Sài Gòn xưa: Chuyện trái “Làu lình”
- Saigonxua
- •
Với tôi, đời sống khu Chợ Lớn, một góc không nhỏ của thành phố Sài Gòn, luôn là một thế giới hấp dẫn cần khám phá. Có nhiều câu chuyện cần ghi nhận về sự làm ăn, cách cư xử và hưởng thụ cuộc sống của cộng đồng người Hoa di dân nhiều đời ở đây.
Trong một tờ báo hồi xưa phát không cho nông dân, tờ Hương Quê, có kể một câu chuyện khá thú vị. Mục đích câu chuyện là kể về nguồn gốc thịnh hành của một loại trái cây ngoại lai ở miền Nam. Nhưng sau câu chuyện đó là sự nhạy bén, chăm chỉ của một người lao động nghèo gốc Hoa, luôn tìm kiếm những cơ hội để làm ăn, phát triển chuyện buôn bán của mình.
Chuyện kể có một mùa trái cây nọ, có một “Chú Ba” gốc Phúc Kiến gánh hàng vải đến xóm nhà tại làng Bình Sơn, miệt Lái Thiêu, nay thuộc huyện Thuận An, bán dạo. Bình Sơn là một làng Công giáo, giáp làng Bình Nhâm, tức Lái Thiêu, và làng An Sơn. Theo lời ông Hội đồng Nguyễn Hiệp Hòa ở Lái Thiêu kể lại cho con cháu, thì làng này gồm những người đi lánh nạn vì có cuộc lùng bắt tín đồ Công giáo xưa kia trước thời Gia Long. Khi Gia Long lên ngôi, dân làng có cuộc sống ổn định và lập vườn tược. Giám mục Bá Đa Lộc có lên dự khánh thành làng, xin lập một sở đất để nông dân trồng thí nghiệm cây ăn trái ở Mã Lai du nhập về như sầu riêng, măng cụt, mít tố nữ. Mấy giống cây lấy tại Pénang vì ở đây có chủng viện đào tạo tu sĩ Công giáo.
Khi đến gần miếng vườn ông thầy Sách ở đây, Chú Ba kể trên đột nhiên nghe mùi trái chín, gió thoảng đưa đến trước mũi. Anh ta mau lẹ dừng bước, hỉnh mũi lên trời rồi quay mình đánh hơi như chó săn đánh hơi con thịt. Bỗng anh vọt miệng la:
– Hô, Làu lình! Làu lình há!
Anh đến gần hàng rào, kêu ông Sách hỏi:
– Làu lình bán hôn?
Bấy giờ nhằm lúc ông Lang Sách tay cầm mo cau, tiến đến gốc cây có thứ trái nọ, định xúc trái bể đem chôn vì sợ bị hàng xóm kêu rêu trách móc vì mùi trái quá nồng.
Ông Sách hết sức ngạc nhiên, tưởng anh này khùng, nhưng vẫn kịp nghĩ là có thể hắn muốn mua trái này làm thuốc chăng. Ông bán cho anh kia bốn trái, còn một trái bể lòi cơm, anh chỉ và hỏi:
– Cho hóa trái Làu lình bể nghen!
– Lứ làm gì?
– Hóa ăn thử chứ làm gì.
* Hóa là tôi, lứ là anh.
Anh ta đến gần, tay móc một hột còn nguyên của trái đó, bỏ vô miệng ăn ngon lành.
Hỏi ra thì mới biết anh này trước ở miệt dưới Sanh-cà-bo (Singapore) lúc đó còn thuộc Mã Lai và sang Việt Nam sau này. Ở đó, anh có xơi sầu riêng, âm tiếng Mã Lai là Làu lình, các linh mục Pháp đọc là Dourion, người Việt gọi lại là sầu riêng. Anh từng được nếm sầu riêng bên Sanh-cà-bo nên vui mừng, định hướng bằng cách đánh hơi rồi tìm đến vườn ông Sách. Cái mùi độc đáo đó chính là mùi sầu riêng.
Theo lời ông Sách thuật lại, Chú Ba đó đem sầu riêng về Sài Gòn bán lại cho mấy người “Bà Ba Kiến Hổ” hoặc “Bà Ba Bù Dành”, là con lai của cha Tàu mẹ Mã Lai gốc Singapore sang Sài Gòn lập nghiệp xưa kia. Nhờ bán được sầu riêng, anh ta cứ vài ngày lên Bình Sơn mua một lần. Ông Sách mới biết đó là loại trái cây quý giá nên khi có trái chín muồi rụng bể, ông lấy hột ương vào bầu cẩn thận, khi cây lên ông trồng xuống đất. Sáu bảy năm sau, sầu riêng có trái, ông bán rất được giá. Ông được coi là người trồng những cây sầu riêng thủy tổ tại vùng Lái Thiêu đến nay.
Không rõ người Việt ở Sài Gòn biết ăn sầu riêng từ khi nào, trên thực tế, cho đến nay vẫn còn nhiều người Việt đang sống ở Sài Gòn không dám ăn sầu riêng. Nhưng nếu lúc đó người dân ở Lái Thiêu, xứ trái cây và được cho là nơi sớm trồng loại trái cây này, còn sợ mùi sầu riêng thì có thể đặt giả thuyết rằng: nhờ người Hoa như Chú Ba Phúc Kiến trên đưa sầu riêng về Sài Gòn – Chợ Lớn bán cho người Bà Ba mà loại trái cây độc đáo này dần được phổ biến.
Theo Fanpage Saigonxua
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa sài gòn xưa sầu riêng Chợ Lớn