Con nhà nghèo học giỏi vs con nhà giàu vượt sướng?
- Nguyễn Quốc Vương
- •
Trên tivi, báo chí, mạng xã hội ta gặp rất nhiều tấm gương vượt khó học giỏi ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là những học sinh thi đỗ thủ khoa trong các kì thi vào đại học, giành được các suất học bổng trong nước và quốc tế.
Trong nhiều trường hợp, báo đài thường làm các phóng sự mô tả chi tiết kĩ càng cuộc sống nghèo khó, hoàn cảnh đặc biệt của gia đình các em để làm nổi bật sự nỗ lực và thành công của các em.
Tôi không nghi ngờ tính chân thực phía sau các phóng sự ấy. Trong cuộc sống này có vô vàn các tấm gương vượt khó học giỏi, thành công như vậy.
Tuy nhiên, có một vấn đề làm tôi suy nghĩ mãi. Hầu hết các tấm gương “vượt khó thành công” mà báo đài ca ngợi đều rơi vào các trường hợp “học giỏi” như thi đỗ thủ khoa đại học, thi học sinh giỏi quốc gia… Những trường hợp giành học bổng quốc tế, được nhận vào các trường đại học danh giá hay giành giải thưởng, đạt được thành tựu lớn trong các lĩnh vực như nghệ thuật, thể thao, khoa học… rất thưa thớt.
Tất nhiên đây chỉ là cảm giác từ kết quả quan sát, thống kê của cá nhân tôi. Tôi không có trong tay số liệu nghiên cứu, thống kê nào có tính khách quan thể hiện vấn đề này ở một phạm vi rộng lớn ở thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên điều này khiến tôi day dứt mãi. Tôi đã từng viết một bài báo có tựa đề “Tại sao cứ phải là con nhà nghèo học giỏi?” đăng trên một tờ báo mạng lớn. Rất nhiều người đã đọc và bình luận sôi nổi dưới bài viết.
Đã từ lâu tôi suy nghĩ về một chuyện, phải chăng cả xã hội rồi báo đài say mê diễn ngôn “con nhà nghèo học giỏi” mà bỏ quên mất một điều quan trọng rằng cuộc đời của một con người cho dù là đang ở độ tuổi đi học có phải đâu chỉ gói gọn trong phạm trù “học giỏi” hay không chưa kể đến chuyện “giỏi cái gì”. Từ trước đến nay xã hội dường như chỉ quan tâm và tôn vinh những học sinh học giỏi các môn giáo khoa, các môn phục vụ các kì thi từ thi chuyển cấp, thi vào đại học tới thi học sinh giỏi các cấp. Thế còn các tấm gương của học sinh ở các lĩnh vực khác như: hoạt động xã hội, biểu diễn, sáng tác nghệ thuật, văn chương, thi đấu thể thao… thì sao?
Khi suy ngẫm về điều này tôi nhận ra rằng ngoài chuyện xã hội và truyền thông bị hút vào thi cử – như một thói quen tư duy cũ kĩ, thì phía sau câu chuyện về các tấm gương học giỏi và đạt thành tích cao trong thi cử này còn có bóng dáng của nghèo khó và những vấn đề thuộc về nền tảng, môi trường học tập.
Các học sinh sinh ra, lớn lên trong các gia đình nghèo, các gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn vẫn có nhiều cơ hội để học giỏi các môn giáo khoa như toán, lý, hóa, văn… và giành được giải trong các kì thi học sinh giỏi. Đó là vì ngoài chuyện trí thông minh trời cho được phân bổ theo quy luật của tạo hóa thì điều kiện vật chất để phục vụ cho việc học tập đáp ứng yêu cầu của các môn học, kì thi đó không quá khắt khe. Những công cụ phục vụ học tập hướng tới các kì thi đó không cần quá cầu kì: một vài cuốn sách giáo khoa, vài cuốn sách tham khảo, vở, bút… là đủ. Bản thân tôi khi thi đại học vào năm 2000, thời điểm trường Đại học Sư phạm Hà Nội còn đang rất “hot” với tỉ lệ chọi rất cao nhưng khi ôn thi đại học tôi cũng chẳng có tài liệu học tập gì ghê gớm ngoài mấy cuốn sách giáo khoa, một bộ đề ôn thi cho mỗi môn. Tôi hầu như không đi học thêm ở trường, chưa từng học ở nhà giáo viên và luyện thi ở lò. Nhưng tôi vẫn thi đỗ tất cả các trường cao đẳng, đại học mà tôi đã dự thi.
Tôi biết có vô vàn các học sinh khác như tôi, thậm chí có điều kiện hoàn cảnh gia đình còn khó khăn hơn tôi nhiều. Đọc các bài báo viết về những tấm gương vượt khó học giỏi ta sẽ thấy có nhiều bạn trong số đó chỉ có cha hoặc mẹ, cha mẹ làm các nghề có thu nhập rất thấp, thậm chí là người tàn tật… Bằng nỗ lực phi thường các bạn ấy vẫn thi đỗ đại học với điểm số rất cao.
Nhìn chung, các cuộc thi như thi đại học hay thi học sinh giỏi các cấp không cần nhiều điều kiện về vật chất để theo đuổi. Tuy nhiên, nếu nhìn rộng ra các lĩnh vực khác, các sân chơi khác thì sao? Ví dụ như luyện tập, thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật, nghiên cứu khoa học chẳng hạn.
Không cần suy nghĩ nhiều ta đều hiểu ngay rằng cơ hội cho các bạn có điều kiện kinh tế khó khăn sẽ hẹp lại và đa số những người sinh ra, lớn lên trong gia đình nghèo khó sẽ không có khả năng theo đuổi, duy trì.
Nguyễn Quốc Vương
Trích trong cuốn sách về nghèo đói của tác giả. Mời bạn đọc liên hệ đặt sách.
Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:
- Nghèo đói và sự thiếu vắng văn hóa đọc
- Không cần học vẫn thoát nghèo?
- Thi vị hóa nghèo khó
- Nghèo đói và mặc cảm tự ti, thấp kém
- Nghèo đói và sự khát khao vinh hoa, phú quý
- Đọc sách và nghèo đói
- Nghèo khó là mảnh đất tốt tạo ra và nuôi dưỡng sự luộm thuộm
- Đọc sách là con đường tất yếu
- Nghèo đói và ham mê vật chất – tiêu dùng vô độ
- Nghèo khó và sự thiếu hụt tư bản xã hội
Mời xem video:
Từ khóa nghèo khó Nguyễn Quốc Vương