Nước Nhật nhìn từ những thứ bình thường
- Nguyễn Quốc Vương
- •
Có những thứ bình thường nhìn thấy hàng ngày nếu quan sát kĩ vẫn có những vẻ đẹp và sự hấp dẫn riêng, gợi nhiều suy nghĩ.
Khi mới đến Nhật Bản du học tôi cũng muốn và cố gắng đến những địa danh nổi tiếng ở Kyoto, Nara, Hiroshima. Nhưng qua một thời gian sống ở Nhật, tôi chợt nhận ra rằng vẻ đẹp và sự hấp dẫn của nước Nhật không phải chỉ nằm ở đó. Có những thứ bình thường nhìn thấy hàng ngày nếu quan sát kĩ vẫn có những vẻ đẹp và sự hấp dẫn riêng, gợi nhiều suy nghĩ.
Rừng và núi
Trước khi đến Nhật tôi hay tưởng tượng Nhật là đất nước công nghiệp với các thành phố hiện đại và những con đường dày đặc ô tô. Đến nơi mới biết sự tưởng tượng ấy không hoàn toàn đúng. Khắp nước Nhật chỗ nào cũng có núi và rừng.
Trên thực tế cũng không thể phân biệt được rạch ròi đâu là núi đâu là rừng vì ngọn núi nào cũng có rừng phủ kín. Ngay sát thành phố là rừng. Những cánh rừng thông, tuyết tùng hình chóp xanh thẫm san sát bên nhau chọc thẳng lên nền trời xanh vào những ngày nắng đẹp gợi cho tôi một ấn tượng mạnh mẽ.
Khi xây dựng đường đi, hầm xuyên núi và các công trình khác người Nhật đã tính toán làm sao cố gắng giảm thiểu sự tác động vào tự nhiên vì thế ngay sát những công trình ấy vẫn là rừng. Bởi thế, thú rừng ở lẫn với người trong mối quan hệ cộng sinh. Chuyện thú rừng mò xuống ăn trộm hoa quả hay vặt rau của người dân sống ven thành phố không phải chuyện hiếm. Những con đường chạy qua ngoại ô các thành phố đôi khi vẫn phải có hàng rào để ngăn thú rừng chạy qua đường gây tai nạn.
Trường tôi học nằm ven thành phố mà gấu vẫn mò ra khu vực trường. Thi thoảng sinh viên lại nhận được email cảnh báo khu vực và thời gian gấu xuất hiện. Trong những trường hợp không nguy hiểm đến tính mạng con người, những chú gấu, khỉ, lợn rừng xâm phạm khu vực dân cư sẽ bị cảnh sát, nhân viên cứu hộ bắn thuốc mê và đem thả về rừng.
Nhà cửa và tường rào
Nhà cửa người Nhật ở nhìn chung thường nhỏ và thấp trừ những khu dân cư đông đúc phải xây các nhà cao tầng. Những ngôi nhà thường được xây bằng các vật liệu tổng hợp bền, nhẹ hoặc dựng bằng gỗ. Hiếm thấy các ngôi nhà được xây bằng gạch. Kiểu dáng những ngôi nhà thường tương tự nhau. Nhìn tổng thể rất khó biết nhà nào giàu, nhà nào nghèo. Mái nhà phủ ngói hoặc vật liệu giả ngói sơn màu tối.
Có vẻ như người Nhật thích trang trí nhà bằng những gam màu lạnh. Bên trong lớp vỏ tối màu và kiểu dáng khiêm nhường đó là không gian rất ấm cúng và tiện nghi. Người Nhật thích trang trí và tạo ra sự tiện lợi của căn nhà bằng các đồ gỗ. Có một chút gì đấy tương đồng giữa sự tương phản của phía trong và phía ngoài ngôi nhà và tính cách của người Nhật: xa cách, giữ lễ ở bề ngoài và quyết đoán, dữ dội ở phía trong?
Trước mặt hay sau nhà thường là mảnh vườn nho nhỏ trồng hoa hoặc trồng cây. Những ngôi nhà không có vườn thường được chủ nhân trang trí bằng những chậu hoa hoặc cây ở phía trước mặt. Khá thú vị là trước cửa ngôi nhà có gắn biển ghi họ (người Nhật gọi nhau bằng họ) của chủ nhân thay vì số nhà như ở Việt Nam.
Điều thú vị nữa là tường hay hàng rào quanh nhà rất thấp. Có lẽ những hàng rào hay bức tường đó chỉ có tác dụng trang trí và xác định đường biên sở hữu là chính. Nó không đủ sức để ngăn trộm vì thường thấp dưới tầm mắt người và phía trên không có cắm mảnh chai hay chăng dây thép. Cánh cổng vào nhà cũng thấp và nhiều trường hợp chỉ cài không hề có ổ khóa. Có lẽ đấy cũng là thứ tạo ra vẻ đẹp của căn nhà người Nhật.
Đường phố và đèn tín hiệu
Hầu hết các con đường ở Nhật không đặt tên bằng tên các danh nhân. Những con đường quốc lộ thường được gọi tên bằng số hiệu như 803, 204… Những con phố và đường thông thường khác thì được gọi theo tên địa danh có từ lâu đời. Các địa danh ấy thường gắn với phong cảnh hoặc địa hình ở đó. Tên chúng thường có các yếu tố như “cây”, “cỏ”, “sông”, “biển”, “núi”, “hoa”, “trên”, “dưới”…
Đường phố ở Nhật thường không có hàng quán vỉa hè. Mọi hoạt động buôn bán thường chỉ diễn ra trong cửa hàng. Vỉa hè đơn giản là không gian dành cho người đi bộ, kể cả những khu phố sầm uất ở Tokyo hay khu phố cổ Gion ở Kyoto, nơi người với người chen sát vào nhau.
Những biển báo trên đường cũng rất dễ nhìn và hữu ích. Ở mỗi chỗ có vạch băng qua đường dành cho người đi bộ sẽ có đèn tín hiệu. Những nơi có mật độ người đi bộ thấp cột đèn tín hiệu sẽ có nút bấm để người cần qua đường bấm cho đèn tín hiệu chuyển màu xanh báo hiệu xe ở hai chiều dừng lại. Những nơi khác thì có đường hầm băng qua đường. Nếu đã từng nếm trải những giây phút rùng mình khi băng qua đường phố ở Việt Nam, bạn sẽ thấy biết ơn những cột đèn tín hiệu như thế.
Cạnh nút bấm ấy có cả phần chữ nổi dành cho người khiếm thị. Những con đường ở phố cũng có vạch chỉ dẫn dành cho người khiếm thị và lối đi dành cho người khuyết tật dùng xe lăn. Tư duy thiết kế tạo điều kiện cho những người yếu nhất cũng có thể sử dụng này có thể thấy ở nhiều nơi không chỉ là đường phố.
Xe buýt và tàu điện
Hiếm có người nước ngoài nào tới Nhật Bản mà lại chưa từng sử dụng hai phương tiện giao thông công cộng phổ biến ở đây là tàu điện và xe buýt. Tàu điện có nhiều loại với cách phân loại chủ yếu dựa vào tốc độ và mật độ dừng lại ở các ga: tàu thường, tàu nhanh, tàu tốc hành, shinkansen… Xe buýt cũng vậy có loại xe buýt đi trong thành phố ở cự ly gần và những xe buýt đường dài thường chạy vào ban đêm giữa những thành phố lớn.
Sự tiện lợi và hiện đại của tàu điện nước Nhật thì khỏi kể ở đây tôi chỉ nói tới hai thứ làm tôi ấn tượng. Một là người Nhật trên tàu trật tự và ít ồn ào. Người ngồi kẻ đứng hoặc là ngủ gật, hoặc là đọc sách, báo hay lơ đễnh ngắm cảnh ven đường. Có lẽ người Nhật có đặc tính không thích ồn ào và rất giỏi… im lặng.
Hai là tàu đến và đi đúng đến từng phút theo thời gian định trước. Nếu tàu đến muộn vài phút nghĩa là đã có sự cố hoặc nguyên nhân nào đó và sẽ được thông báo.
Xe buýt nước Nhật cũng có những điều khác lạ. Chỉ có lái xe mà không có phụ xe thu vé. Lúc xuống xe khách tự quẹt thẻ hoặc trả tiền bỏ vào hộp bên cạnh chỗ ngồi của lái xe. Vé xe được tính tự động theo từng chặng. Nếu khách trả tiền mặt lúc lên xe phải lấy tờ giấy do máy tự động in ra trên đó ghi số hiệu. Lúc xuống xe khách nhìn số hiệu trên bảng điện tử ở đầu xe và so với số hiệu trên giấy để biết số tiền phải trả.
Ứng với mỗi số hiệu sẽ là giá tiền khác nhau tùy vào khoảng cách giữa bến lên xe và xuống. Xe cũng chỉ chạy khi khách muốn xuống đã xuống hết và khách muốn lên đã ở trên xe. Mỗi lần cửa xe đóng đều có cảnh báo bằng lời nói phát ra từ hệ thống âm thanh. Lái xe đeo găng tay trắng và chỉ nói những gì liên quan đến công việc. Với họ an toàn là số một.
Không phải ngẫu nhiên mà trong các cuộc điều tra xã hội học về ước mơ nghề nghiệp của học sinh tiểu học ở Nhật, phần đông học sinh bày tỏ lớn lên muốn được làm lái xe buýt hoặc tàu điện.
Những thứ kể trên là những thứ bình thường và phổ biến ở nước Nhật, chỗ nào cũng gặp. Nhưng ngẫm kĩ thì nước Nhật hơn các nước xung quanh cũng là ở những thứ “bình thường” phục vụ thiết thực cho đời sống người dân hàng ngày ấy. Đương nhiên, những thứ ấy không tự nhiên mà có mà chúng là kết quả của những cố gắng phi thường của một dân tộc từng bị bại trận và chiếm đóng.
Nguyễn Quốc Vương
Đăng lại từ Blog Người Bán Sách Rong (nguoibansachrong.com)
Tham khảo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Bài đã đăng trên báo Nông Nghiệp
Bài viết này về sau được đưa vào cuốn “Nước Nhật nhìn từ những thứ bình thường” (NXB Hà Nội, 2017)
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Văn hóa Nhật Bản đất nước Nhật Bản Nguyễn Quốc Vương