Quách Đàm: Từ trẻ lượm ve chai đến hào phú nổi tiếng Chợ Lớn
- Trần Hưng
- •
Thời kỳ thuộc Pháp, nước ta nổi lên rất nhiều phú hào, dân chúng có câu: “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa”. Còn nói về đại phú hào người Hoa ở Chợ Lớn thì có câu: “Nhất Hoả, nhì Đàm, tam Xường, tứ Ích”, trong đó “nhì Đàm” chính là ông Quách Đàm – thương nhân giàu có gắn liền với Chợ Lớn. Ông xuất thân từ trẻ lang thang đầu đường xó chợ, kiếm sống bằng nhặt ve chai, cuối cùng trở thành hào phú nổi tiếng.
Từ lượm ve chai đến kinh doanh
Ông Quách Đàm sinh năm 1863 tại làng Long Khanh, quận Triều An, thành phố Triều Châu, tỉnh Quảng Đông. Năm 1880, Quách Đàm rời Triều Châu đến Nam Kỳ.
Còn nhỏ, đến nơi không nhà cửa hay người thân, ông phải sống lang thang nơi đầu đường xó chợ. Ban ngày ông lượm ve chai đem bán, tối đến thì ngủ ngoài hiên nhà người ta, hoặc chọn bất cứ chỗ nào có thể ngả lưng.
Sau một thời gian, Quách Đàm đã có một số vốn nho nhỏ liền kinh doanh mặt hàng hiếm và lạ như da trâu và vi cá bán cho người nước ngoài.
Do ngủ đường ngủ chợ nên Quách Đàm thường bị kẻ xấu rình đánh cắp tiền, nhiều lần bị mất hết tiền nhưng ông vẫn không nản chí, kiền trì kinh doanh lại từ đầu, nhờ thế mà vài năm sau đã có số vốn kha khá.
Năm 1890, Quách Đàm thuê một căn nhà ở quận 5 khu vực thuộc chợ Kim Biên ngày nay. Căn nhà ở bên kênh Tàu Hủ, nơi có các tàu hàng chạy qua lại giữa Sài Gòn và các tỉnh miền Tây. Từ đó Quách Đàm nảy ra ý định mua một chiếc tàu hơi nước buôn bán gạo giữa Sài Gòn – Chợ Lớn và miền Tây (chủ yếu là Cần Thơ).
Ban đầu quy mô buôn bán rất nhỏ nhưng lớn dần, rồi ông trở thành nhà thầu cung cấp lớn lớn nhất nhì cho khu vực Sài Gòn – Chợ Lớn.
Hào phú Chợ Lớn
Trải qua nhiều thăng trầm trong việc kinh doanh gạo, Quách Đàm trở thành thương nhân giàu có, ông mở rộng việc buôn bán ra nước ngoài, chủ yếu ở Singapore và Campuchia
Khi đã có cơ nghiệp vững chắc, khoảng năm 1906 – 1907, Quách Đàm định cư ở Chợ Lớn giống như nhiều người Hoa khác, lập công ty mới lấy tên là Thông Hiệp. Tên công ty xuất phát từ câu đối “Thông thương sơn hải, Hiệp quán càn khôn”.
Trụ sở của Thương Hiệp đặt ở vị trí một kênh đào, số 55 đường Quai de Gaudot (nay là đường Hải Thượng Lãn Ông). Dân gian truyền rằng sau đó có một thầy phong thủy nói rằng vị trí đặt trụ sở tốt nhất là ở số 45 đường Quai de Gaudot tức chỉ nằm cách trụ sở cũ vài căn nhà. Nhà số 45 nằm ở vị trí đầu rồng với thân rồng hướng ra biển. Thầy phong thủy dặn kỹ Quách Đàm rằng: Đây là nơi “đầu một con rồng”, khúc đuôi nằm tại biển cả, cũng dặn coi chừng đừng cho lấp kênh, tức lấp “mạch rồng”, và nếu một mai mạch rồng khô cạn, nguy cho cơ nghiệp họ Quách.
Năm 1910, Quách Đàm dời trụ sở đến số 45 đường Quai de Gaudot. Tuy nhiên dù thương thảo thế nào chủ nhà cũng không chịu bánn. Cuối cùng Quách Đàm chỉ có thể thuê được tòa nhà này với giá 300 đồng bạc mỗi tháng.
Quách Đàm có 2 nhà máy gạo ở Cần Thơ, 2 nhà máy gạo lớn ở Chánh Hưng (nay là quận 8) và Lò Gốm (nay là quận 6), có 4 tàu hơi nước vận chuyển gạo.
Năm 1915, Quách Đàm quyết định mua lại nhà máy gạo Di Xương – đây là nhà máy gạo lớn nhất và có lợi nhuận cao nhất ở Chợ Lớn. Điều này giúp việc kinh doanh thành công rực rỡ.
Một thống kê vào năm 1923 cho thấy cứ sau 24 giờ lượng lúa gạo được tuốt trong các nhà máy của Quách Đàm lên tới 230 tấn ở Chánh Hưng, 250 tấn ở Lò Gốm và 1.000 tấn ở Di Xương, khẳng định vị thế nhà buôn gạo thành đạt nhất Nam Kỳ.
Xây chợ Bình Tây – Chợ Lớn ngày nay
Lúc này Chánh tham biện Chợ Lớn cho rằng chợ cũ (nằm ở khu vực Bưu điện Chợ Lớn hiện nay) nhỏ hẹp nên muốn kiếm đất để xây một chợ lớn hơn. Quách Đàm biết được liền đề nghị hiến tặng 17.000m2 đất tại xóm Bình Tây và tự bỏ tiền xây dựng một chợ lớn cho chính quyền thành phố. Nhưng ông cũng chỉ có 2 yêu cầu là xây dựng nhà xung quanh chợ để cho thuê và đặt tượng của mình ở trung tâm chợ. Chính quyền Pháp đồng ý với đề nghị này.
Việc xây chợ đang tiến hành thì Quách Đàm mất vào năm 1927.
Cáo phó đăng trên tờ L’Echo Annamite lúc này mới tiết lộ rằng: Quách Đàm đã “trợ cấp định kỳ cho nhiều bệnh viện, trường học, công đoàn và chưa bao giờ thờ ơ trước những hoàn cảnh khó khăn.” Ông đặc biệt tích cực ủng hộ cho các bệnh viện, trường học dành cho người khiếm thị tại địa phương.
Quách Đàm mất khiến việc xây chợ dời lại 1 năm, đến năm 1928 thì lại tiếp tục, năm 1930 thì việc xây chợ hoàn tất. Vì nằm ở Bình Tây nên được gọi là chợ Bình Tây, cũng gọi là Chợ Lớn mới, hay chợ Quách Đàm.
Chợ có quy mô lớn hơn cả chợ Bến Thành, được xây dựng theo kỹ thuật phương Tây, nhưng mang kiến trúc phương Đông với mái ngói âm dương và rồng chầu nguyệt trên đỉnh mái. Chợ có hồ nước và bệ đá toàn bằng cẩm thạch trắng, với bốn con rồng và hai con lân to bằng đồng phun nước bạc.
Giữa chợ có khuôn viên nhỏ đặt tượng Quách Đàm đúc bằng đồng. Tượng ông tay trái cầm khế ước hiến đất để xây dựng chợ cho thành phố Chợ Lớn. Tay phải là các lĩnh vực ông đã đóng góp xây dựng như trường học, chợ, v.v… Tiếc rằng sau năm 1975 bức tượng này bị tháo ra khỏi chợ.
Sau này các tiểu thương người Hoa tưởng nhớ Quách Đàm đã làm tượng bán thân của ông rồi đặt lên bệ cũ, phía sau tượng có dòng chữ Hoa viết từ năm 1930:
“Ông Quách Đàm quê ở làng Long Khanh, quận Triều An, thành phố Triều Châu, tỉnh Quảng Đông, đến Việt Nam khi còn trẻ để xây nhà dựng cửa bằng nghề buôn gạo. Ông đã trở nên giàu có, là một người tốt, có tấm lòng rộng lượng và chính trực. Ông đã xây dựng một ngôi chợ mới cho Dī Àn (Tai Ngon – Sài Gòn). Những đóng góp của ông đã được chính quyền công nhận và trao tặng bức tượng đồng này để tưởng nhớ đến ông. Ông Quách Đàm sinh năm 1863, mất năm 1927.”
(Bản dịch của Damian Harper)
Dù một thế kỷ đã trôi qua nhưng chợ Bình Tây vẫn là niềm tự hào của người Hoa ở Sài Gòn.
Trần Hưng
Xem thêm:
Từ khóa Chợ Lớn gương mặt Sài Gòn