Khoác lên mình đôi cánh của thiên thần, bay bổng tự do trong sự tráng lệ và lộng lẫy của thiên đường, hít thở ánh sáng thánh thiện và rực rỡ, giữa những lời ngưỡng mộ thiêng liêng, kỷ nguyên Baroque đã bước vào cung điện của nghệ thuật.

Từ cuối thế kỷ 16 và đầu thế kỷ 17, nghệ thuật tráng lệ và giàu sức biểu cảm này đã nhanh chóng lan rộng khắp châu Âu từ Rome, Venice, Florence và những nơi khác ở Ý, người ta gọi nó là “Baroque”. Từ này xuất phát từ tiếng Bồ Đào Nha “barroco”, có nghĩa là “ngọc trai hoặc đá có hình khối lạ”, vì vậy nó khác với các tác phẩm nghệ thuật thời Phục Hưng nhấn mạnh phong cách yên tĩnh và cân bằng.

Cũng như trên thế giới không thể chỉ có một màu, sự đa dạng của phong cách nghệ thuật ở các thời đại khác nhau cũng là điều tất yếu. Vào cuối thế kỷ 16, việc theo đuổi sự yên tĩnh, cân bằng và hòa ái của các nghệ sĩ thời kỳ Phục Hưng dần bị từ bỏ. Chẳng bao lâu, toàn bộ lĩnh vực nghệ thuật, bao gồm hội họa, âm nhạc, kiến ​​trúc và nghệ thuật trang trí, bắt đầu một trào lưu rộng khắp chuyển động và thay đổi mạnh mẽ. Xu hướng này đã đạt đến thời kỳ hoàng kim ở Châu Âu vào thế kỷ 17 và đến giữa thế kỷ 18 mới bị thay thế bởi chủ nghĩa Tân cổ điển. Vì vậy, người ta gọi thế kỷ 17 ở Châu Âu là “Thời đại Baroque”.

Sơ lược về nghệ thuật Baroque - P1: Thai nghén trong cuộc ly giáo
Nhà thờ Chúa Jesus (Chiesa del Gesù) tọa lạc tại quảng trường Jesus (Piazza del Gesù) ở Rome, Ý, được coi là nhà thờ đầu tiên ứng dụng phong cách Baroque trong kiến trúc và hội họa. (Ảnh: Alvesgaspar, Wikipedia, CC BY-SA 4.0)
Sơ lược về nghệ thuật Baroque - P1: Thai nghén trong cuộc ly giáo
(Ảnh: LivioAndronico, Wikipedia, CC BY-SA 4.0)
Sơ lược về nghệ thuật Baroque - P1: Thai nghén trong cuộc ly giáo
(Ảnh: Alvesgaspar, Wikipedia, CC BY-SA 4.0)

Như Socrates từng nói: “Đức hạnh là điều quý giá nhất trong mọi sự vật; Sinh mệnh lý tưởng nhất của một người là cống hiến cả cuộc đời để tìm kiếm Thượng Đế”. Các tín đồ Tin Lành cũng cho rằng: “Mục đích sống duy nhất mà Thiên Chúa ban cho con người, đó là để sống vì Thiên Chúa và tôn cao Thiên Chúa”. Quan niệm đạo đức truyền thống phương Tây này đã được áp dụng cho nghệ thuật của thời đại Baroque. Bất kể là kiến ​​trúc, điêu khắc hay hội họa, bầu không khí tôn giáo và đạo đức mạnh mẽ được phản ánh trong nghệ thuật Baroque ở khắp mọi nơi. Trong nhà thờ, người ta ca tụng Chúa và các vị Thiên Thần với lối trang trí kiến ​​trúc lộng lẫy, uy nghi và tráng lệ, thể hiện sự nguy nga, hùng vĩ của thiên đường. Những tư thế năng động và phong phú trên các tác phẩm điêu khắc hầu hết được sử dụng để thể hiện phép lạ của các vị Thánh. Hội họa sử dụng một lượng lớn các bố cục xiên hoặc chéo để minh họa các chủ đề tôn giáo thú vị. Ngoài ra, phong cách nghệ thuật Baroque có xu hướng kết hợp các loại hình nghệ thuật khác nhau để thể hiện sự ngợi Chư Thần một cách toàn diện nhất. Do đó, thay vì sự tĩnh lặng và hòa ái của thời kỳ Phục Hưng, nghệ thuật Baroque mang đến sự phong phú, sinh động và ngoạn mục.

Biến động lớn của tôn giáo phương Tây

Sự hình thành và phát triển của nghệ thuật thời đại Baroque gắn liền với một biến cố lớn trong tôn giáo phương Tây, đó là sự “ly giáo” diễn ra bên trong Kitô giáo. Theo đó, từ đầu thế kỷ 16, nhiều mâu thuẫn đã xuất hiện bên trong Giáo hội Kitô, chủ yếu xoay quanh việc lý giải giáo lý Kitô thuần túy dựa trên Kinh Thánh, hay dựa trên sự diễn giải của Giáo hội tại Rome.

Giọt nước làm tràn ly là vào năm 1515, Giáo Hoàng cho phép bán các chứng chỉ ân xá cho giáo dân để kiếm tiền. Theo quy định trong sắc dụ Giáo Hoàng, người sở hữu chứng chỉ ân xá khi chết và sau khi xưng tội trên giường bệnh sẽ được Chúa ban ơn, lúc trở về thế giới bên kia, khỏi phải đi qua tầng sám hối cực khổ gian nan. Nói theo phong cách ẩn dụ, mua chứng chỉ ân xá là “mua vé vào cửa để bước thẳng lên Thiên Đường”. Điều này về cơ bản không tồn tại trong Kinh Thánh và cho thấy phần nào vấn đề bên trong Giáo hội tại Rome (Xem chi tiết trong bài: Cuộc cách mạng tôn giáo ở châu Âu đã diễn ra như thế nào?).

Tháng 10 năm 1517, mục sư trẻ Martin Luther, giáo sư môn thần học thuộc đại học Wittenberg, đóng lên cửa chính nhà thờ Schlosskirche một bản cáo trạng bao gồm 95 luận đề chống lại đợt vận động “bán chứng chỉ”. Trong vòng hai tuần, 95 luận đề đó được lan truyền ra khắp nơi ở Đức, và sau hai tháng đã lan rộng khắp châu Âu.

Hành động của mục sư Martin Luther đã châm ngòi cho một cuộc cải cách tôn giáo mang tính toàn diện nhất trong lịch sử tôn giáo phương Tây. Về mặt tôn giáo, nó vĩnh viễn thay đổi thế giới Kitô, phân hóa cộng đồng tôn giáo thành nhiều tông phái khác nhau cùng tôn thờ một Đức Chúa Trời, thay đổi cách nhìn của giáo dân về cách diễn giải Thánh Kinh. Đấy là chưa kể, danh hiệu cao quý Giáo hội Kitô không còn ý nghĩa để tồn tại, mà thay vào đó, người ta chỉ còn gọi là Giáo hội Công giáo La Mã, tức là đại diện cho cộng đồng Công giáo, một nhánh của Kitô giáo.

cách mạng tôn giáo
Martin Luther treo 95 luận đề trên cửa nhà thờ Schlosskirche. (Họa sĩ: Ferdinand Powels. Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Những người vận động cho cuộc “ly giáo” này đã thành lập một cộng đồng mới, được gọi là Kháng Cách nói chung hay Tin Lành (nhánh của mục sư Martin Luther) nói riêng. Phía Tin Lành nhấn mạnh vào đức tin với duy nhất chúa Jesus và Kinh Thánh; bác bỏ sự lệ thuộc của tín đồ vào Giáo Hoàng cũng như các linh mục; cho rằng chỉ có Thiên Chúa mới có thể cứu chuộc con người thay vì việc tín đồ thông qua hình thức công đức, tiền tài để nhận được sự cứu rỗi.

Trong khi cuộc cải cách Tin Lành diễn ra, đề cao việc thực hành nghi lễ đơn giản và tránh xa sự xa hoa tráng lệ, thì bên trong Giáo hội, để đối kháng lại với phong trào Tin Lành, các tu sĩ thực hành nghi lễ lộng lẫy, yêu cầu hiệu ứng hình ảnh tráng lệ trong việc trang trí kiến ​​trúc của nhà thờ. Điều này đã đóng một vai trò lớn trong sự phát triển và phổ biến của nghệ thuật Baroque.

Điều cần chỉ ra ở đây là, dẫu có sự tha hóa trong Giáo hội, nhưng ở bất cứ nhánh Kitô giáo nào, vẫn luôn có những cá nhân bảo trì được tín ngưỡng chân chính. Đứng về phương diện tín ngưỡng mà nói, sự xa hoa lộng lẫy hay đơn giản khắc khổ chỉ là hình thức mà thôi. Đặc biệt, khi biểu hiện ra sự Thần thánh và trang nghiêm, khi muốn diễn tả Thiên đường, muốn diễn tả sự mỹ lệ của Chư Thần thì những người có tín ngưỡng đều muốn hướng tới chuẩn mực cao. Ngắm nhìn những tác phẩm như vậy cũng dễ khiến con người khởi lên sự sùng kính và tín niệm đối với Thiên Chúa.

Bởi vậy mặc dù lúc đầu phong cách Baroque được sử dụng như một điều đối nghịch lại với cuộc cải cách Tin Lành đang diễn ra, và bất chấp những khác biệt về thần học tôn giáo, phong cách nghệ thuật theo xu hướng nhà hát kịch tráng lệ này đã thể hiện sức hấp dẫn lạ thường đối với tất cả mọi người. Trên thực tế, những quốc gia hoặc khu vực đầu tiên từ chối phong cách Baroque do sự “ly giáo” đã dần chấp nhận phong cách nghệ thuật này vào thế kỷ 17 và 18, và áp dụng nó trong kiến ​​trúc, hội họa và âm nhạc.

Michelangelo, nhà tiên phong dẫn đường cho Baroque

Michelangelo di Lodovico Buonarroti Simoni (1475-1564 SCN), một trong Tam Kiệt nổi tiếng của thời kỳ Phục Hưng, đã không ngừng cố gắng tạo ra những đột phá trong sáng tác và tạo hình nghệ thuật. Trong nhiều tác phẩm, người ta thấy ông liên tục nếm thử các sửa đổi không theo khuôn mẫu ổn định và yên tĩnh trong thế giới nghệ thuật lúc bấy giờ. Ngoài ra ông cũng cố tình bộc lộ những đặc điểm năng động và có khuynh hướng nhất định.

Mặc dù các tác phẩm của Michelangelo luôn được xếp vào phong cách Phục Hưng trong lịch sử nghệ thuật, nhưng nhà sử học nghệ thuật nổi tiếng người Thụy Sĩ Heinrich Wolfflin (1864-1945) trong cuốn sách “Văn hóa Phục Hưng và Baroque” năm 1888 vẫn nói rằng Michelangelo là nhà tiên phong sớm nhất của nghệ thuật Baroque. Ông đã kết nối hai thời đại Phục Hưng và Baroque. Các tác phẩm mang tính kết nối của ông đều là bậc thầy nghệ thuật tuyệt vời ở cả hai thời đại.

Trong khi nghệ thuật Phục Hưng chú trọng vào sự hài hòa, cân đối, sự suy tư và kết quả, thì các bức tranh Baroque có đặc điểm chung là mô tả chủ thể trong sự vận động với cảm xúc khá mạnh mẽ, tạo ấn tượng rất mạnh cho người xem.

Tìm hiểu nghệ thuật Phục Hưng kỳ I: Nhà nguyện Sistine và bức "Chúa trời tạo ra Adam"
Bức “Chúa Trời tạo ra Adam” trên vòm Nhà nguyện Sistine. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Những đặc điểm của nghệ thuật Baroque đặc biệt rõ ràng trong bức họa nổi tiếng trên vòm Nhà nguyện Sistine: Bức “Chúa trời tạo ra Adam”. Bức tranh này mô tả một cảnh tượng, một niềm tin quan trọng trong Kinh Thánh, đó là Chúa trời dùng đất để tạo ra con người. Thiên Chúa (bên phải) tạo ra Adam (bên trái) một cách Thần thánh, bằng một cử chỉ. Cánh tay của hai chủ thể trong tranh tạo thành một đường chuyển động kéo dài từ phía trên bên phải xuống phía dưới bên trái. Phần nền sáng ở giữa sườn đồi do phần vải và thắt lưng quần áo tạo nên, cùng với đường chuyển động tạo ra bởi hai cánh tay, tạo thành một hình chữ X nghiêng, mang đến sự vận động và sức sống cho một bức tranh mô tả sự giáng sinh của một sinh mệnh.

Điều đáng nói là vào thời khắc quan trọng khi sáng tạo ra sinh mệnh, thì Michelangelo giữ lại một khoảng cách nhỏ bé giữa hai ngón trỏ của Chúa và Adam.

Nghe thuat Baroque ky 1 04
Nhà nguyện Sistine. (Ảnh: Wikipedia, Public Domain)
Sơ lược về nghệ thuật Baroque - P1: Thai nghén trong cuộc ly giáo
Mái vòm Nhà nguyện Sistine. (Ảnh: Wikipedia, Public Domain)

Giorgio Vasari đã nói về tổng thể các bức bích hoạ trong Nhà nguyện Sistine như sau: “Kiệt tác này là ánh sáng soi đường cho nghệ thuật của chúng ta, một lợi ích vô giá cho tất cả các hoạ sĩ, làm hồi sinh cả một thế giới từng đắm chìm trong bóng tối của nhiều thế kỷ. Thật vậy, hoạ sĩ khỏi cần tìm kiếm những phát hiện mới, phong thái mới, các hình người mặc áo quần, các cách biểu hiện tươi mới, các cách xếp đặt khác, hoặc các chủ đề siêu phàm nữa, bởi lẽ tác phẩm này đã chứa đựng mọi sự hoàn hảo có thể có đối với các tiêu đề đó.” (Xem thêm bài: Vì sao nói mái vòm nhà nguyện Sistine là kiệt tác Mỹ thuật thế giới?)

Tất nhiên, Michelangelo cũng phải trải qua rất nhiều thử nghiệm, và cũng bị giằng xé giữa một vấn đề lớn nảy sinh lúc bấy giờ: sự “ly giáo” đang âm ỉ kéo đến. Diễn giải về sự “ly giáo” này một cách thâm sâu hơn, đó là việc qua thời gian tín ngưỡng phát triển lâu dài thì tư tưởng con người dần dần đi đến càng chú trọng đến giá trị cá nhân hơn, nhấn mạnh sự phát triển tự ngã của cá nhân, dùng đạo lý của con người và tính chủ động của tự thân để thay đổi hoàn cảnh hiện thực, không còn dựa vào nâng cao đạo đức, thành kính chờ Thiên Chúa cứu vớt như xưa nữa (Xem bài: Nhìn lại một giai đoạn hưng suy của nghệ thuật nhân loại). Biểu hiện của nó ở mặt Giáo hội là việc bán “chứng chỉ ân xá”, mà ở mặt nghệ thuật chính là cuộc tranh luận với Giáo Hoàng của Michelangelo, hay các phong cách mà Michelangelo thử nghiệm.

Chẳng hạn bấy giờ sau khi các bức bích họa đã hoàn thành và giàn giáo bên trong Nhà nguyện Sistine được dỡ, Giáo Hoàng muốn Michelangelo phủ vàng kim lên quần áo các hình người trong bức bích hoạ. Michelangelo trả lời ông chưa từng thấy ai mặc vàng lên người bao giờ. Giáo Hoàng bảo nếu không, trông các hình người nghèo nàn quá. Michelangelo nói: “Những người được vẽ ở đây đều là người nghèo, nhưng có tinh thần thiêng liêng và khinh bỉ sự giàu sang.” Và ông đã giữ như vậy, không sửa theo ý Giáo Hoàng. Điều này thể hiện rõ sự đối lập đậm nét giữa hai luồng tư duy của Công giáo và Tin Lành.

Một ví dụ nữa là việc Michelangelo đã thử nghiệm một “phong cách mới” khi vẽ bức “Đại Thẩm Phán” nổi tiếng cũng nằm trong Nhà nguyện Sistine. Mặc dù là bức họa nổi tiếng nhất thế giới hiện nay, nhưng vào thời mới hoàn thành, nó đã gặp phải nhiều chỉ trích. Thời đó, người ta cho rằng Michelangelo đã quá theo đuổi việc thử nghiệm nghệ thuật của cá nhân, mà bỏ qua những khía cạnh đạo đức trong việc vẽ bức họa dành cho một nhà nguyện.

Tìm hiểu nghệ thuật Phục Hưng kỳ I: Nhà nguyện Sistine và bức "Chúa trời tạo ra Adam"
Bức “Đại Thẩm Phán” (The Last Judgment) của Michelangelo tại nhà nguyện Sistine. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Trong tác phẩm “Đại Thẩm Phán” nguyên gốc của Michelangelo đã xuất hiện rất nhiều hình ảnh khỏa thân quá mức, lộ cả những phần kín đáo của cơ thể ở những tư thế thô nhất, kể cả đàn ông lẫn phụ nữ, kể cả nam Thần lẫn nữ Thần. Người phụ trách nghi lễ của Giáo hoàng, Biagio da Cesena, đã phải thốt lên rằng: “Thật bất kính khi tại một địa điểm Thần Thánh lại xuất hiện những hình ảnh khỏa thân, phơi bày cơ thể một cách trần trụi…” Có lẽ đó cũng chính là nguyên nhân mà tác phẩm của Michelangelo đã được sửa lại bởi Daniele da Volterra, thêm quần áo cho những chi tiết quá trần tục, ngay sau khi Michelangelo qua đời.

Michelangelo
Bên trái là hình vẽ ban đầu của Michelangelo mô tả một vị nữ Thánh một cách quá bất kính và trần trụi. Bên phải là hình ảnh sau khi đã được chỉnh sửa.

Sự chú trọng đến cái tôi cá nhân này của Michelangelo cũng là một trong năm luận điểm chính mà các tín đồ Tin Lành động đến. Theo đó, trong năm tín lý duy nhất mà Tin Lành giảng, thì con người không thể quá coi trọng cá nhân, và sống không phải để thể hiện chính mình hay khẳng định cá nhân. Họ tin rằng: “Mục đích sống duy nhất mà Thiên Chúa ban cho con người, đó là để sống vì Thiên Chúa và tôn cao Thiên Chúa”, và chỉ có Thiên Chúa mới có thể cứu chuộc con người. Bởi thế, các vị Thánh, các Giáo Hoàng, các Hồng Y hay Giáo Hội không xứng để nhận lấy khả năng ban phát sự cứu rỗi, hay nhận lấy sự tôn vinh. Đây chính là một luận điểm cơ bản và có thể nói là quan trọng nhất bên trong cuộc ly giáo nổi tiếng thời bấy giờ.

Dựa theo bài viết trên Epoch Times
Tác giả: Arnaud Hu
Quang Minh biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: