Nước sâu chảy chậm, người tôn quý ăn nói từ tốn
- An Hòa
- •
Tục ngữ có câu “Dục tốc bất đạt”, làm bất cứ việc gì mà có tâm nóng vội thì đều không thành công. Cổ nhân cũng giảng: “Nước sâu chảy chậm, người tôn quý ăn nói từ tốn”. Câu nói này hàm chứa trí tuệ và nội hàm sâu sắc. Nói chuyện hoài ái khiêm nhường một chút thật sự có thể giúp chúng ta tránh được rất nhiều tai họa và sai lầm không đáng có.
Nước càng sâu càng chảy chậm
“Thủy thâm tắc lưu hoãn” (nước sâu thì chảy chậm), ý nói nước càng sâu thì dòng chảy càng thong thả, chậm rãi. Trên mặt nước cho dù gió có thổi làm sóng trào dâng cuồn cuộn nhưng những dòng nước ở bên dưới sâu vẫn luôn tựa như tĩnh tại, không biểu hiện ra sự ồn ào. Làm người cũng cần phải như thế, gặp phải chuyện lo lắng, việc khó khăn thì đều phải bảo trì một tâm thái bình tĩnh và tường hòa.
“Động” và “tĩnh”, “nhanh” và “chậm” đều là thuộc về lý tương sinh tương khắc, trời đất cũng vì có chúng mà trở nên cân bằng. “Động” sẽ khiến tiêu vong xảy ra nhanh hơn, “tĩnh” mới có thể được lâu dài. Cho nên người xưa mới giảng rằng “tĩnh lặng mới có thể nhìn xa”. Một người trí huệ cao siêu, người có hàm dưỡng đạo đức, thì trong xử thế luôn có sự từ bi, có thể nhường nhịn, có thể chịu thiệt. Một khi gặp chuyện, họ có thể trầm tĩnh, tâm lượng rộng lớn và dung nạp được nhiều hơn.
Làm thế nào có thể nhường nhịn được? Lão Tử giảng: “Bất cảm vi thiên hạ tiên”, ý là không dám đứng trước thiên hạ. Thế nào gọi là “không dám”? Đó chính là chỉ cái tâm “danh, lợi, tình” là không dám tranh đứng đầu thiên hạ, không dám để cái tình của thế tục lôi kéo, không dám lưu giữ một ý một niệm không tốt nào trong tâm. Bởi vì, người có đạo đức cao thường cho rằng, cái tâm của một người vừa động, vừa bị ảnh hưởng bởi ngoại vật, thì cảnh giới đã không còn rồi.
Người phàm tục cầu danh, cầu lợi, dám đánh dám mắng, thậm chí việc ác không từ. Người như vậy, kỳ thực sống rất mệt, rất khổ, lo được lo mất, vì một chút lợi nhỏ mà ăn không ngon, ngủ không yên, khiến thân thể bị bệnh tật, trong tâm lo lắng, bất an. Bệnh của một người là từ tâm người ấy mà sinh ra, mệnh cũng là từ tâm sinh ra. Chúng ta thử ngẫm xem, người như thế có thể không bị giảm phúc, giảm thọ sao?
Tất cả các chính giáo trong lịch sử từ xưa đến nay, bao gồm cả Đạo giáo, Phật giáo, Cơ đốc giáo, Thiên Chúa giáo… đều là vì giảng con người phải tu thiện, làm người tốt mà được lưu truyền trong mấy ngàn năm không đứt đoạn.
Người tôn quý ăn nói từ tốn
“Nhân quý tắc ngữ trì”, ý nói rằng, người tôn quý thì lời nói thường là từ tốn, hòa ái, khiêm nhượng. Hơn nữa, họ không dễ dàng tỏ thái độ, không dễ dàng đưa ra kết luận, mà luôn thận trọng từ lời nói đến việc làm. Trong đạo trung dung của Khổng Tử, chữ trung “中” chính là chữ khẩu “口” (miệng) được gạch một vạch thẳng ở giữa, ý tứ chính là khuyên bảo mọi người rằng khi nói không được nói loạn, nói lung tung bừa bãi.
Những người tu hành thời cổ đại như các tăng nhân, đạo trưởng đều coi trọng tu khẩu. Họ thường ngậm miệng không nói gì vì sợ nói ra sẽ tạo nghiệp và phải hoàn trả. Bậc Thánh nhân, Quân Vương xưa cũng là ít nói, “miệng vàng lời ngọc”. Lời Hoàng Thượng nói ra là Thánh chỉ, lời nói vô tình có thể khiến đầu của dân thường rơi xuống, vận mệnh của một người bị đảo lộn. Bởi vậy, bình thường, Hoàng Thượng đều tự xưng mình là “Quả nhân”, “Cô gia”, những từ này đều có ý hạ mình, nhún mình trước người khác.
Ngay cả những người dân bình thường có trí tuệ, người có tu dưỡng khi nói chuyện cũng rất chú ý, sợ nói lời ác làm tổn thương người khác, thất đức, tổn đức, khó có thể có lòng tin trong dân chúng. Người hiện đại ngày nay thường không coi trọng tu khẩu, chỉ gặp một chút việc nhỏ không vừa ý là buông lời hàm hồ, thô lỗ. Hơn nữa, còn có người hết lần này đến lần khác đều là hoa ngôn xảo ngữ, nói lời không thật, thậm chí nói lời phỉ báng Thần Phật… Họ không biết rằng báo ứng không phải không có mà là chưa đến lúc xảy ra mà thôi.
Những người hiểu về thuật dưỡng sinh trường thọ đều là những người tu luyện chân chính. Người có trí tuệ thực sự, thoạt nhìn thì tưởng là người ngốc, giống như Lão Tử giảng: “Đại trí nhược ngu”. Nhưng thực ra họ là những người đại trí, chỉ không tùy tiện thể hiện tài năng của mình mà thôi. Những người như vậy ung dung tự tại, khi bị mắng chửi cũng không mắng chửi lại, họ có thể vui vẻ chịu thiệt thòi và như thế họ đang tích đức cho bản thân mình.
Khi chúng ta hiểu được đạo lý: “Tâm tính là căn bản của mọi dưỡng sinh”, “tâm có thể sinh ra hết thảy, tâm có thể diệt hết thảy”, thì hãy coi trọng đạo đức, làm nhiều việc thiện, tích đức, tích phúc.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Phúc báo Hành thiện Tích đức tu dưỡng