay, người hiện đại dùng từ “Chúc” để biểu đạt mong muốn những điều tốt đẹp đến với người khác. Chữ “Trớ” (nguyền rủa, trách mắng) có ý nghĩa hoàn toàn ngược lại, là cầu trời giáng họa xuống những người bất lương, hiện thế báo ứng.

Liên quan đến câu nói “Nhất chúc bất thắng vạn trớ”, trong sách “Yến Tử Xuân Thu” có ghi lại một điển cố như sau:

Thời Xuân Thu Chiến Quốc, vua nước Tề là Tề Cảnh Công bị bệnh, mặc dù trải qua chữa trị suốt một năm mà vẫn không khỏi nên cảm thấy vô cùng thống khổ. Tề Cảnh Công liền phái hai vị đại thần là Sử Cố và Chúc Đà đi đến tông miếu làm lễ hiến tế. Hai vị đại thần chuẩn bị vật hiến tế và các tế phẩm vô cùng đầy đủ. Thậm chí, vật tế lễ còn nhiều gấp hai lần so với tiên vương Hoàn Công thường dùng trong mỗi buổi tế lễ. Nhưng kết quả là bệnh tình của Tề Cảnh Công vẫn không có chuyển biến tốt đẹp. Trái lại, bệnh tình của vua càng ngày càng nặng hơn.

Tề Cảnh Công cho rằng lúc Sử Cố và Chúc Đà làm lễ cúng tế đã không thành tâm, đắc tội với thần linh và liệt tổ liệt tông, vì điều đó mà bệnh tình của ông đã không có chuyển biến tốt đẹp mà còn nặng thêm. Cảnh Công muốn giết chết hai vị đại thần này.

Tể tướng Yến Tử biết chuyện ấy liền phản đối: Hiện giờ, ngài yêu thích chó và ngựa, trọng hình phạt nặng, tiêu phí lượng tiền của rất lớn, gia tăng gánh nặng cho dân chúng, cũng khiến lòng dân khiếp sợ. Nếu hai vị đại thần hiến tế mà trình bày sự thật ấy thì Thần linh nhất định sẽ tức giận. Nếu họ che giấu tội lỗi của ngài thì Thần linh cũng nhất định sẽ tức giận. Như thế, hai vị đại thần nói thật cũng không được mà nói dối cũng không xong, hỏi cầu khẩn như thế nào đây?

Tể Tướng lại nói tiếp: Người ở khắp nơi trong cả nước nguyền rủa ngài nhiều lắm. Nếu như cầu khẩn mà linh nghiệm, vậy thì nguyền rủa cũng linh nghiệm. Hai đại thần Sử Cố và Chúc Đà mỗi ngày ở bên ngoài tế lễ cầu khẩn, không ngừng vì ngài mà cầu nguyện cầu phúc thì cũng không thể chống lại được lời nguyền rủa của dân chúng cả nước đối với ngài được, “Nhất chúc bất thắng vạn trớ”.

Trong sách “Luận hành” cũng có ghi lại một điển cố tương tự như sau:

Thời Xuân Thu, Trung Hành là một gia tộc giàu có và quyền quý, có sức ảnh hưởng lớn đến nước Tấn. Đột nhiên trong gia tộc này xuất hiện một loại dịch bệnh. Dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng khiến tính mạng của mọi người trong gia tộc gặp nguy hiểm.

Trước tình hình ấy, gia tộc Trung Hành đã cho cho gọi Thái Chúc Giản, người quản lý việc hiến tế của gia tộc, đến để hỏi tội. Người đứng đầu gia tộc Trung Hành nói:

“Ngươi thân là người quản lý việc hiến tế mà lại làm việc không có hiệu quả, đến nỗi chọc giận quỷ thần khiến cho gia tộc của ta gặp phải tai ương ngập đầu.”

Thái Chúc Giản bình tĩnh đáp:

“Thờ cúng thần linh và tổ tiên có thể khẩn cầu phúc báo, cầu cho gia tộc hưng thịnh, nhưng dân chúng nguyền rủa cũng có thể khiến cho quốc gia diệt vong. Hiện giờ trong nước sưu cao thuế nặng làm cho lòng dân oán hận quở trách. Gia tộc của ngài đứng đầu thiên hạ. Tôi một lòng vì ngài mà khẩn cầu, thế nhưng dân chúng cả nước lại vì ngài mà nguyền rủa. Một lời cầu khẩn của mình tôi sao có thể tiêu trừ được lời nguyền rủa của vạn dân chúng đây?”

Phúc khí của một người, một gia đình hay một quốc gia không phải dựa vào khẩn cầu linh đình mà có được, nó đến từ sự tích lũy từng chút từng chút một mà ra. Một người làm việc xấu, việc bất lương khi gặp tai họa lại không biết suy xét lại đức hạnh của mình, chỉ nghĩ đến đứng trước tượng Phật mà khẩn cầu thì không thể giải được tai họa ấy. Đây chính là Thiên ý.

Cho nên, Khổng Tử nói: “Người làm điều ác, mắc tội với trời, không thể cầu nơi đâu cho thoát tội được”. Học giả triều Tống, Hồng Mại, cũng nói: “Lời cầu khẩn của một người, lời nguyền rủa của một nước, một lời cầu khẩn không thể thắng được vạn lời nguyền rủa, quốc gia chẳng phải cũng vì thế mà tiêu vong ư?” Những lời này thực sự hết sức có đạo lý.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: