Sinh viên, máy tính, điện thoại và internet
- Nguyễn Quốc Vương
- •
Có một thứ ở nước ta phát triển rất nhanh đến độ chính người Việt cũng phải ngỡ ngàng. Đó là sự phổ cập nhanh chóng của các phương tiện thông tin liên lạc.
Chẳng hạn, đối với tôi, việc cả làng tôi nhà nào cũng có tivi và hầu như thanh niên, người lớn ai cũng dùng điện thoại di dộng như hiện tại là một hiện thực trước đó tôi chẳng thể hình dung.
Đơn giản bởi vì cho đến khi tôi vào đại học, mỗi khi cần gọi điện thoại đi đâu hay nghe điện thoại của ai gọi đến, gia đình tôi vẫn phải ra bưu điện của xã hoặc nhà cậu tôi ở làng khác cách nhà tôi khoảng một cây số. Cả làng tôi khi đó không nhà nào có điện thoại và tất nhiên là không ai biết internet là cái gì. Nên nhớ rằng khi đó đã là năm 2000 và Việt Nam đã hòa mạng internet từ năm 1997.
Tôi lần đầu tiên nhìn thấy máy tính và được chạm vào nó khi vào học trung học phổ thông. Tôi vẫn nhớ những chiếc máy tính để bàn hồi đó khá lớn, đít tròn tròn như tivi, màn hình nhỏ, lúc nào cũng nhấp nháy và vỏ đều màu trắng. Trong phòng học tin học trường trung học phổ thông của tôi có khoảng 5-6 máy. Thấy bảo trong số các trường trung học phổ thông trong huyện chỉ có trường tôi có vì có một thầy dạy môn tin học ở đại học chuyển về trường tôi dạy. Đấy là chính là thầy Tới dạy chúng tôi môn tin học. Quả thật hồi đó chúng tôi thấy thầy Tới hơi kì quái. Thầy dạy rất nhiệt tình nhưng chúng tôi chẳng hiểu gì. Thầy cứ ra đề kiểm tra xong rồi lại tự chép đáp án lên bảng cho chúng tôi chép vào giấy. Ai bảo, toàn học sinh nhà quê, trước đó có bao giờ biết máy tính, tin học là gì đâu mà thầy lại dạy toàn lập trình Pascal kia chứ.
Vào đại học chúng tôi lại phải học môn “Tin học đại cương”. Tên gọi nghe ghê gớm thế thôi nhưng thực chất là học về “tin học văn phòng” với hai nội dung chính là học sử dụng phần mềm “Microsoft” và “Exel”. Nếu các cháu sinh viên bây giờ mà chứng kiến cảnh chúng tôi học sử dụng máy tính và các phần mềm nói trên ngày ấy thì chắc hẳn thấy lạ và buồn cười lắm. Môn học này có hai phần là “lý thuyết” và “thực hành” nhưng chủ yếu là học lý thuyết. Cũng có một vài tiết chúng tôi được giảng viên đưa lên phòng máy của nhà trường. Tôi nhớ mang máng hình như nó nằm trong tòa nhà C hay D gì đó cách xa tòa nhà chúng tôi vẫn học. Phòng máy được bảo vệ bằng mấy lần cửa sắt và khóa. Chúng tôi háo hức lắm nhưng khi chạm tay vào máy thì thất vọng tràn trề vì có đến 1/3 số máy bị hỏng, bị lỗi. Cái thì bật không lên điện. Cái thì bật điện có lên nhưng màn hình tối thui. Cái bật lên được thì chạy vô cùng tậm tịt. Chẳng hạn cặm cụi gõ văn bản một hồi đến khi bấm “save as” thì nó lại không lưu lại được vì thế làm xong, đóng các cửa sổ rồi quay lại tìm lại bài chẳng thấy đâu. Có đến đây, dùng máy mới biết nỗi sợ hãi của các sinh viên khóa trước đối với môn học này là có thật. Nó hoàn toàn không phải là lời đồn hay chuyện bịa.
Ngay khi vào học tôi đã nghe sinh viên các khóa trước nói rằng kiểu gì thì khóa nào vào cũng trượt ít nhất một nửa ở môn tin học trong kì đầu tiên. Nhiều lý do để trượt nhưng chủ yếu là vì máy tính đểu quá. Đang làm thì nó dở chứng đơ luôn hoặc là làm xong nó không lưu lại được, thậm chí đang làm máy nó tự khỏi động lại là chuyện thường. Khi thực hành tôi cũng thấy máy móc tậm tịt thật. Thật sự không biết nó dở chứng lúc nào. Có hôm, cái máy tôi ngồi bật mãi không lên nhưng kì lạ làm sao khi giảng viên xuống vỗ mấy cái rõ mạnh màn hình của nó lại bật sáng trở lại. Tài thật! Chuyện này cũng hệt như ở quê bố tôi dùng đài Tàu, đang nghe nó tịt, ông vỗ mãi nó cũng không nói trở lại tức mình ông quăng một phát ra vườn nào ngờ tiếp đất cái nó lại nói như thường!
Máy đã không ra gì, lớp lại đông, số tiết có hạn nên giảng viên dạy cũng kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”. Ai đã từng dùng máy tính biết sơ sơ hoặc sáng dạ có tư duy công nghệ thì còn lĩnh hội được tí chút, còn lại thì lơ tơ mơ như bò đội nón. Nhưng đại học là thế, nó khác phổ thông. Giảng viên không có thời gian, hơi sức đâu mà quan tâm kĩ càng tới từng sinh viên. Cứ giảng chung như thế, ai nghe được thì nghe. Thế nên sinh viên đứa nào cũng lo sốt vó. Giờ ngồi nghĩ lại ngày xưa thấy chuyện mình hốt hoảng khi vào word mà gõ mãi không được tiếng Việt hay loay hoay mãi mà không biết làm thế nào để thay đổi font chữ nó mới ngớ ngẩn và buồn cười đến thế nào. Nhưng đấy là nỗi sợ hãi của gần như toàn bộ sinh viên chúng tôi ngày đó.
Để được thực hành nhiều hơn, chúng tôi phải ra bên ngoài thuê máy. Chỗ chúng tôi hay đến là các quán internet bên Đại học sư phạm ngoại ngữ – Đại học quốc gia. Ngày xưa trường tôi học vốn nằm trong Đại học quốc gia Hà Nội cho nên các trường nằm ở gần nhau, một số tòa nhà, giảng đường còn nằm thò thụt vào cả hai bên khiến đôi khi tôi không rõ nó thuộc sở hữu của trường tôi hay là của Đại học quốc gia. Các quán internet này lúc nào cũng đông người nên có khi phải đợi. Tiền thuê khá… chát. Giá dao động từ 2000-3000 nghìn đồng/tiếng tùy chất lượng máy cũ hay mới và tốc độ đường truyền. Như thế dùng một tiếng là mất một bữa cơm sinh viên. Mà một tiếng dùng nhanh lắm! Vừa mang tập tài liệu hướng dẫn sang, hí hoáy bật máy lên rồi thao tác nọ kia, chỉ một lát đã thấy nhân viên quán đến nhắc “hết giờ”.
Ngày đi thi cả lớp phấp phỏng. Tôi làm bài cũng tạm nhưng khoảng 30 phút cuối thì phòng thi hỗn loạn vì nhiều đứa tá hỏa khi máy hỏng không lưu được bài hoặc gặp sự cố gì đó. Chính các giảng viên coi thi cũng phải chạy đi chạy lại để khắc phục sự cố cho sinh viên. Thằng bạn ngồi cạnh tôi thì mồ hôi toát ướt hết lưng áo vì chưa làm được gì. Tôi phải quay sang giúp nó. Một hồi sau quay lại phát hiện ra bài mình làm biến đâu mất tiêu. Tôi choáng váng như bị đao phủ nào đó chém rụng nửa người. Thế là trong trạng thái mồ hôi đầm đìa khắp người, đầu nóng, chân tay lạnh tôi lập cập làm lại. Tất nhiên, hết giờ tôi vẫn chưa thể làm xong. Suốt mấy tuần sau thi tôi liên tục trong trạng thái phấp phỏng vì lo trượt. Kết quả tôi được 5 điểm môn tin học, điểm số vừa đủ để không trượt và tệ nhất trong số các môn học của kì thứ nhất. Nhưng vẫn còn may chán vì trong lớp có vô số đứa phải thi lại môn này. Hơn nữa, cũng có một chút an ủi là học kì đó tôi vẫn được học bổng dù điểm số không được như kì vọng.
Sang đến năm thứ hai, thứ ba thì máy tính và internet trở nên phổ biến hơn trong thế giới sinh viên của chúng tôi. Quanh trường các quán internet mọc lên như nấm. Dọc các con ngõ đi vào các khu nhà trọ ở đối diện trường cũng vậy. Quán lúc nào cũng đông nghẹt người. Sinh viên, thanh niên ra đó chơi game và chát chít. “Chat” – tán gẫu trên mạng hồi đó là một thứ gì đó vô cùng mới mẻ. Rất khó có thể tìm một thứ gì đó ở hiện tại để so sánh với nó. Nó phổ biến và được yêu thích như là chụp ảnh “selfie” chăng hay Tik Tok chăng? Rất khó so sánh. Chỉ cần dùng máy tính có nối mạng với một tài khoản Yahoo, thế là có thể trò chuyện với bạn bè ở xa, thậm chí là ở nước ngoài. Thú vị hơn nữa là có thể vào “room chat” để trò chuyện, tán tỉnh với người lạ bao gồm cả người ngoại quốc. “Chat” và “game” bởi thế là hai thứ “ma túy” mới có hấp lực cực lớn với sinh viên. Tôi không chơi game, nhưng cũng đã từng có trải nghiệm chát chít với người lạ trong “chat room” và trò chuyện với bạn bè học ở trường khác sử dụng messenger của yahoo. Bây giờ với điện thoại thông minh, laptop, máy tính bảng, ipad… và mạng xã hội như Facebook, Twitter, Tik Tok những chuyện kết nối với bạn bè ở các không gian khác có hoặc không có mối liên hệ ngoài đời thực trở nên rất phổ biến và dễ dàng nhưng thời đó, cách đây hơn 20 năm nó giống hệt như một phép thần trong truyện cổ tích. Tôi vẫn nhớ rất rõ cảm giác ngạc nhiên của mình cũng như sự kinh ngạc của mấy cậu sinh viên người Indonesia khi chúng tôi kết nối và nói chuyện qua mạng thời đó.
Điện thoại di động thời đó cũng cực hiếm. Đến cả các giảng viên cũng có người không có. Trong kí túc xá các sinh viên phải dùng điện thoại ở quán của ông trưởng ban quản lý kí túc xá. Bạn bè, người nhà có việc gì, cần gặp ai thì gọi tới máy đó. Người gọi chỉ cần nêu tên người cần gặp và số phòng là được. Con gái hay vợ ông ấy sẽ cầm tờ giấy ghi thông tin đó rồi đến từng tòa nhà đứng dưới gọi. Tất nhiên, không có chuyện “giúp đỡ không công” rồi. Người ta cho gọi đến và đi gọi tới nghe điện là để thu tiền. Mỗi lần nghe hình như mất 1000 đồng. Kể ra đấy cũng là một công nghệ kiếm tiền rất hiệu quả. Trong kí túc xá có đến cả nghìn sinh viên kia mà. Bao nhiêu con người, bao nhiêu mối quan hệ và bao nhiêu nhu cầu liên lạc. Cứ mỗi người nghe lại tiền tươi thóc thật mà người đưa tiền thì luôn luôn vui vẻ vì cảm thấy được giúp đỡ.
Nhưng rồi trong kí túc xá cũng xuất hiện điện thoại di động. Tôi cũng đã nhìn thấy. Có một anh học trên tôi hai khóa ở khoa giáo dục chính trị dùng. Tôi thấy anh đi đâu cũng đeo nó ở hông. Lâu lâu lại cầm máy áp lên tai nhìn đầy oai vệ. Cái điện thoại đó sơn hai màu đỏ đen to dài cỡ phải gần hai gang tay lại có cái cần ăng ten thò lên phía trên nhìn rất lạ. Có lần anh đứng ở cửa phòng tôi áp điện thoại lên tai nói oang oang đầy hào hứng. Các sinh viên khác, tất nhiên bao gồm cả chúng tôi và các sinh viên nữ ngưỡng mộ anh lắm. Nhìn thấy sinh viên có điện thoại di động dùng thời đó chẳng khác gì nhìn thấy thiếu gia đi Audi hay G63 bây giờ, thậm chí còn hơn thế. Có điều tôi lại cũng nghe thấy các anh năm thứ ba, thứ tư ở phòng tôi xì xào điện thoại di động đó là điện thoại rởm, điện thoại đồ chơi. Nó chỉ có chuông kêu tí toe thế thôi chứ không dùng được. Một hai chị đến phòng tôi chơi thì lại bảo điện thoại ấy chỉ nhận cuộc gọi, tức là nghe được thôi chứ không gọi được. Thật chẳng biết thế nào mà lần. Nhưng đúng thật là tôi chưa thấy anh ta cho ai mượn điện thoại bao giờ. Đi đâu, ngồi đâu anh ta cũng hoặc là đeo bên hông hoặc giữ điện thoại trên tay không cho ai chạm tới. Vì anh ta là nhóm trưởng của nhóm thanh niên xung kích nên xó xỉnh nào, sự kiện nào trong kí túc xá, đặc biệt là những vụ ồn ào, cãi vã đánh nhau anh ta cũng đều có mặt nên tôi cũng nhẵn mặt anh ta. Tính anh ta lại ồn ào và hơi võ biền nữa nên rất nổi bật.
Sinh viên trong kí túc xá còn đồn rằng anh ta cưa đổ cô nọ cô kia cũng là nhờ cái cục gạch có cái râu thò lên đó. Không biết điều đó có đúng không. Nhưng sự ngưỡng mộ hay tò mò quan tâm của sinh viên trong kí túc xá đối với món đồ công nghệ thần kì, mới mẻ mà anh nắm trong tay thì là thật. Ngay đến cả tôi, sau hơn 20 năm vẫn còn nhớ đến nó kia mà.
Nguyễn Quốc Vương
Theo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:
Mời xem video:
Từ khóa Nguyễn Quốc Vương